Sinh ra trong một gia đình nghèo tại bản Mánh, xã vùng cao Bắc Sơn, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An, anh Lô Văn Vinh (SN 1975) là con cả trong gia đình có tới 5 anh em trai. Là con trai cả, gia đình lại nghèo khó nên con đường học hành của anh Vinh hồi đó cũng gặp biết bao trở ngại. Để phụ giúp gia đình, anh Vinh đã phải rời ghế nhà trường khi còn chưa tốt nghiệp cấp 2.
Xuất phát điểm như thế, nên cũng như bao chàng trai của làng quê nghèo này, anh Vinh phải lập gia đình khi tuổi vừa mới đôi mươi.
Anh nhớ lại: “Hồi đó, gia đình đông anh em, nghèo khó nên mình không có điều kiện học hành. Lập gia đình sớm là để tập trung lao động sản xuất, phụ giúp bố mẹ nuôi nấng các em. Năm 20 tuổi mình đã lập gia đình rồi…”.
Cuộc sống khốn khó, không có đất sản xuất bởi những khu đất gần làng, gần bản hồi đó đều đã có chủ. “Khi đó, tình cờ mình biết được khu vực Thung Manh cách bản khoảng 10 cây số đường rừng đang còn đất bỏ hoang, cằn cỗi mà trước đây lâm trường khai thác gỗ xong bỏ lại. Vì là vùng đất xa xôi, lại cằn cỗi, không có nước nên mới không có người vào nhận canh tác. Thế là mình bàn với vợ và bố mẹ vào khu vực này khảo sát để tính kế lập nghiệp” - Anh Vinh kể.
Anh Lô Văn Vinh đã cùng gia đình tới Thung Manh gây dựng cơ nghiệp |
Vốn là con người năng nổ, có sức khỏe lại giao tiếp tốt nên anh Vinh được giao công tác trong Đoàn thanh niên của bản. Sau đó, từ năm 1999 - 2006, anh Vinh được tín nhiệm bầu làm Phó Bí thư Đoàn xã Bắc Sơn. Chàng trai trẻ người dân tộc Thái đã được đi nhiều nơi, được tiếp xúc với nhiều mô hình kinh tế ở nhiều địa phương, các yếu tố đó đã thôi thúc anh quyết tâm “vỡ đất” vùng Thung Manh bây giờ.
Ngặt nỗi, vốn liếng không có, khi đó may mắn vay được số tiền 2 triệu đồng từ Chương trình xóa đói giảm nghèo. Anh bàn với vợ dùng số tiền đó mua giống ngô để vào vùng Thung Manh cày cuốc, cải tạo đất đai để trồng ngô. Bán vụ ngô đầu tiên, có chút vốn liếng, anh Vinh lại mua sắn cao sản để trồng. Thế nhưng, trồng sắn thời đó giá cả bấp bênh, gặp gió lào sắn hay chết, mưa nhiều thì sắn bị mốc không bán được, đường sá lại cách trở nên thu nhập không đáng là bao. Nghèo vẫn hoàn nghèo…
“Khi đó khổ lắm. Mới vào lập nghiệp ở Thung Manh đất đai khô cằn, đường sá cách trở, trèo đèo lội suối mất cả nửa ngày trời mới vào tới nơi nên sản phẩm làm ra cũng không được giá. Thêm nữa là nguồn nước ở Thung Manh khan hiếm lắm. Để có nước sinh hoạt thì phải gùi nước từ trong bản vào để sử dụng chứ nước để tưới cho sản xuất, chăn nuôi gần như không có. Chỉ trông chờ vào ông trời…” - Anh Vinh nói về những vất vả thuở ban đầu lập nghiệp.
Chưa hết những khó khăn, vất vả. Thời đó, gia đình có mua được vài con trâu, bò để chăn nuôi nhằm tăng thêm thu nhập. Thế nhưng, trong các đợt rét đậm, rét hại triền miên đã khiến cho “đầu cơ nghiệp” cũng sinh bệnh mà chết sạch. “Khi đó, vợ tôi nản lắm. Đòi bỏ cuộc nhưng tôi động viên rằng, nếu bỏ Thung Manh thì lấy đất ở đâu mà canh tác, lấy gì mà nuôi con cái… thế là vợ chồng lại cùng nhau bám trụ đất Thung Manh mà làm lại từ đầu” - Anh Vinh nhìn sang người vợ rồi cười hiền từ.
Đàn dê hơn 80 con của anh Lô Văn Vinh tại Thung Manh |
Bước ngoặt đến với người cựu cán bộ Đoàn xã Bắc Sơn vào năm 2010. Năm ấy, toàn bộ các vùng trồng mía nguyên liệu ở huyện Quỳ Hợp bị bệnh chồi cỏ. Khi đó, nhà máy mía đường Tate & Lyle (nay là nhà máy mía đường NASU) ở xã Nghĩa Xuân, huyện Quỳ Hợp biết được khu vực Thung Manh là vùng đất cách xa khu dân cư, nằm biệt lập trong rừng sâu nên đã liên hệ với anh Vinh để vào khảo sát chất đất nhằm tiến hành trồng mía.
May mắn thay, quá trình khảo sát thấy chất đất và khí hậu phù hợp với cây mía. Thế là với sự hỗ trợ kỹ thuật từ nhà máy mía đường, anh Vinh đã mạnh dạn đầu tư 50 tấn giống mía KK3 của Thái Lan trên diện tích 7ha. Ông trời không phụ lòng người, vụ mía đầu tiên ấy thắng lợi lớn, trừ chi phí lãi tới 500 triệu đồng.
“Đó là bước ngoặt cuộc đời của tôi. Từ vụ mía đó, tôi bàn với vợ con mua máy cày, cơ giới hóa để cải tạo, mở rộng diện tích trồng mía lên tới 20ha và đều đặn thắng lợi. Từ khi đầu tư trồng mía thì đường đất nối từ bản vào Thung Manh hàng năm cũng được tôi cùng với các hộ canh tác xung quanh thuê máy múc sửa chữa thường xuyên để tạo thuận lợi cho việc đi lại. Hiện tại, vấn đề thiếu nước tưới và nước sinh hoạt cũng đã được giải quyết khi tôi tìm được nguồn nước cách đó khoảng 3 cây số giáp với huyện Anh Sơn và đầu tư đường ống để kéo về trang trại phục vụ sinh hoạt, trồng trọt và chăn nuôi” - Anh Vinh hồ hởi khi kể về những thành quả đã đạt được sau bao khó khăn, vất vả.
Anh Vinh đã đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất với 3 máy cày và nhiều máy thái thức ăn chăn nuôi |
Tôi hỏi, vụ mía năm nay thì sao?
Anh Vinh vui mừng, khoe: “Đó, máy múc đang đào sửa đường đó là mình thuê để sửa đường để khoảng 1 tháng nữa là bắt đầu thu hoạch mía. Năm nay gia đình mở rộng tổng diện tích mía lên thành 25ha, nghe phía Công ty mía đường báo giá khoảng 1 triệu đồng/ 1 tấn. Tính sơ sơ năm nay riêng diện tích mía đó của gia đình sẽ lãi khoảng trên 700 triệu đồng.
Ở một góc biệt lập với khu vực trồng mía là đàn trâu, bò và đàn dê cùng một khu vực biệt lập khác để thả giống lợn cỏ. Anh Vinh dẫn tôi vào khu vực chăn nuôi và đọc vanh vách tổng đàn của từng loại: "Lợn thả rông hơn 40 con; trâu thì còn 25 con; bò có 45 con; còn kia là đàn dê với hơn 80 con đấy Nhà báo!".
Vườn mía với diện tích 25ha đang sắp đến kỳ thu hoạch, dự kiến lãi lên đến hơn 700 triệu đồng |
Nói về hướng phát triển mô hình kinh tế của gia đình ở Thung Manh trong tương lai. Anh Vinh chia sẻ: “Mình đã xác định gắn bó với Thung Manh lâu dài nên đã hướng cho con trai học Đại học Nông nghiệp. Cháu đã tốt nghiệp và đã đi làm thực tế hơn 2 năm nay để học hỏi kinh nghiệm. Nay cháu quay về để đem kiến thức học được “tiếp quản” Thung Manh. Sắp tới, mình sẽ cho trồng cỏ để thử nghiệm mô hình nuôi bò thịt với số lượng lớn”.
Ông Đậu Ngọc Tuân - Bí thư Đảng ủy xã Bắc Sơn đánh giá: “Anh Lô Văn Vinh là người đi đầu trong mô hình phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu ở xã Bắc Sơn. Hiện nay, trang trại anh Vinh đang tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 8 lao động và đến vụ thu hoạch mía thì số lao động thời vụ khoảng 60 - 70 người. Ngoài trồng mía, chăn nuôi thì anh Vinh còn khoanh nuôi bảo vệ 9ha rừng và có 25ha trồng keo.