Vân Hồ (Sơn La): Vận động đồng bào bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác

Nguyễn Nga | 09/08/2021, 21:23

(TN&MT) - Là huyện mới thành lập năm 2013 của tỉnh Sơn La, những năm qua, UBND huyện Vân Hồ đã tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện và UBND các xã thực hiện nghiêm các biện pháp bảo vệ tài nguyên khoáng sản, tuyên truyền đến người dân các khu vực có khoáng sản không khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.

“Dẹp” hoạt động khai thác, tận thu khoáng sản

Xã Xuân Nha, huyện Vân Hồ có 8 bản, với hơn 1.000 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái và Mường.

Giai đoạn 2010 - 2012, thực hiện xây dựng công trình đường giao thông từ xã Xuân Nha đi các địa phương khác, đơn vị thi công đã tận thu khoáng sản do mở tuyến đường để làm vật liệu xây dựng công trình. Đến năm 2016, một số hộ gia đình trong các bản đã thực hiện thu gom khối lượng khoáng sản còn sót lại tại khu vực đơn vị thi công làm đường đã khai thác để phục vụ nhu cầu xây dựng của hộ gia đình.

Đoàn kiểm tra của Sở TN&MT kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Vân Hồ.

Bà Đinh Thị Thu, Chủ tịch UBND xã Xuân Nha cho biết: Trước đây, trên địa bàn 3 bản Tưn, Chiềng Nưa, Mường An, sau khi các đơn vị thi công tuyến đường, một số hộ gia đình tại các bản đã thu gom, khai thác tận thu khoáng sản còn lại để phục vụ nhu cầu xây dựng cá nhân và làm đường nông thôn mới. Sau khi phát hiện việc khai thác khoáng sản trái phép, UBND xã đã thực hiện đình chỉ việc khai thác của người dân từ năm 2016.

Hiện nay, các khu vực này được giữ nguyên hiện trạng, không có hoạt động khai thác trái phép, đang giao cho các cộng đồng bản quản lý, bảo vệ. Để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật khoáng sản cho người dân, năm 2021, UBND xã đã tổ chức ký cam kết về công tác bảo vệ môi trường, khoáng sản với 8 trưởng bản và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản đến người dân. Vận động nhân dân địa phương không khai thác, thu mua, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép, đặc biệt là đồng bào các dân tộc vùng có khoáng sản.

Trên địa bàn Vân Hồ hiện có 6 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực.

Đề xuất thêm cơ chế với mỏ khoáng sản có quy mô nhỏ lẻ

Ông Nguyễn Hồng Thành, Trưởng phòng TN&MT huyện Vân Hồ cho biết: Qua rà soát, trên địa bàn huyện Vân Hồ có 11 khu vực khoáng sản chưa khai thác, bao gồm 3 vị trí khai thác đá vôi và 8 vị trí khai thác cát sạn. Những năm trước đây, tại các vị trí này có tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Do đây là các điểm mỏ có quy mô nhỏ lẻ, tận dụng từ việc mở mới các tuyến đường giao thông có lượng khoáng sản dư thừa, không sử dụng cho việc xây dựng công trình; hộ gia đình, cá nhân có tận thu các loại khoáng sản như cát sạn, đá vôi để phục vụ nhu cầu cá nhân, một phần chuyển đến các bản xây dựng công trình nông thôn mới.

Trước thực trạng đó, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của huyện, UBND các xã tăng cường kiểm tra, đình chỉ hoạt động khai thác và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đến nay, toàn bộ các điểm có hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thuộc các khu vực trên đã dừng hoạt động.

Bên cạnh đó, năm 2021, UBND huyện đã triển khai ký cam kết giữa Chủ tịch UBND huyện và Chủ tịch UBND 14 xã về công tác quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, đất đai, khoáng sản và môi trường với 17 nội dung trên các lĩnh vực. Ban hành kế hoạch kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản với các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện.

Huyện cũng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác khoáng sản cho Thường trực UBND và cán bộ công chức địa chính 14 xã. Tham gia các đoàn kiểm tra liên ngành của Sở TN&MT kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản của các đơn vị được cấp phép khai thác trên địa bàn.

Vân Hồ kiến nghị UBND tỉnh xem xét tháo gỡ khó khăn cho huyện theo hướng tận thu các loại khoáng sản là vật liệu xây dựng sẵn có tại địa phương để phục vụ các công trình xây dựng Nông thôn mới

Tuy nhiên, đặc thù huyện Vân Hồ có kiến tạo địa chất nhiều dãy núi đá vôi, tầng đất mỏng và phong hóa các loại đá, tạo ra các loại cát sạn được phân bố gần như trên toàn bộ 14/14 xã của huyện. Thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới, nhu cầu về các loại đá, cát sạn để xây dựng là rất lớn, nguồn kinh phí chủ yếu huy động vào sự đóng góp của nhân dân, nhất là xây dựng các công trình giao thông. Trong khi, Vân Hồ là huyện nghèo, đời sống nhân dân các dân tộc còn khó khăn nên sự đóng góp kinh phí để mua nguyên, vật liệu và vận chuyển từ địa phương khác đến gần như không thực hiện được.

Do đó, để hoàn thành các chương trình, mục tiêu xây dựng Nông thôn mới trên toàn huyện, UBND huyện Vân Hồ đang đề nghị Sở TN&MT báo cáo UBND tỉnh xem xét tháo gỡ khó khăn này cho huyện theo hướng được tận thu các loại khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường sẵn có tại địa phương để phục vụ xây dựng các công trình vì lợi ích công cộng.

Đối với việc xin cấp Giấy phép khai thác khoáng sản là vật liệu xây dựng thông thường cho các điểm mỏ thực hiện khai thác với quy mô hộ gia đình, cá nhân áp dụng trình tự như đối với đối với tổ chức thì gần như các hộ gia đình, cá nhân không thực hiện được đầy đủ các bước, dẫn đến việc khai thác trái quy định, đề nghị Sở TN&MT báo cáo, xin ý kiến các cơ quan cấp trên cho cơ chế riêng đối với nhóm thuộc đối tượng này.

Toàn huyện Vân Hồ có 14 xã, 121 bản, tiểu khu, trong đó, có 1 xã biên giới; 4 xã vùng II; 9 xã vùng III với 6 dân tộc anh em là đồng bào Thái, Mường, Dao, Mông, Tày, Kinh.
Trên địa bàn huyện Vân Hồ có một số loại khoáng sản chính gồm than, đất hiếm, bột Talc, đặc biệt là nguồn đá vôi, cát sạn phân bổ tập trung ở các xã Vân Hồ, Lóng Luông, Xuân Nha, Tô Múa, Liên Hòa…; đất sét với trữ lượng tương đối lớn cho phép phát triển sản xuất gạch, ngói, vật liệu xây dựng tại các xã Vân Hồ, Lóng Luông, Chiềng Khoa…
Hiện nay, toàn huyện có 6 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, gồm 5 Giấy phép do UBND tỉnh cấp và 1 Giấy phép do Bộ TN&MT cấp.
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO