Gắn bó với ngành KTTV đã 31 năm, ông Lê Xuân Tình, Trạm trưởng Trạm Thủy văn Mường Lát phân tích: Với đặc điểm của vùng núi huyện Mường Lát (Thanh Hóa), 2 bờ sông tương đối hẹp, vật cản trên sông Mã nhiều, nước chảy rất xiết, nên mỗi khi gặp thời tiết xấu, việc quan trắc trên sông Mã gặp nhiều nguy hiểm, dễ gây hư hỏng các thiết bị, thậm chí đe dọa đến tính mạng của các cán bộ, chuyên viên làm công tác khí tượng nơi đây. Tuy nhiên, để đảm bảo công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai hiệu quả thì trung bình một ngày, các cán bộ, chuyên viên thực hiện 8 lần quan trắc vào các khung giờ định sẵn bất kể ngày đêm hay ngày lễ Tết. Vào thời điểm có thời tiết xấu, tần suất quan trắc sẽ tăng lên 30 phút/lần.
Ngành KTTV Thanh Hóa những năm qua đã hoàn thành tốt nhiệm vụ dự báo, cảnh báo thiên tai tại khu vực miền núi |
Ông Lê Xuân Tình chia sẻ thêm: "Mong muốn lớn nhất của anh em là nhanh chóng cung cấp số liệu chính xác cho Trung tâm để tổng hợp đưa ra dự báo, cảnh báo cho các cơ quan chức năng, người dân địa phương khu vực đồng bào DTTS sớm có biện pháp phòng chống thiên tai, di dời nếu cần thiết, đảm bảo an toàn về tính mạng tài sản cho người dân".
Thực tế hiện nay, khu vực huyện Mường Lát còn nhiều hộ dân sống ở những nơi có nguy cơ mất an toàn nhưng chưa được bố trí di dời do thiếu quỹ đất và nguồn lực tài chính. Cùng với đó, một số đồng bào các dân tộc vùng cao thường có thói quen, tập tục sinh sống ven sông suối, trên đất dốc, là những nơi dễ xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Vì vậy, vai trò của ngành KTTV trong việc dự báo, cảnh bảo sớm thiên tai là vô cùng quan trọng.
Để nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo thiên tai sớm ở các khu vực miền núi, vùng đồng bào DTTS tại Thanh Hóa, Đài KTTV Thanh Hóa đã nâng thời gian dự kiến dự báo bão đến 72h, dự báo thủy văn đến 24h, chi tiết đến 6h. Mức độ chi tiết bản tin khí tượng được cập nhật đến từng cấp của 11 huyện miền núi. Các bản tin đã được chuyển phát kịp thời bằng văn bản đến đến Ban Chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh, Đài phát thanh truyền hình, các cơ quan, ban, ngành có liên quan, các đơn vị sản xuất, hồ chứa bằng nhiều hình thức như: bưu điện, thư điện tử, tin nhắn ZALO, SMS, điện thoại hoặc trao đổi báo cáo trực tiếp theo yêu cầu.
Anh Vàng A Lâu (xã Trung Lý, huyện Mường Lát) cho biết: "Mặc dù chịu ảnh hưởng của nhiều thiên tai như lũ quét, lũ ống, sạt lở đất song người dân chúng tôi luôn được chính quyền địa phương thông báo, cảnh báo sớm. Các hộ sống ở lưng chừng đồi, ven sông được di dời mỗi khi có dự báo về mưa lớn. Nhờ đó mà tính mạng, tài sản, gia súc, gia cầm của chúng tôi không bị thiệt hại nhiều như những năm trước".
Dự báo sớm thiên tai có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ tính mạng, tài sản nhân dân |
Tại Thanh Hóa, Luật KTTV đã được UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì phối hợp với Đài KTTV tỉnh và các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện ngay từ khi có hiệu lực. Luật đã phát huy hiệu quả đến toàn thể xã hội, trong đó nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, nâng tầm nhận thức của người dân trong đó có vùng đồng bào DTTS, nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực KTTV nói chung và phòng chống thiên tai nói riêng.
Ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Đài KTTV Thanh Hóa cho biết: Thời gian qua, Đài KTTV tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp chặt chẽ với địa phương trong công tác tuyên truyền và phổ biến kiến thức, pháp luật về KTTV, đặc biệt chú trọng đối với vùng sâu vùng xa, các vùng đồng bào DTTS. Đơn vị thường xuyên cử cán bộ, chuyên viên tới các đợt tập huấn do địa phương tổ chức để tham gia báo cáo trong các hội thảo, hội nghị, các giao ban chỉ đạo sản xuất nhằm thông tin tới các huyện miền núi về những nội dung liên quan trong lĩnh vực KTTV và phòng chống thiên tai.
Đài KTTV Thanh Hóa đã xây dựng cơ chế chia sẻ số liệu tới các Sở, ban, ngành, giúp người dân nhanh chóng nắm bắt thông tin thời tiết |
Đối với người dân, việc tiếp cận phổ biến kiến thức pháp luật về KTTV chủ yếu thông qua truyền thông, qua phổ biến của các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, và đặc biệt là các đợt tập huấn ngắn hạn. Tuy nhiên, khách quan mà nói, mức độ quan tâm và hiệu quả tuyên truyền còn hạn chế, chủ yếu là vùng đồng bào dân tộc.
Theo đó, để tăng cường hoạt động KTTV ở miền núi, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về KTTV đang được Thanh Hóa hướng tới chiều sâu, trọng tâm. Đài KTTV Thanh Hóa đã xây dựng cơ chế chia sẻ số liệu KTTV từ Đài KTTV khu vực đến Sở TN&MT cũng như các Sở, ngành, địa phương có số liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước. Phát hành các bản tin dự báo thời tiết, thủy văn theo quy định; cảnh báo, dự báo các hiện tượng KTTV nguy hiểm trong phạm vi của tỉnh. Các bản tin dự báo cảnh báo được cung cấp ngay tới các đầu mối như Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, các cơ quan, ban, ngành liên quan trong tỉnh Thanh Hóa.
UBND tỉnh Thanh Hóa đang giao Sở TN&MT phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai thực hiện xây dựng 23 trạm quan trắc cảnh báo sớm lũ ống, lũ quét và sạt lở đất trên địa bàn 23 xã thuộc 7 huyện miền núi: Bá Thước, Lang Chánh, Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Thường Xuân, Như Xuân và thành lập Bản đồ phân vùng nguy cơ lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại các huyện trên, thời gian hoàn thành 2021 - 2022.