Lào Cai: Tìm giải pháp thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng dân tộc thiểu số

Bích Hợp | 06/08/2021, 22:51

(TN&MT) - Sau mỗi vụ sản xuất, nông dân sử dụng và thải ra môi trường lượng lớn bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật. Đây là chất thải nguy hại, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái, cần được xử lý đúng cách.

Thu gom, tiêu hủy chưa đúng quy định

Thị trường tại Lào Cai đang lưu thông khoảng 1.000 loại thuốc bảo vệ thực vật khác nhau với lượng tiêu thụ khoảng 200 - 250 tấn/năm, trong đó thuốc trừ cỏ chiếm khoảng 150 tấn, còn lại là các loại thuốc trừ sâu, trừ bệnh và kích thích sinh trưởng. Đồng nghĩa với đó, lượng bao bì, chai lọ các loại thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng thải ra môi trường rất lớn.

Rác thuốc BVTV sau khi dùng xong người dân vứt khắp nơi trên nương, rẫy.

Tại Lào Cai, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng còn nhiều hạn chế, nhất là tại các huyện vùng cao, người dân còn những tập quán canh tác cũ và chưa ý thức được tác hại của rác thải thuốc bảo vệ thực vật đối với môi trường và sức khỏe con người. Người dân sau khi sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có thói quen vứt vỏ bao bì ngay tại đồng ruộng, dưới mương nước, ao, hồ; một số hộ còn tiêu hủy cùng với rác thải sinh hoạt khiến tình trạng ô nhiễm môi trường tại nhiều vùng nông thôn ở mức báo động.

Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư xây dựng bể chứa thu gom vỏ bao bì phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng tại các địa phương còn nhiều vấn đề. Việc tổ chức hướng dẫn của UBND cấp xã đối với người dân trong thu gom bao gói phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng chưa được thực hiện thường xuyên, triệt để, nhất là khâu tiêu hủy.

Cánh đồng Na Nhung (xã Bản Lầu, huyện Mường Khương) nằm giữa 2 nhóm dân cư, được ngăn cách bởi con suối nhỏ. Để bảo vệ môi trường, lò đốt rác thải sinh hoạt và bể chứa rác thải thuốc bảo vệ thực vật được xây dựng từ nguồn kinh phí chương trình nông thôn mới; người dân được hướng dẫn, nắm rõ quy định về thu gom rác thải phân bón, thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Tuy nhiên, sau mỗi vụ sản xuất vẫn còn tình trạng bao bì, chai lọ vứt ngoài cánh đồng, xuống suối hoặc cạnh các nguồn nước.

Bà Hoàng Thị Dung (thôn Na Nhung 1) cho biết: Người dân trong thôn đều được tuyên truyền về thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật để đúng nơi quy định nhưng vẫn có hộ chưa có ý thức thực hiện, vứt bừa bãi ngoài môi trường.

Người dân vùng cao đang nạn dụng thuốc BVTV khiến cho môi trường bị ảnh hưởng nặng nề

Tìm giải pháp xử lý 

Năm 2016, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã có Thông tư liên tịch số 05 hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng. Theo đó, các địa phương thu gom, vận chuyển bao gói thuốc bảo vệ thực vật để các cơ quan có chuyên môn xử lý theo quy định.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thuốc BVTV, tỉnh Lào Cai đã có Công văn yêu cầu các huyện, thị xã tuyên truyền cho người dân thực hiện thu gom gói thuốc bảo vệ thực vật vào bể chứa; xây dựng thêm các bể chứa rác thuốc BVTV; thường xuyên thu gom rác thuốc bảo vệ thực vật bằng các  xe chuyên dụng về kho lưu trữ để xử lý.

Hiện nay, 70 - 90% tổ chức, thôn, hợp tác xã và cá nhân có sản xuất nông nghiệp, khu vực canh tác nông nghiệp tập trung trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã xây bể chứa bao, gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, trong đó khoảng 6 - 7 tấn rác bao bì thuốc bảo vệ thực vật được thu gom tại các bể chứa, nhưng lượng bao bì được vận chuyển xuống kho lưu trữ và xử lý lại không đáng kể. Theo Báo cáo năm, giai đoạn 2016 - 2019 đã thu gom và tiêu hủy được 2.520 kg; 2020 - 2021 đã thu gom và tiêu hủy được 1.890 kg.

Thu gom và xử lý rác thuốc BVTV đang là bài toán khó với vùng cao tại Lào Cai

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lào Cai: Đơn vị được giao vai trò là đầu mối tiếp nhận và xử lý bao, gói thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng. Toàn bộ bao bì thuốc bảo vệ thực vật thu gom được lưu trữ tại kho chứa thuộc xã Vạn Hòa (thành phố Lào Cai), sau đó sẽ xử lý theo các phương pháp đặc biệt cùng lượng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, hết hạn sử dụng được thu giữ bởi lực lượng chức năng. Khi các địa phương thực hiện thu gom, vận chuyển bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng tới đơn vị, chúng tôi tiếp nhận tất cả các thời điểm, kể cả ngoài giờ hành chính. Sau khi kho chứa đã đầy, đơn vị sẽ tiến hành chở đi để xử lý.

Trong rác thải thuốc BVTV vẫn tồn dư một lượng hóa chất, tiềm ẩn nguy cơ gây hại tới sức khỏe con người cũng như môi trường sinh thái. Đặc biệt, việc vứt bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, gần nguồn nước tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cho con người, gia súc, gia cầm…do vậy cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai cần bố trí kinh phí để thu gom và xử lý rác thuốc BVTV, đồng thời tuyên truyền cho người dân ý thức hơn trong việc xử lý loại rác thải này

Năm 2020 - 2021, chỉ có 2 địa phương thu gom và vận chuyển rác thải thuốc bảo vệ thực vật xử lý tại kho lưu trữ là thị xã Sa Pa (1,5 tấn) và huyện Bảo Yên (450 kg). Các địa phương khác hầu như không thực hiện điều này; bao bì, chai lọ được lưu tại các bể chứa hoặc người dân tự xử lý bằng phương pháp chôn, đốt truyền thống, không đảm bảo an toàn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc
Đến năm 2030, phấn đấu 100% đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực về nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra trong thực hiện chính sách dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO