Từ trung tâm TP Đà Nẵng đi về phía Tây Bắc, vượt chừng 30km đường sá quanh co, gồ ghề chúng tôi mới đến Hoà Bắc - là xã cuối cùng của huyện Hòa Vang (nằm giáp với huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế) vào một ngày đầu tháng 11/2021.
Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn, Hòa Bắc giữ vững tiêu chí là “hậu cứ” vùng xanh an toàn của toàn huyện Hòa Vang. Phó Chủ tịch xã Hoà Bắc - Hồ Phú Thanh chia sẻ, không đợi đến khi dịch bệnh bùng phát và có lệnh của trên mới chốt chặn kiểm soát, mà ngay từ khi có thông tin dịch bệnh ban đầu, người dân trong thôn, xóm, bản, làng đã cử lực lượng tình nguyện viên tham gia giám sát đi lại của người dân dưới sự điều hành trực tiếp của bí thư chi bộ và trưởng thôn.
Chốt kiểm soát dịch bệnh của người Cơ Tu tại thôn Tà Lang (Hoà Bắc). |
“Để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch, xã đã thành lập 7 tổ Covid-19 do các trưởng thôn làm tổ trưởng; 7 ban điều hành do các bí thư chi bộ thôn làm trưởng ban. Tăng cường 70% cán bộ, công chức không làm việc tại trụ sở xã để chủ động tham gia công tác phòng, chống dịch tại nơi cư trú, trung bình mỗi thôn có từ 2 -3 cán bộ xã tăng cường theo phương châm “3 tại chỗ” - cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cơ sở.”- ông Thanh chia sẻ.
Bên cạnh đó, xã triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trên nguyên tắc “siết ngoài, soát trong”. Xây dựng phương án triển khai bảo vệ từng thôn, từng khu dân cư thành các vùng xanh an toàn, hướng tới xây dựng Hòa Bắc thành “hậu cứ xanh” an toàn cho huyện và TP; nhưng không để xảy ra tình trạng “ngăn sông, cấm chợ”, gây khó khăn cho các hoạt động xã hội.
Đội Tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh xã Hoà Bắc lên đường làm nhiệm vụ. |
Để bảo vệ thành quả vùng xanh, trên địa bàn xã đã thành lập 2 chốt kiểm soát tại thôn Phò Nam (đường ĐT601) và thôn An Định (đường ADB 5), 1 chốt cố định trên đường cao tốc La Sơn - Túy Loan. Các tổ, chốt thực hiện kiểm tra giấy đi đường, phiếu đi chợ của người dân. Những người không trú trên địa bàn khi vào xã phải được sự đồng ý của tổ trưởng chốt kiểm soát, phải khai báo y tế và thực hiện khuyến cáo “5K” của Bộ Y tế.
Nếu có ma chay thì tang lễ tổ chức không quá 24 giờ (rút ngắn 50% thời gian so với quy định của TP) và không tập trung quá 20 người. Người dân Hòa Bắc nếu đi đám tang ngoài địa bàn xã về phải khai báo y tế và cách ly 14 ngày tại nhà…
Lực lượng chức năng giúp dân thu hoạch vụ mùa. |
Vai trò của trưởng thôn, già làng, trưởng bản được phát huy cao độ, nhất là khi người đồng bào Cà Tu ban đầu còn e ngại với việc “lạ lùng” là đi xét nghiệm, tiêm vắc xin, thì những già làng Bùi Văn Siêng (thôn Giàn Bí), Đinh Hồng Thanh (thôn Tà Lang) đã xung phong tham gia trước và sau đó 100% người dân bản, làng tin tưởng và hưởng ứng hết.
Ông Hồ Phú Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, Hòa Vang cho biết, toàn xã có 7 thôn gồm 1.444 hộ dân với 4.533 nhân khẩu, trong đó có 281 hộ dân với 901 nhân khẩu thuộc 2 thôn Tà Lang và Giàn Bí của người đồng bào dân tộc Cơ Tu. Xã Hoà Bắc là vùng đệm nằm giữa 2 khu bảo tồn thiên nhiên là Vườn quốc gia Bạch Mã và Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà-núi Chúa nên có vai trò quan trọng trong bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam.
Xây dựng cảnh quan xanh-sạch-đẹp là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch. |
Dựa trên truyền thống, văn hóa gắn bó với rừng, yêu quý và bảo vệ động thực vật hoang dã của người Cơ Tu từ năm 2016, Quỹ môi trường toàn cầu tại Việt Nam (GEF SGP) đã xây dựng Đề án “Bảo tồn văn hóa đồng bào Cơtu gắn với phát triển du lịch sinh thái cộng đồng” tại xã Hòa Bắc (huyện Hòa Vang). Theo đó, dự án nhằm nâng cao năng lực và nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong quản lý bảo vệ rừng; bảo tồn văn hóa cộng đồng Cơ Tu nhằm duy trì sinh thái hướng tới phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng; cải thiện sinh kế của đồng bào dân tộc Cơ Tu.
Đến nay, Dự án đã thành lập các tổ quản lý rừng với diện tích hơn 1.800 hecta rừng tự nhiên, vùng đệm của Vườn Quốc gia Bạch Mã và khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa; thành lập CLB đan lát, CLB ẩm thực truyền thống, CLB văn nghệ; hỗ trợ trang bị cồng chiêng, trang phục truyền thống; truyền thông về công tác quản lý, bảo vệ rừng và tập huấn thực hiện cách quản lý, phân loại, chế biến, sử dụng các chất thải trong sinh hoạt để giảm thiểu ô nhiễm, nâng cao sức khỏe cộng đồng...
Xà Hoà Bắc là vùng đệm nằm giữa 2 khu bảo tồn thiên nhiên là Vườn quốc gia Bạch Mã và Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà-núi Chúa. |
Anh Đinh Văn Như, Trưởng thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang tham gia dự án của chương trình GEF SGP phấn khởi: Dự án của chương trình GEF SGP đã giúp bà con Cơ Tu bảo vệ rừng tốt hơn và biết làm du lịch sinh thái cộng đồng, giảm thiểu dựa vào rừng. Từ đó bảo vệ môi trường rừng được tốt hơn. Những năm gần đây, được sự hỗ trợ của UBND TP. Đà Nẵng, huyện Hoà Vang, xã Hoà Bắc đã bắt đầu phát triển mô hình du lịch sinh thái. Bà con đã bắt đầu giữ gìn vệ sinh thôn xóm, bỏ rác đúng nơi quy định, xây dựng cảnh quan xanh-sạch-đẹp là giải pháp quan trọng góp phần thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
“Bà con đã có thức giữ gìn vệ sinh môi trường trong gia đình và cộng đồng dân cư; tích cực trồng cây xanh, vệ sinh đường làng ngõ xóm. Qua đó, góp phần chung tay xây dựng môi trường xanh-sạch-đẹp và ngăn chặn sự xâm nhập của dịch bệnh vào địa bàn.” – Anh Đinh Văn Như chia sẻ.