Nguy cơ lớn, thiệt hại nhiều
Theo các chuyên gia địa chất, trượt lở đất đá là một trong những loại hình thiên tai phổ biến nhất trên thế giới và Việt Nam. Ở nước ta, những năm gần đây, các loại hình thiên tai này xảy ra với tần suất và cường độ ngày càng tăng, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng, điển hình ở các tỉnh miền núi như: Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Hòa Bình, Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An...
Trong những năm qua, nhiều trận lũ quét, sạt lở đất bất ngờ đổ ập xuống, cuốn trôi nhà cửa và tính mạng người dân, gây nên nỗi kinh hoàng đối với nhiều tỉnh miền núi nước ta. Điển hình như trong các ngày 15, 16/11/2021, mưa lớn đã gây ngập lụt cục bộ nhiều nơi ở Bình Định. Đặc biệt, khu vực núi Cấm, xã Cát Thành, huyện Phù Cát, còn xảy ra sạt lở, hơn 10.000m3 đất đá đổ xuống, tràn vào nhà dân khiến người dân hoảng hốt tháo chạy. Hai trận sạt lở đã khiến đất đá và bùn non bị nước cuốn trôi bồi lấp khoảng 70 nhà người dân, có một số nhà dân bị đất bồi sâu gần 1m. Chính quyền xã Cát Thắng đã phải huy động 2 xe múc giúp người dân khơi thông dòng chảy tại những khu vực xung yếu, nơi đọng nước để tránh tình nước lũ ngập trở lại.
Cũng trong tháng 11/2021, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng xảy ra đầu đường Khe Sanh, P.10, TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) đã khiến cơ quan chức năng phải thông báo di dời khẩn cấp 7 hộ gia đình trong vùng nguy hiểm. Vị trí đất sạt lở nằm ngay vòng cua đầu tiên của đường Khe Sanh, đất sạt trượt kéo theo 2 ngôi nhà sau các khách sạn xuống thung lũng sâu hơn 10m. Khối lượng đất sạt trượt cả hàng nghìn khối. Các khách sạn cao tầng lộ ra móng chơi vơi sau vụ sạt trượt đất.
Xa hơn về trước, rạng sáng 3/8/2019, người dân bản Sa Ná (xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đang say giấc ngủ thì bất ngờ lũ ống, lũ quét từ suối Son đổ về nhấn chìm cả bản, khiến 5 ngôi nhà bị sập, 18 ngôi nhà bị lũ nhấn chìm kéo theo 17 người xuống sông Luồng. Tiếp đó, chiều ngày 28/10/2020, một vụ sạt lở đất thảm khốc đã vùi lấp 15 ngôi nhà ở nóc (thôn) ông Đề, xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Thông tin chính thức của UBND huyện Nam Trà My sau đó cho biết, vụ sạt lở đất đã khiến 9 người chết, 33 người bị thương, 13 nạn nhân mất tích chưa được tìm thấy.
Tổng hợp của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai cho thấy, chỉ tính ở các tỉnh miền núi phía Bắc, trên địa bàn 15 tỉnh được điều tra hiện có 116 huyện, 730 xã có nguy cơ cao lũ quét; 136 huyện, 1.226 xã có nguy cơ cao sạt lở đất; 123 huyện, 559 xã có nguy cơ cao sạt lở bờ sông bờ suối. Các vị trí này thường nằm ở sườn dốc các núi tạo hướng chắn gió dễ tạo ra mưa lớn; sườn dốc lớn có nguy cơ sạt lở đất, đá; như ven sông, suối khu vực hạ lưu; các nhà ở, công trình do đào chân núi nằm dọc theo các đường giao thông.
Nâng cao khả năng dự báo, cảnh báo
Dù là một loại hình thiên tai nguy hiểm, thường xuyên xảy ra nhưng để dự báo, cảnh báo chính xác, kịp thời về thời gian, địa điểm xảy lũ quét, sạt lở đất hiện vẫn là “bài toán khó” không chỉ với Việt Nam mà cả các nước có công nghệ dự báo tiên tiến trên thế giới. Với Việt Nam, khó khăn này là do các mô hình dự báo quá trình mưa, lũ còn hạn chế. Mặt khác, do thiếu dữ liệu về quan trắc, địa hình, thiếu thông tin số liệu về cấu trúc thảm phủ, lớp đất, tính chất cơ lý của đất. Sự thay đổi về sử dụng đất, phá rừng, khai thác khoáng sản, làm đường… cũng là những nhân tố gây khó khăn trong công tác dự báo lũ quét, sạt lở đất.
Trong bối cảnh đó, mới đây, các nhà khoa học của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ứng dụng thành công việc phân tích ảnh viễn thám trong đánh giá hiện trạng sạt lở đất đá ở vùng miền núi. TS.Nguyễn Quốc Khánh, Giám đốc Trung tâm Viễn thám và Tai biến địa chất (Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản) cho biết, phân tích ảnh viễn thám cho phép nhận dạng các khối trượt và các yếu tố chính phát sinh trượt lở đất đá. Đó là các yếu tố cấu trúc địa chất, đới phá hủy kiến tạo, thảm phủ thực vật và những biến động của lớp thảm phủ thực vật…
Theo TS.Nguyễn Quốc Khánh, với công nghệ viễn thám, các thông tin được chiết xuất từ ảnh viễn thám chủ yếu thông qua các dấu hiệu ảnh: dấu hiệu trực tiếp như tôn ảnh, màu sắc ảnh, hoa văn ảnh, kiến trúc ảnh, hình dạng đối tượng ảnh và gián tiếp như những yếu tố lớp phủ, địa hình, địa mạo, thành phần vật chất trên bề mặt địa hình.... Trên cơ sở đó, các nhà khoa học thành lập được các sơ đồ giải đoán các khối trượt và các yếu tố thành phần. Các sơ đồ kết quả giải đoán các khối trượt và các yếu tố thành phần sẽ được sử dụng làm các dữ liệu đầu vào rất quan trọng cho công tác đánh giá, phân vùng dự báo và thành lập bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá trong các bước tiếp theo.
Tại những vùng điều tra có thể sử dụng được nhiều tư liệu ảnh viễn thám đa thời kỳ có độ phân giải cao, công tác kiểm chứng thực địa các khối trượt giải đoán từ ảnh viễn thám đã xác định được tại những vị trí này đã xảy ra trượt lở đất đá với độ chính xác trên 80%. Tuy nhiên, công nghệ viễn thám vẫn có thể có sai số so với thực địa, bởi sự chênh lệch giữa thời gian thu nhận ảnh và thời gian kiểm chứng thực địa. Vì vậy, để nâng tính chính xác trong đánh giá trượt lở đất đai, ngoài việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến như ảnh viễn thám, các nhà khoa học cho rằng, cần kiểm tra, đối sánh với các tài liệu khác hiện có và kiểm chứng thực địa.
Thừa nhận Việt Nam hiện chưa có khả năng dự báo được lũ quét, sạt lở đất (mới cảnh báo nguy cơ có khả năng xảy ra lũ quét tại một vùng hoặc khu vực rộng), ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết, trước mắt, Tổng cục KTTV sẽ tập trung tăng cường phát triển hệ thống quan trắc mưa, lưu lượng tự động, tăng cường cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ bùn đá, lũ quét thông qua việc xây dựng công nghệ đồng hóa dữ liệu cảnh báo mưa, dông, hạn cực ngắn cho khu vực miền núi; xác định ngưỡng mưa gây sạt lở, lũ quét cho khu vực miền núi, khu vực trọng điểm xảy ra sạt lở, lũ quét; cùng với đó là nghiên cứu ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, xây dựng hệ thống cảnh báo tác động và cảnh báo rủi ro do sạt lở đất.
“Để giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá, lũ quét, về lâu dài, phải di dời, tái định cư cho các hộ dân đang sinh sống trong những khu vực có nguy cơ trượt lở đã được cảnh báo. Để thực hiện điều này thì cần nguồn lực rất lớn; do đó, trong Kế hoạch đầu tư trung hạn 2021-2025 và Kế hoạch ngân sách hàng năm cần ưu tiên bố trí vốn cho công tác này”, ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai.
Hướng đến một giải pháp mang tính toàn diện, lâu dài, hiện nay, Tổng cục KTTV đang phối hợp với Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, Viện Khoa học Địa chất và khoáng sản, Viện Khoa học KTTV và Biến đổi khí hậu và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp xây dựng Đề án “Cảnh báo sớm trượt, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét khu vực miền núi trung du Việt Nam”. Mục tiêu của Đề án là nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin thiên tai hiện đại, thống nhất liên ngành, phục vụ cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét, tiến tới cảnh báo theo thời gian thực tại các khu vực có nguy cơ cao nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Đồng thời, thực hiện cảnh báo sớm thiên tai trượt lở đất đá, lũ quét dựa trên cơ sở dữ liệu cập nhật theo thời gian. Đề án khi hoàn thành hứa hẹn sẽ cung cấp thêm một công cụ quan trọng, hữu hiệu giúp các địa phương triển khai tốt công tác cảnh báo sớm, giảm thiểu thiệt hại do trượt lở đất đá, lũ quét gây ra.