Khu Co Hương, bản Ngàm, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn với 24 hộ, 122 nhân khẩu đang sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cao, đặc biệt là hiện đang trong mùa mưa bão 2021. Mỗi khi có mưa lớn, người dân luôn sống trong cảnh phập phồng lo âu khi nguy hiểm luôn chực chờ, họ trông chờ chính quyền sớm xây dựng phương án, di dời dân tới nơi an toàn để yên tâm sinh sống.
Đường vào khu Co Hương, bản Ngàm chỉ có một con đường độc đạo bám theo sườn núi đi vào, con đường đất trở nên lầy lội sau mỗi cơn mưa. Người dân sống tập trung ngay bên cạnh quả đồi sát suối Khà, mỗi lần mưa lớn đổ về, suối Khà trở nên hung dữ. Theo ghi nhận của PV, người dân sống ngay bên cạnh sườn đồi, sát suối Khà, từ suối tới nhà của hộ dân chỉ ước chừng 20 mét. Nguyện vọng của người dân là sớm được di dời tới khu vực an toàn, từ đó ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế.
Các hộ dân sống trong khu Co Hương, bàn Ngàm (xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn) sống phập phồng lo sợ mỗi khi mùa mưa lũ về. |
Chị Lộc Thị Liên - một hộ dân sinh sống ở đây cho biết: “Gia đình tôi ở đây từ đời ông cha, dựng nhà sàn sống ngay sát chân đồi. Mấy năm gần đây mỗi khi có mưa là nước từ trên núi lại ngấm xuống nhà, xuống bếp, như mấy ngày gần đây gia đình không thể nấu được trong bếp vì nước ngấm xuống ẩm ướt. Mỗi khi có mưa lớn, không chỉ gia đình tôi mà tất cả hộ dân ở đây đều sống trong lo sợ. Người thì đã sơ tán, nhưng nhà cửa, tài sản chỉ sợ cuốn trôi theo dòng lũ xuống suối Khà.
Ông Lương Văn Thắm, Phó Chi bộ bản Ngàm, vừa chở chúng tôi trên chiếc xe máy cũ đi vào khu Co Hương vừa kể: “Người dân trong đó (khu Co Hương - PV) rất vất vả, đường nhỏ khó đi, mỗi lần mưa lớn là bị cô lập không thể vào bản được. Chủ trương di dời người dân tới vùng an toàn đã có, chỉ mong sớm được triển khai để không chỉ người dân mà chính quyền cũng yên tâm. Mỗi khi có mưa lớn cả UBND xã và huyện đều rất lo lắng, điện liên tục cho trưởng bản, phó bản để nắm tình hình, đồng thời yêu cầu khẩn trương di dời dân và tài sản tới nơi an toàn”.
Đất đá sạt lở xuống nhà dân ở khu Ca Thảy, bản Xuân Sơn (xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn) |
Còn tại bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện (Quan Sơn), qua kiểm tra có điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở rất cao tại khu Pom Ca Thay (phía sau nhà văn hóa bản Xuân Sơn, với chiều dài từ nhà văn hóa bản lên đỉnh đồi là 150m, chiều rộng khoảng 120m; xuất hiện nhiều khe nứt dọc có bề rộng trung bình 3 - 5cm, nhiều vết sụt lún theo lớp, vết sụt lún cao nhất khoảng 2 - 3m. Trong năm 2020, trên địa bàn xã Sơn Điện đã xảy ra các đợt mưa lớn, sạt lở đất, gió lốc làm nhiều hộ dân bị sạt lở, sụt lún, tốc mái…
Theo kết quả rà soát trước mùa mưa lũ năm 2021, bản Xuân Sơn có 34 hộ, với 77 khẩu nằm trong khu vực thường xuyên chịu ảnh hưởng của sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.
Để kịp thời ứng phó với tình hình mưa bão đang diễn biến phức tạp, UBND huyện Quan Sơn đã chỉ đạo các xã thành lập Tổ phản ứng nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tại khu Ca Thảy, bản Xuân Sơn, xã Sơn Điện và khu Co Hương, bản Ngàm, xã Tam Thanh.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Quan Sơn cho biết: Trên địa bàn xã Sơn Điện và xã Tam Thanh có 2 khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở cao. Cả 2 xã đều đã thành lập Tổ phản ứng nhanh để kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra. Nhanh chóng di dời các hộ dân ra vùng an toàn, tuyệt đối không để bất kỳ người dân nào ở lại.
Còn tại huyện Quan Hóa, theo thống kê, tổng số hộ ảnh hưởng thiên tai trên địa bàn huyện tính đến hết tháng 8/2021 là 871 hộ, thuộc 14 xã, thị trấn, trong đó: Tái định cư tập trung, liền kề là 129 hộ; Tái định cư xen ghép là 320 hộ; Ổn định tại chỗ 422 hộ.
Hiện nay trên địa bàn huyện có 110 hộ đã di chuyển nhà ở do thiên tai và 340 hộ/460 hộ đã di chuyển xen cư do giải phóng mặt bằng để thực hiện công trình Thủy điện Hồi Xuân nhưng chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa được cấp xác nhận quyền sử dụng đất dẫn đến việc làm nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp.
Lý do các hộ phải di chuyển nhà ở là khách quan, khẩn cấp (do thiên tai) và nhường đất để thi công công trình Thủy điện Hồi Xuân. UBND huyện Quan Hóa kiến nghị UBND tỉnh có giải pháp yêu cầu Thủy điện Hồi Xuân nhanh chóng thực hiện dự án và chi trả hết tiền bồi thường, hỗ trợ để người dân có kinh phí để thực nghĩa vụ tài chính khi chuyển mục đích sử dụng đất do ảnh hưởng bởi dự án.
Đồng thời, bố trí nguồn kinh phí sớm để hỗ trợ cho các hộ phải di dời đột xuất khi bị ảnh hưởng thiên tai (các hộ thuộc Đề án bố trí ổn định dân cư khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất tại các huyện miền núi giai đoạn 2021 - 2025) vì trong đợt mưa lũ ngày 8 - 9/9/2021 tại bản Sơn Thành xã Thành Sơn đã có 2 hộ thuộc đối tượng đề xuất tái định cư tập trung liền kề chủ động di rời khi mưa gây mất an toàn.
Người dân bản Lở, xã Nam Động (Quan Hóa) sống bên triền núi, phía trước là suối cũng nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao |
Dự kiến khu tái định cư tập trung mới thuộc bản Lở xã Nam Động xây dựng trên diện tích đất lúa và đất rừng trồng luồng diện tích khoảng 1,5ha đã đưa vào Kế hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030; Quy hoạch đất ở, UBND huyện Quan Hóa đề nghị tỉnh chỉ đạo để trình HĐND tỉnh cho chủ trương thực hiện chuyển đổi.
UBND tỉnh Thanh Hóa đã yêu cầu các Sở tham mưu, ban hành tình huống khẩn cấp để triển khai thực hiện đầu tư 3 khu tái định cư tập trung gồm: Khu tái định cư Co Hương, bản Ngàm, xã Tam Thanh, huyện Quan Sơn; Khu tái định cư bản Lở, xã Nam Động, huyện Quan Hóa; Khu tái định cư bản Ón, xã Tam Chung, huyện Mường Lát là các dự án đầu tư công khẩn cấp.
Bài và ảnh: Thanh Tâm