Chuyên đề Chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số: Bài 1: Nhiều chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số

Trường Giang | 10/04/2022, 14:12

Việt Nam có 54 thành phần dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số với dân số 14,119 triệu người, chiếm 14,7% dân số cả nước. Hầu hết đồng bào các DTTS có sinh kế gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đây là sinh kế chính và quan trọng nhất (khoảng trên 90% lao động người dân tộc thiểu số sinh sống bằng nghề nông).

Vì thế, đất đai (đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng…) là tư liệu sản xuất đặc biệt quan trọng đối với cuộc sống của đồng bào DTTS.

Thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước đã có nhiều quy định liên quan tới việc chăm lo, giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS điển hình như:

Tại Điều 27 Luật Đất đai năm 2013 đã quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào DTTS phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng, đồng thời có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào DTTS trực tiếp sản xuất nông nghiệp có đất để sản xuất.

1(1).jpg

Luật cũng quy định đối với quỹ đất thu hồi của các tổ chức đang sử dụng đất nông nghiệp sẽ được ưu tiên để giao đất, cho thuê đất đối với hộ gia đình, cá nhân là DTTS không có đất hoặc thiếu đất sản xuất. Quy định về điều kiện chuyển nhượng, tặng cho đối với hộ gia đình, cá nhân là người DTTS sử dụng đất do Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Khoản 6, Điều 4, Luật Lâm nghiệp năm 2017 cũng đã quy định: “Nhà nước bảo đảm cho đồng bào DTTS, cộng đồng dân cư sinh sống phụ thuộc vào rừng được giao rừng gắn với giao đất để sản xuất lâm, nông, ngư nghiệp kết hợp; được hợp tác, liên kết bảo vệ và phát triển rừng với chủ rừng, chia sẻ lợi ích từ rừng; được thực hành văn hóa, tín ngưỡng gắn với rừng theo quy định của Chính phủ”.

Nguyên tắc khi tiến hành giao rừng, phải ưu tiên giao rừng cho đồng bào DTTS, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có phong tục, tập quán, văn hóa, tín ngưỡng, truyền thống gắn bó với rừng, có hương ước, quy ước phù hợp với quy định của pháp luật.

Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 112 /2015/QH13 ngày 27/11/2015 về Tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông trường, lâm trường quốc doanh do các công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng và các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác sử dụng, tại khoản 2, Điều 2 quy định: “Tiếp tục rà soát, thu hồi diện tích đất sử dụng không hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích và giao lại cho địa phương để giao cho người dân, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu hoặc không có đất ở, đất sản xuất ở địa phương quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai”.

2(1).jpg
Ảnh minh họa

Tiếp đó, Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu đến năm 2025: “Hoàn thành cơ bản công tác định canh, định cư; sắp xếp, bố trí ổn định 90% số hộ di cư không theo quy hoạch. Quy hoạch, sắp xếp, di dời, bố trí 60% số hộ dân tộc thiểu số đang cư trú phân tán, rải rác trong rừng đặc dụng, các khu vực xa xôi, hẻo lánh, nơi có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở. Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào”.

Bên cạnh đó, để giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản, trong đó có một số văn bản đáng chú ý. Đó là Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ về giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng lâu dài vào mục đích lâm nghiệp và các quy định của Luật Đất đai;

Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn;

Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ Về chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư cho đồng bào DTTS giai đoạn 2007-2010 và Quyết định 1342/QĐ-TTg;

Theo thống kê của Ủy ban dân tộc, giai đoạn từ năm 2003 đến 2016 đã hỗ trợ đất ở cho hơn 93.600 hộ, đất sản xuất cho trên 107.800 hộ gia đình người DTTS. Kết quả này có ý nghĩa rất quan trọng, giải quyết hàng trăm ngàn hộ đồng bào DTTS nghèo, không có đất ở, nhà ở, không có hoặc thiếu đất sản xuất. Nhiều hộ đồng bào nghèo, du canh, du cư, di cư tự do, sinh sống trong vùng thiên tai, nguy hiểm… từng bước có cuộc sống ổn định và nâng cao đời sống, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.

Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn;

Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 Phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó đã nêu mục tiêu cụ thể là giải quyết đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho trên 80% số hộ đồng bào DTTS nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất…

Bài 2: Còn khó khăn

Bài liên quan
  • Đồng bào dân tộc chủ động tìm hướng sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu
    (TN&MT) - Đồng bào dân tộc thiểu số thường sinh sống tập trung tại những khu vực dễ chịu tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu. Bởi vậy, nhiều địa phương đã bước đầu tìm tòi, áp dụng những mô hình sản xuất thích ứng với những thay đổi bất thường của thời tiết mà vẫn tận dụng thế mạnh bản địa, liên kết với doanh nghiệp đảm bảo đầu ra sản phẩm, chủ động vượt lên khó khăn để đảm bảo cuộc sống cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Tưng bừng ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc
(TN&MT) - Tối 2/11, tại TP. Lạng Sơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
    Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO