Cần bổ sung các quy định việc quản lý, sử dụng đất các công trình thủy điện

Trường Giang | 08/10/2021, 07:50

(TN&MT) - Mặc dù thủy điện mang lại nhiều hiệu quả to lớn, tuy nhiên việc xây dựng các công trình thủy điện, việc sử dụng đất cho thủy điện cũng có tác động bất lợi đến kinh tế, xã hội, môi trường.

Viện Nghiên cứu quản lý đất đai, Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa thực hiện xong đề tài nghiên cứu cấp Bộ về “Nghiên cứu, đánh giá tác động của việc quản lý, sử dụng đất các công trình thủy điện đến kinh tế, xã hội, môi trường và đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý, sử dụng đất đối với công trình thủy điện”.

Theo kết quả nghiên cứu, thủy điện mang lại nhiều hiệu quả to lớn, nhất là về kinh tế, thể hiện qua các ưu thế: cung cấp nguồn điện năng đến 40% nhu cầu điện năng của toàn quốc hiện nay; là dạng năng lượng có giá thành rẻ nên có khả năng thúc đẩy phát triển kinh tế; việc sử dụng đất thủy điện tạo nên các hồ chứa nước ngoài vai trò sản xuất điện còn có chức năng góp phần điều tiết ngăn lũ, giảm lũ, cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt và đời sống của dân cư vùng hạ du…

Thủy điện cung cấp nguồn điện năng đến 40% nhu cầu điện năng của toàn quốc.

Tuy nhiên, việc xây dựng các công trình thủy điện, việc sử dụng đất cho thủy điện cũng có tác động bất lợi đến kinh tế, xã hội, môi trường: Do phải thu hồi đất và chuyển mục đích sang thủy điện đã làm mất đất sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến kinh tế và đời sống của dân cư trong vùng; làm giảm diện tích rừng đầu nguồn, làm giảm các chức năng sinh thái quan trọng nhất của rừng là điều hoà khí hậu, giữ và điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất, bảo vệ và cải thiện môi trường sống; làm thay đổi dòng chảy và làm cho dòng chảy phía hạ lưu bị cạn kiệt, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và đời sống; làm gia tăng lũ lụt nếu quản lý, vận hành các hồ thủy điện tùy tiện, không đúng quy trình…

Tác động tích cực và tiêu cực của việc quản lý, sử dụng đất các công trình thủy điện đến kinh tế, xã hội, môi trường là hai mặt của một vấn đề, luôn luôn song hành và mang tính tất yếu. Kết quả nghiên cứu đề tài đã chỉ ra những vấn đề cần giải quyết để góp phần bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển thủy điện với tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và bảo vệ môi trường; phát huy các tác động tích cực, giảm thiểu các tác động tiêu cực, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất thủy điện và phát triển bền vững.

Theo đó, Đề tài đề xuất được một số nội dung về chính sách, pháp luật đất đai có liên quan đến quản lý, sử dụng đất các công trình thủy điện, gồm: Xác định, thẩm định nhu cầu sử dụng đất thủy điện trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án thủy điện, giao đất, cho thuê đất sau khi thủy điện đi vào vận hành; bổ sung một số yêu cầu về việc lập và thực hiện dự án tái định cư cho dự án thủy điện; bổ sung một số quy định về cho thuê, chế độ sử dụng đối với đất có mặt nước chuyên dùng là hồ thủy điện; bổ sung quy định về việc sử dụng đất bán ngập lòng hồ thủy điện, đất hành lang bảo vệ công trình thủy điện.

Về cơ chế quản lý, sử dụng đất các công trình thủy điện, cơ chế vận hành, điều tiết nguồn nước lòng hồ thủy điện mang tính đặc thù cho các vùng kinh tế - xã hội: vùng Trung Du và Miền núi Bắc bộ, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Miền Trung, vùng Tây Nguyên.

Đề xuất một số giải pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực của việc quản lý, sử dụng đất các công trình thủy điện đến kinh tế, xã hội, môi trường: Giải pháp về tổ chức thực hiện một số nội dung về quản lý nhà nước đối với đất các công trình thủy điện; Xây dựng và thực hiện cơ chế phối hợp giữa các ngành, các cấp trong quản lý, sử dụng đất và vận hành hồ chứa các công trình thủy điện; Giải pháp về tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng đất các công trình thủy điện...

Để thực hiện tốt hơn, có hiệu quả hơn việc quản lý, sử dụng đất các công trình thủy điện, qua các kết quả nghiên cứu Đề tài, nhóm nghiên cứu đề nghị Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường tham khảo, sử dụng Bộ tiêu chí đánh giá tác động của việc quản lý, sử dụng đất các công trình thủy điện đến kinh tế, xã hội, môi trường để tiếp tục thử nghiệm, hoàn thiện và ban hành bộ tiêu chí chung áp dụng cho việc đánh giá tác động của chính sách, pháp luật đất đai.

Cần điều tra tổng thể về thu hồi đất, bồi thường, tái định cư đối với các dự án thủy điện trên phạm vi toàn quốc nhằm khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém.

Sử dụng các đề xuất của đề tài để xây dựng, bổ sung các quy định pháp luật đất đai có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất các công trình thủy điện; tiếp tục triển khai nghiên cứu bổ sung một số nội dung có liên quan như trình tự và nội dung cho thuê đất có mặt nước chuyên dùng là hồ thủy điện để sử dụng kết hợp vào các mục đích khác.

Về phương diện quản lý, sử dụng đất đai, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai: Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình kiểm kê chuyên đề về quản lý, sử dụng đất thủy điện; qua đó đánh giá được đầy đủ về thực trạng quản lý, sử dụng đất thủy điện trên phạm vi cả nước và ở từng địa phương, nhất là thực trạng sử dụng đất có mặt nước chuyên dùng là hồ thủy điện vào các mục đích; xây dựng cơ sở dữ liệu về đất thủy điện… làm cơ sở cho việc quản lý đất thủy điện lâu dài; có kế hoạch khai thác sử dụng có hiệu quả đất có mặt nước chuyên dùng hồ thủy điện.

Triển khai thực hiện việc điều tra tổng thể về thu hồi đất, bồi thường, tái định cư đối với các dự án thủy điện trên phạm vi toàn quốc nhằm có được các tài liệu, số liệu đánh giá đầy đủ tình hình, kết quả, thực trạng công tác tái định cư cho các công trình thủy điện; làm cơ sở cho việc phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những mặt hạn chế, yếu kém trong hoạt động tái định cư; bảo đảm ổn định và cải thiện đời sống cho người dân tái định cư; xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật đất đai cũng như chính sách, pháp luật khác về di dân, tái định cư.

Xây dựng và ban hành định mức sử dụng đất để áp dụng cho quy hoạch sử dụng đất đối với đất phát triển thủy điện; quản lý sử dụng đất đối với các công trình thủy điện.

Đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quản lý, sử dụng tài nguyên nước, cấp phép sử dụng nguồn nước và quản lý thủy điện thực hiện việc rà soát lại quy trình vận hành các hồ chứa thủy điện. Đối với các hồ chứa có quy trình chưa phù hợp, còn nhiều ảnh hưởng không tốt đến kinh tế, xã hội, môi trường thì cần xem xét, điều chỉnh quy trình vận hành cho phù hợp, không chỉ vì mục tiêu chính là phát điện mà cần phải đáp ứng các yêu cầu phát triển bền vững.

Bài liên quan
  • Bà con vùng đồng bào DTTS huyện Ba Chẽ sử dụng hiệu quả tài nguyên đất
    (TN&MT) - Huyện miền núi vùng cao Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh đang từng bước nhân rộng diện tích trồng rừng gỗ lớn. Qua đó tạo nền tảng phát triển lâm nghiệp bền vững, mang lại lợi ích kinh tế cao cho người dân, nhất là đối với vùng đồng bào DTTS, góp phần bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO