Thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới ở Bắc Kạn

Hoàng Ngân | 08/10/2021, 16:27

(TN&MT) - Xác định trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), tiêu chí về môi trường giữ vai trò quan trọng, những năm qua, tỉnh Bắc Kạn luôn chú trọng công tác tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường, xử lý rác thải trên địa bàn.

Môi trường vẫn là tiêu chí khó

Sau hơn 11 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã có nhiều chuyển biến tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, an ninh nông thôn được bảo đảm.

Mặc dù có những chuyển biến tích cực, song tiêu chí về môi trường vẫn luôn là bài toán nan giải đối với quá trình xây dựng nông thôn mới tại một số địa phương trong tỉnh. Theo Bộ tiêu chí thôn nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn năm 2021, để đạt tiêu chí về môi trường và cảnh quan nông thôn phải đảm bảo: Đường trục thôn, ngõ xóm đảm bảo xanh, sạch, đẹp; chất thải rắn, nước thải sinh hoạt đươc thu gom, xử lý theo quy định; không có tình trạng vứt rác bừa bãi nơi công cộng; định kỳ hằng tháng tổ chức tổng vệ sinh chung toàn thôn; công trình chăn nuôi, nhà tắm, nhà tiêu xây dựng đúng quy trình kỹ thuật; nhà tiêu, nhà tắm đảm bảo vệ sinh, chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường.

Vệ sinh môi trường tại thôn Nà Giỏ, xã Yên Mỹ, huyện Chợ Đồn. Ảnh: backan.gov.vn

Tuy nhiên, hiện nay, môi trường khu vực nông thôn ở các địa phương vẫn còn tình trạng ô nhiễm do chất thải từ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khu vực nông thôn chưa được thu gom, xử lý triệt để theo đúng quy cách, hợp vệ sinh. Tỷ lệ nhà tiêu, nhà tắm đảm bảo vệ sinh ở một số thôn bản vùng cao rất thấp.

Bên cạnh đó, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chủ yếu là quy mô hộ gia đình, hợp tác xã, chỉ có một số ít cơ sở chăn nuôi sử dụng biện pháp xử lý nước thải bằng hầm biogas, các cơ sở chăn nuôi còn lại đều xả nước thải chăn nuôi trực tiếp ra môi trường. Mặt khác, do tập quán chăn nuôi lâu đời nên việc vận động người dân di dời chuồng trại ra xa nhà ở khó khăn. Về việc thu gom, xử lý nước thải, đa số các xã đều đã có kênh mương thoát nước thải nhưng chủ yếu là rãnh đất, chưa có rãnh xây, chưa đảm bảo việc xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn môi trường. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y không đúng quy định.

Gỡ khó trong xây dựng và duy trì tiêu chí môi trường 

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc để triển khai tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao hơn, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch 335/KH-UBND về “Thực hiện Bộ Tiêu chí về môi trường khu vực nông thôn và xây dựng nông thôn mới”. Kế hoạch đưa ra hướng dẫn cụ thể đối với từng chỉ tiêu trong triển khai thực hiện tiêu chí môi trường; đưa ra các biện pháp triển khai thực hiện đảm bảo thiết thực và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, phù hợp với lộ trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm tổ chức thực hiện của từng cấp, từng ngành, các tổ chức, đơn vị và hộ gia đình, cá nhân trong công tác vệ sinh môi trường nông thôn.

Theo đó, để đạt tiêu chuẩn cảnh quan, môi trường được đánh giá xanh - sạch - đẹp, an toàn, UBND xã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng hương ước về giữ gìn vệ sinh chung trong xã và các hộ gia đình tổ chức thu dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu vực công cộng định kỳ 1 lần/tháng; kiểm soát rác thải sinh hoạt, không để phát sinh các bãi rác thải tự phát, đặc biệt khu vực giáp ranh, vị trí các cầu, bờ sông, suối...; các khu vực chợ bố trí thùng rác lưu động để thu gom rác thải.

Người dân xã Quân Hà (Bạch Thông) góp sức xây dựng đường nông thôn mới

Đối với nước thải, thực hiện nạo vét, tu bổ hệ thống mương rãnh tiêu thoát nước định kỳ. Nước thải khu dân cư tập trung của xã phải được thu gom và xử lý trước khi thải ra môi trường. Đồng thời, đầu tư xây dựng công trình bể tự hoại, kết cấu bằng bê tông cốt thép để xử lý nước thải khu dân cư cấp xã. Nước thải sinh hoạt sau được xử lý sơ bộ qua bể tự hoại tại các hộ dân, đấu nối vào các tuyến ống nhựa HDPE dọc theo các tuyến đường, thu gom về bể xử lý nước thải. Tùy thuộc vào số hộ trong khu dân cư tập trung của xã mà thiết kế bể tự hoại 3 ngăn (1 ngăn chứa, 2 ngăn lắng hoặc 1 ngăn chứa, 1 ngăn lắng và 1 ngăn lọc) với kích thước phù hợp. Dung tích bể xử lý nước thải tập trung, do UBND cấp xã khảo sát, tính toán theo số hộ dân trong khu vực dân cư tập trung.

Về chất thải rắn sinh hoạt, UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ quy định của pháp luât về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo thẳm quyền; hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và công khai trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt. Vận động nhân dân thực hiện phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; hạn chế và tiến tới không sử dụng túi ni lông và các sản phẩm nhựa dùng một lần.

Việc thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch, biện pháp thực hiện là đầu tư nâng cấp, sửa chữa các công trình bị hư hỏng, định kỳ bảo dưỡng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn, duy trì ổn định công trình hiện có để phục vụ người dân được sử dụng nước sạch. Đối với các công trình đầu tư mới, cần khảo sát việc cam kết nộp phí sử dụng nước của người dân, ưu tiên đầu tư thực hiện những công trình có ít nhất 75% người dân cam kết trả phí sử dụng. UBND cấp xã chỉ đạo các tổ quản lý thường xuyên nhắc nhở người dân nâng cao ý thức tiết kiệm vì cộng đồng; rà soát và thu phí đầy đủ để người dân nâng cao ý thức trong việc sử dụng tiết kiệm nước sạch.

Cùng với đó, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các địa phương và đẩy mạnh xã hội hóa để hỗ trợ người dân xây dựng công trình xử lý môi trường nông thôn, nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh, lò đốt rác tập trung, cung cấp công cụ, phương tiện thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt. Ðặc biệt, các công trình cấp nước nông thôn tập trung bị hư hỏng, xuống cấp đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt ngày càng cao của người dân.

Bài liên quan
  • Thanh Hóa: Cần sớm di dời các hộ dân vùng nguy cơ sạt lở cao
    (TN&MT) - Thời gian cao điểm của mùa mưa bão, hàng trăm hộ dân ở 2 huyện miền núi Quan Sơn và Quan Hóa (Thanh Hóa) đang nơm nớp lo sợ khi sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao. Người dân trông chờ từng ngày được di dời tới nơi an toàn để an tâm sinh sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO