Cần có lời giải cho “bài toán” xử lý rác thải ở vùng cao Nghệ An

Đình Tiệp | 25/08/2021, 17:05

(TN&MT) - Tỉnh Nghệ An có 11 huyện, thị được xếp vào vùng miền núi, trong đó có 6 huyện vùng cao gồm Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế phong, Quỳ Châu và Quỳ Hợp. Hiện nay, vấn đề thu gom, xử lý rác thải rắn sinh hoạt ở các huyện vùng cao này đang gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, vấn đề đặt ra là cần sớm có một giải pháp đúng đắn để giải đáp cho “bài toán” khó khăn này.

Người dân “kêu trời” vì ô nhiễm rác thải

Trước đây, huyện vùng biên Kỳ Sơn chưa quy hoạch được bãi rác thải tập trung. Vì thế, lượng rác thải sinh hoạt của người dân thải ra chưa được thu gom, xử lý theo quy định nên người dân thường hay đổ rác thải rất bà bãi, gây ô nhiễm môi trường.

Trước thực trạng trên, năm 2015, UBND huyện Kỳ Sơn đã quy hoạch và xây dựng một khu xử lý rác của thị trấn Mường Xén. Khu này được đặt tại bản Noọng Dẻ (xã Nậm Cắn, cách thị trấn Mường Xén khoảng vài ki lô mét - PV). Gọi là “khu xử lý” cho “kêu” chứ thực ra bãi rác này mới chỉ đào hố, xây sơ sài rồi đưa vào sử dụng (rác thải được đốt thủ công thường xuyên – PV). Vì thế, tuy mới đi vào hoạt động được vài năm nay nhưng bãi rác thải nói trên đã bộc lộ nhiều bất cập khiến cho người dân không khỏi bất an, lo lắng.

Việc đầu tư nhà máy xử lý rác với công nghệ hiện đại là mơ ước của các huyện miền núi tỉnh Nghệ An.

Đầu tiên phải kể đến là tình trạng ô nhiễm mà bãi rác thải gây ra đối với hơn 130 hộ dân với gần 600 nhân khẩu ở bản Noọng Dẻ. Do khu vực tập kết bãi rác chỉ cách trung tâm của bản này theo đường chim bay chưa đầy 1km nên mùi hôi thối phát ra từ quá trình phân hủy rác theo hướng gió bao trùm khu dân cư. Đặc biệt, bãi rác này xử lý rác bằng hình thức gom đốt, vì thế khói đốt rác ảnh hưởng lớn đến môi trường xung quanh. Mùi khét lẹt của khói rác không chỉ khiến hàng trăm hộ dân bản bị ảnh hưởng, ô nhiễm mà còn khiến những người tham gia giao thông trên QL7 hết sức phiền lòng.

Cũng theo phản ánh thì ở bản Noọng Dẻ ngoài hàng trăm hộ dân thì ở đây còn là điểm dừng chân của 3 điểm trường học với hàng trăm học sinh. Hàng ngày các em học sinh vẫn đang phải sống chung với ô nhiễm từ mùi hôi thối của rác thải phân hủy lẫn mùi khói khét lẹt từ khói đốt rác.

Chưa hết, việc bãi rác thải được quy hoạch sát QL7, lại nằm ở vị trí đồi núi cao và nằm trên thượng nguồn của sông suối nên khi trời mưa nước rỉ trong quá trình phân hủy rác theo nước mưa cứ thế ào ào chảy xuống phía các hẻm núi để hòa vào dòng sông Nậm Mộ xuôi xuống phía dưới. Vì thế, nước sông suối ở phía dưới bãi rác này “đón nhận” một lượng lớn nước rỉ rác khiến cho chất lượng nguồn nước bị ảnh hưởng, ô nhiễm.

Còn tại huyện Quế phong, theo phản ánh của người dân, tại bản Bon, thị trấn Kim Sơn xuất hiện một bãi rác thải sinh hoạt lộ thiên từ nhiều năm nay.

Rác ở đây chất thành từng đống lớn, và được thực hiện đốt ở nhiều vị trí, khói bốc lên mờ mịt cả một khoảng không gian, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng tới sức khỏe các gia đình sinh sống ở gần bãi rác này.

Do sống cạnh bãi rác lộ thiên và chỉ được xử lý thủ công nên các hộ dân ở bản Bon, thị trấn Kim Sơn nhiều năm nay sống ngột ngạt do mùi khói đốt rác theo gió vào nhà.

Một người dân bản Bon than thở, nhiều hôm mùi hôi, mùi khét lẹt của khói đốt rác làm chúng tôi ngột ngạt không thể chịu được, nhất là những thời điểm mưa phùn hoặc có sương xuống. Nhiều gia đình phải đóng kín cửa, thương nhất là trẻ con phải hít loại khói này.

Ì ạch trong xây dựng bãi rác

Tại huyện vùng cao Quế Phong, rác thải bị đổ bừa bãi gây ô nhiễm là vậy. Thế nhưng, điều kỳ lạ là chỉ cách bãi rác lộ thiên như đã phản ánh ở trên khoảng vài trăm mét, một khu xử lý rác với 4 hố rác “khổng lồ” đã được xây dựng dở dang nhiều năm nay.

Qua tìm hiểu phóng viên được biết, năm 2011, dự án bãi xử lý rác thải huyện Quế Phong đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 4462/2011, với tổng mức đầu tư 56 tỷ đồng. Đầu năm 2013, công trình này được khởi công xây dựng tại bản Bon, xã Tiền Phong (bản Bon được sáp nhập vào thị trấn Kim Sơn (Quế Phong) vào tháng 5/2020).

Bãi rác thải quá tải và ở ngay trên đầu nguồn nước tại huyện Kỳ Sơn.

Theo thiết kế, bãi rác này có 4 ô chôn lấp với tổng diện tích gần 20.000m2. Ngoài ra, còn có hệ thống thu gom và xử lý nước thải, hệ thống thoát khí thải, thoát nước mưa, đường giao thông và các công trình phụ trợ khác. Khi hoàn thành, đây sẽ là công trình xử lý rác thải đáp ứng tốt nhu cầu thu gom và xử lý rác thải của thị trấn Kim Sơn và các xã lân cận trung tâm huyện Quế Phong.

Tuy nhiên, đến nay dự án mới triển khai thi công các hạng mục san nền, đường ngăn nội bộ và các hố chôn lấp với tổng giá trị hơn 27 tỷ đồng, nhưng số vốn hiện tại mới chỉ được cấp cho dự án là 14,2 tỷ đồng. Do chưa được bố trí thêm vốn nên công trình đã tạm dừng thi công từ năm 2015 đến nay.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Văn Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Quế Phong cho biết, nguồn vốn bố trí trước đây là ngân sách từ nguồn vượt thu của tỉnh nhưng khi đó chưa được bố trí hết nên việc xây dựng bãi rác phải dừng lại từ nhiều năm nay. Huyện Quế Phong sẽ cố gắng tiếp tục huy động vốn từ những nguồn hợp pháp khác để hoàn thành xây dựng.

Còn ông Lẩu Bá Tểnh – Trưởng phòng TN&MT huyện Kỳ Sơn, cho hay: “Bãi rác thị trấn Mường Xén được hình thành năm 2015 và hoạt động đến nay. Huyện cũng biết là đặt ở vị trí hiện tại là có một số bất cập nhưng do quỹ đất không có nên trước đây đành chọn vị trí nói trên. Hiện, bãi rác cũng đã quá tải nên vừa rồi huyện mới khảo sát và lập đề án bãi rác thải mới tại bản Bà, xã Hữu Kiệm với diện tích 2ha, cách xa khu dân cư khoảng 2km. Dự kiến, khi đề án được phê duyệt và xây dựng xong sẽ di dời bãi rác cũ xuống đây để giải quyết ô nhiễm”.

Cần có giải pháp tối ưu

Ngoài 2 huyện Quế Phong và Kỳ Sơn như đã phản ánh ở trên thì tại các huyện vùng cao của tỉnh Nghệ An như Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Tương Dương hay Con Cuông tình trạng khó khăn trong quy hoạch, xây dựng bãi xử lý rác thải tập trung đang là bài toán khó khăn. Ngoài khó khăn về quỹ đất thì những vấn đề liên quan đến nguồn vốn, công nghệ xử lý…cũng đang khiến cho các địa phương loay hoay và đang gặp khá nhiều trở ngại.

Bãi rác thải tập trung tại xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp đang được thi công sau hàng chục năm rơi vào “bế tắc”.

Đơn cử như tại huyện Con Cuông, trước đây có khá nhiều doanh nghiệp vào địa bàn để khảo sát địa điểm đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung nhưng do nhiều lý do khác nhau, trong đó có lý do lượng rác thải theo tính toán không đủ để nhà máy vận hành theo công suất dự kiến nên đến nay kế hoạch đang tạm thời dừng lại.

Nói về giải pháp xử lý rác thải ở miền núi, ông Đinh Sỹ Khánh Vinh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An, cho biết: Chính quyền địa phương từ cấp xã đến cấp huyện cần phải xây dựng các đề án về thu gom, xử lý rác thải rắn. Trong đó, tập trung vào công tác nâng cao nhận thức cho người dân; thành lập các tổ tự quản về thu gom, vận chuyển rác thải; đầu tư kinh phí để làm các bãi tập kết rác thải vận chuyển đến nơi xử lý rác thải tập trung theo quy định.

“Với điều kiện nguồn lực của tỉnh còn hạn chế và đối với đặc thù các huyện miền núi thì hiện nay việc xử lý rác thải rắn sinh hoạt tại các huyện vùng cao của tỉnh theo hướng chôn lấp là khá phù hợp. Vấn đề ở đây là phải quy hoạch địa điểm phù hợp, chôn lấp theo quy trình hợp lý, đảm bảo hợp vệ sinh, an toàn với môi trường xung quanh…” – Ông Đinh Sỹ Khánh Vinh – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An.

Hiện, tỉnh Nghệ An đang thu hút các nhà đầu tư để xử lý rác thải. Trong giai đoạn hiện nay rất nhiều nhà đầu tư đang nghiên cứu dự án và một số dự án đã hoàn thành dự án xử lý rác thải như Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam đã hoàn thành 2 nhà máy ở Nghĩa Đàn và thị xã Hoàng Mai bước đầu cho thấy hiệu quả. Hiện, ngoài Tập đoàn Công nghệ T-TECH Việt Nam còn có Công ty CP Năng lượng và Môi trường Việt Nam đang khảo sát một số địa phương ở miền Tây Nghệ An để đầu tư nhà máy xử lý rác tuy nhiên hiện nay vẫn chưa có bước đột phá nào, rất khó khăn.

Bài liên quan
  • Hiệu quả từ một dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường ở Thanh Hóa
    (TN&MT) - Xác định rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều nỗ lực tìm kiếm, tạo nguồn lực thực hiện các chương trình đầu tư trong lĩnh vực nước sạch và vệ sinh môi trường. Một trong những dự án mang lại kết quả bền vững được Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) thực hiện bởi sự tài trợ của Tổ chức Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thể hiện rõ sự quan tâm, nỗ lực đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
  • Yên Bái: Hơn 50% diện tích có nguy cơ trượt lở đất đá nguy hiểm
    Hơn 70% số xã với hơn 50% tổng diện tích tỉnh Yên Báo có nguy cơ trượt lở đất đá ở mức cao và rất cao. Việc đánh giá hiện trạng và xây dựng được bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá có vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai.
  • Triển khai phân loại rác thải tại nguồn tới từng thôn, bản
    (TN&MT) - Triển khai phân loại rác thải tại nguồn nhằm tiến tới xử lý rác theo hướng tuần hoàn, giảm chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế là định hướng quản lý chất thải rắn vùng nông thôn ở huyện miền núi Yên Bình (Yên Bái).
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO