Ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, thiệt hại trong đợt bão vừa qua đã giảm hẳn, một phần lớn là do nhận thức và hành động phòng chống thiên tai (PCTT) của bà con, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở được nâng lên qua công tác truyền thông.
Mưa lũ ảnh hưởng đến các huyện miền núi Quảng Nam |
Ngay từ rất sớm, tại các xã đều xây dựng phương án PCTT cụ thể, trong đó, chú trọng công tác tuyên truyền kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đến bà con từng khu dân cư. Mỗi thôn đều thành lập một Tổ xung kích gồm có cán bộ thôn và lực lượng thanh niên trong thôn để hỗ trợ người dân thực hiện “4 tại chỗ”. Đồng thời, triển khai các lớp tập huấn kỹ năng ứng phó với lũ quét và sạt lở đất cho lực lượng tại chỗ này. Địa phương cũng trích kinh phí mua loa cầm tay đến từng thôn để có thể tuyên truyền các thông tin, hướng dẫn bà con ứng phó với thiên tai sao cho thật sát với địa bàn.
Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, không thể đến nhà dân để tuyên truyền, địa phương đã xây dựng nhiều pano, áp phích PCTT dọc các tuyến đường. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến người dân về việc tải phần mềm ứng dụng “Phòng chống thiên tai” trên điện thoại để kịp thời nắm bắt các thông tin về cảnh báo, dự báo thiên tai, công tác chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó với từng loại hình.
“Tỉnh Quảng Nam đang xây dựng phần mềm PCTT theo ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số. Với những khu vực vùng thấp sẽ dễ dàng tiếp cận với phần mềm này. Còn ở những khu vực cao hơn chúng tôi tích cực lồng ghép nội dung PCTT vào các chương trình phát thanh của huyện, xã hàng ngày để bà con biết được diễn biến của mưa bão và thực hiện ứng phó” - ông Lượm cho hay.
Chính quyền tỉnh Quảng Nam kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại các huyện miền núi |
Ngoài ra, công tác bảo đảm lương thực, thực phẩm cho bà con cũng được địa phương lên phương án từ sớm. Bởi điều kiện địa hình giao thông đi lại phức tạp, chia cắt cục bộ dài ngày nên phải bảo đảm lương thực, thực phẩm từ 1 đến 3 tháng. Do đó, địa phương đã dự trữ sẵn 15 tấn gạo và phân bổ về các xã. Nhờ đó, qua các đợt mưa lũ, cái bếp của đồng bào vẫn luôn đỏ lửa, không xảy ra tình trạng thiếu ăn, dứt bữa. Điều này, khẳng định “hậu cần tại chỗ” là một phương án tối ưu nhất trong ứng phó thiên tai, bão lũ hiện nay ở miền núi Quảng Nam.
Được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu trong phòng tránh hiểm họa do thiên tai bão lũ, công tác sắp xếp, bố trí dân cư cho đồng bào DTTS ở Quảng Nam đang được các cấp, ngành triển khai gấp rút. Bằng các nguồn lực hỗ trợ đặc thù, nhiều ngôi làng tái định cư dần được hình thành trên mặt bằng rộng thoáng, giúp người dân tránh được ẩn họa thiên tai, ổn định cuộc sống, nhất là ở các vùng xung yếu, nguy cơ sạt lở cao như Tây Giang, Phước Sơn, Nam Trà My...
Người dân hợp lực khẩn trương khắc phục sạt lở để phương tiện sớm được lưu thông |
Bên cạnh chủ trương sắp xếp dân cư miền núi đến nơi an toàn để bà con an tâm sinh sống, công tác di dời dân đến nơi trú tránh trước các trận bão lũ, mưa lớn được địa phương chủ động. Nếu như trước đây, việc vận động để di dời dân mỗi khi mưa bão đến gặp khó khăn. Năm 2021, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền và chứng kiến những thảm hoạ đau lòng do sạt lở núi gây ra, người dân đã tự giác di chuyển đến nơi an toàn khi có lệnh của chính quyền.
Đợt mưa lũ vừa qua, một vụ sạt lở núi ở Tắc Pỏ, thôn 1, xã Trà Mai, huyện Nam Trà My đã khiến 6 ngôi nhà bị vùi lấp. Rất may không có thiệt hại về người. Ngay sau sự cố, chính quyền xã Trà Mai, huyện Nam Trà My và hàng trăm người dân đã tham gia hỗ trợ di dời toàn bộ tài sản của các hộ này đến nơi an toàn, bố trí nơi ở tạm cho người dân.
Ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, khu vực xảy ra sạt lở nằm trong diện nguy cơ cao và được chính quyền cảnh báo từ trước. “Huyện đã yêu cầu sơ tán toàn bộ 6 hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng đến tại khu sơ tán tập trung, đồng thời chỉ đạo địa phương cung cấp thực phẩm cần thiết cho các hộ nói trên khi có nhu cầu” - ông Mẫn nói.
Nhiều ngôi làng tái định cư dần được hình thành trên mặt bằng rộng thoáng, giúp người dân tránh được ẩn họa thiên tai |
Theo ông Alăng Mai - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam thực hiện Quyết định số 2405 của UBND tỉnh về triển khai Nghị quyết 23 của HĐND tỉnh liên quan đến cơ chế hỗ trợ sắp xếp dân cư miền núi vừa được ban hành, toàn tỉnh có khoảng 7.821 hộ sẽ được sắp xếp, đảm bảo việc an cư gắn với ổn định phát triển sản xuất. So với Nghị quyết 12 của HĐND tỉnh trước đây, Nghị quyết 23 này có nhiều nội dung được điều chỉnh, mức hỗ trợ cao hơn giúp việc sắp xếp dân cư được hoàn thiện hơn.
Thực tế qua mùa mưa lũ của năm 2021 đã cho thấy, nhờ ý thức của người dân được nâng cao và các địa phương cũng đã chủ động hơn trong công tác ứng phó nên ở các bản làng vùng cao của Quảng Nam chỉ xảy ra các thiệt hại về hoa màu, hạ tầng giao thông, chưa có thiệt hại về người.