Sơn La: Hiệu quả từ mô hình xử lý nước thải sơ chế cà phê hộ gia đình cho đồng bào DTTS

Nguyễn Nga | 18/10/2021, 22:42

(TN&MT) - Để xử lý nước thải trong hoạt động sơ chế cà phê quả tươi đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường, từ niên vụ 2020 - 2021, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã thực hiện thí điểm mô hình xử lý nước thải tại hộ gia đình ông Lò Văn Nghĩa, bản Phiêng Quài, xã Chiềng Ban.

Những năm gần đây, việc ô nhiễm môi trường do hoạt động sơ chế, chế biến cà phê luôn là vấn đề nhức nhối tại tỉnh Sơn La. Tại huyện Mai Sơn, với diện tích trồng cà phê khoảng trên 6.000ha, sản lượng quả cà phê tươi hàng năm là rất lớn. Dù trên địa bàn huyện có 2 nhà máy sơ chế cà phê đủ điều kiện về môi trường thực hiện thu mua, sơ chế, nhưng vẫn chưa đủ công suất để đáp ứng nhu cầu của nhân dân. Do đó, còn tình trạng các hộ sơ chế cà phê nhỏ lẻ, không có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật và xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường.

Để thực hiện mô hình, hộ sơ chế Lò Văn Nghĩa đã bố trí 2.500m2 đất xây dựng khu vực hệ thống xử lý nước thải.

Trong khi, địa hình địa chất huyện Mai Sơn rất phức tạp, nhiều hệ thống hang Karst nên việc xác định chủ thể gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất gặp nhiều khó khăn, khó giải quyết dứt điểm, gây bức xúc cho nhân dân. Để xử lý chất thải sơ chế cà phê quả tươi, đòi hỏi kinh phí lớn, trong khi các hộ phần lớn là nông dân, thu nhập chủ yếu dựa vào mùa vụ cà phê.

Ông Phạm Duy Hùng, Phó trưởng phòng TN&MT huyện Mai Sơn cho biết: Trước thực trạng đó, từ năm 2020, Phòng TN&MT đã tham mưu cho UBND huyện lựa chọn 1 hộ gia đình tại xã Chiềng Ban để xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong hoạt động sơ chế cà phê quả tươi quy mô nông hộ.

Tổng kinh phí thực hiện mô hình hơn 213 triệu đồng, trong đó, vốn do nhân dân bỏ ra khoảng 87 triệu đồng. Thực hiện theo hình thức nhà nước hỗ trợ kinh phí mua vật liệu lót chống thấm (bạt HDPE), các hạng mục còn lại theo mô hình hộ gia đình thực hiện.

Việc xử lý nước thải sơ chế cà phê được áp dụng đúng theo hướng dẫn tại Công văn số 204/HD-STNMT ngày 4/7/2019 của Sở TN&MT Sơn La về quy trình ủ vỏ cà phê làm phân hữu cơ và xử lý nước thải sơ chế cà phê theo hướng tái sử dụng chất thải với cơ sở sơ chế cà phê quy mô hộ gia đình.

Trong quá trình triển khai thi công mô hình, huyện Mai Sơn đã thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn hộ sơ chế đảm bảo đúng quy trình, quy định.

Quá trình xử lý nước thải gồm các bước: Nước thải cà phê được dẫn về bể tách vỏ, bổ sung vôi bột để điều chỉnh độ axit của nước thải, thời gian lưu tại bể tách vỏ là 1 ngày. Tiếp đó, nước thải được dẫn sang bể kỵ khí (biogas), thể tích bể kỵ khí đảm bảo chứa nước thải sản xuất trong thời gian tối thiểu 24 ngày, sử dụng thêm men vi sinh để làm giảm nồng độ các chất ô nhiễm; bể hiếu khí, và hồ lưu giữ nước thải có thể tích đảm bảo chứa được hết lượng nước thải phát sinh trong thời gian hơn 1 mùa vụ sản xuất của cơ sở. Hộ gia đình được lựa chọn hỗ trợ xây dựng thí điểm bảo đảm đủ diện tích đất để xây dựng hệ thống nước thải.

Là hộ gia đình được lựa chọn triển khai mô hình, ông Lò Văn Nghĩa, bản Phiêng Khoài, xã Chiềng Ban cho biết: Tôi triển khai thi công mô hình từ đầu tháng 9/2020, đến nay đã hoàn thành và đi vào vận hành hơn 1 năm. Mô hình này đáp ứng công suất 1.000 tấn quả tươi/vụ, năm trước tôi chỉ sơ chế khoảng 400-500 tấn quả tươi/vụ. Năm nay thì sơ chế khoảng 800 tấn quả cà phê của gia đình và thu mua cho người dân nơi khác về.

“Trước đây, để xử lý nước thải cà phê, tôi chỉ đào các hồ chứa và lót bạt, ảnh hưởng về mùi và nguy cơ ô nhiễm là có. Nhưng từ niên vụ năm ngoái, không còn hiện tượng ô nhiễm về mùi và nước thải, cho thấy mô hình đã cho hiệu quả rất tích cực. Không chỉ thế, tôi còn có thể tái sử dụng nước thải để tưới cây, giảm chi phí mua phân bón, lại rất tiết kiệm nước. Nếu như trước, sơ chế 1 tấn quả cà phê tươi mất 3m3 nước thì nay chỉ cần 0,7m3. Các hộ sơ chế khác trên địa bàn cũng đang theo dõi hiệu quả mô hình này và mong muốn được huyện hỗ trợ để triển khai” – ông Lò Văn Nghĩa chia sẻ.

Qua hơn 1 năm vận hành, mô hình thí điểm xử lý nước thải sơ chế cà phê đã cho thấy hiệu quả rõ nét.

Bà Lò Thị Hoa, người dân sinh sống cạnh cơ sở cũng rất phấn khởi, bởi từ niên vụ cà phê 2020-2021, người dân quanh khu vực không còn bị ảnh hưởng do ô nhiễm cà phê. “Mọi năm khu vực này mùi nước thải cà phê lắm, nhưng từ năm 2020 tới nay thì làm chuẩn hơn nhiều rồi, không bị ô nhiễm nữa” – bà Hoa nói.

Được biết, huyện Mai Sơn đang tiếp tục theo dõi, đánh giá hiệu quả mô hình thí điểm về xử lý nước thải trong hoạt động sơ chế cà phê tươi, để từ đó, đề xuất nhân rộng mô hình trong thời gian tiếp theo, đảm bảo khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động sơ chế, chế biến cà phê trên địa bàn huyện.

Bài liên quan
  • An Lão (Bình Định): Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường
    (TN&MT) - Từ chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và sự hưởng ứng tích cực của người dân, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện An Lão (tỉnh Bình Định) thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO