Bình Định: Người dân miền núi Vân Canh khát nước từng ngày

Mỹ Bình | 25/06/2021, 22:17

(TN&MT) - Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa nắng nóng huyện Vân Canh lại đối mặt với tình trạng khô hạn vì thiếu nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp. Những ngày qua, chúng tôi về thăm bà con làng Canh Lãnh, xã Canh Hòa – nơi người dân đang khát nước từng ngày. Điều mong ước của người dân nơi đây là có nguồn nước sạch cho bà con sinh sống và sức khỏe được đảm bảo.

Canh Hòa là xã miền núi đặc biệt khó khăn của huyện Vân Canh, cách trung tâm huyện khoảng 7km, đa số người dân sinh sống phụ thuộc vào nông, lâm nghiệp, đời sống gặp nhiều khó khăn.

Dân số của xã có 558 hộ với 2.067 nhân khẩu, sinh sống tại ba làng: Canh Thành, Canh Phước, Canh Lãnh với ba dân tộc cùng chung sống là Chăm, Bana, Kinh, trong đó người Chăm và Bana chiếm 95% dân số toàn xã.

Địa hình của xã Canh Hòa bị chia cắt nhiều bởi hệ thống sông suối, núi đồi trùng điệp và thung lũng sâu tạo thành các kiểu địa hình khác nhau. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp chủ yếu là ruộng dọc theo hệ thống sông suối.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt và sản xuất lại xã Canh Hòa

Tuy nhiên, hàng năm cứ đến mùa nắng nóng lại tái diễn tình trạng thiếu nước sinh hoạt, nước tưới phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp dẫn đến khô hạn, cây trồng kém phát triển, đời sống người dân trong xã vốn đã khó khăn lại càng khó khăn, cực nhọc hơn, bởi vậy mà tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm 57,53%, hộ cận nghèo chiếm 22,22%.

Người dân mang can ra suối lấy nước 

Trong những ngày qua, khu vực bị khô hạn nặng nề là thôn Canh Lãnh, xã Canh Hòa. Hiện thôn có 112 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu đang đối mặt với tình trạng không có nước sinh hoạt, không có nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, các giếng đào tại gia đình hộ dân đều khô cạn khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn.

Bà Đoàn Thị Nguyên kể những khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày khi không có nước 

Chia sẻ với Pv Báo TN&MT về cuộc sống khó khăn vì thiếu nước, bà Đoàn Thị Nguyên – người dân làng Canh Lãnh, xã Canh Hòa cho biết: Không có nước người dân chúng tôi khổ lắm, giếng nước trong nhà khô cạn phải đi ra suối để lấy nước về dùng nấu ăn, uống. Thậm chí sau khi vo gạo xong, tôi phải dùng nước vo gạo để rửa chén chứ đâu có nước dư đổ đi.

Ông Đinh Văn Út kể về tình cảnh thiếu nước sinh hoạt

Tiếp lời, ông Đinh Văn Út ở làng Canh Lãnh, xã Canh Hòa tâm sự: Nước không có người dân phải đi ba cây số ra suối múc nước đổ vào can chở về nhà. Tắm, giặt cũng ra suối. Giếng ở nhà bị khô cạn mà không thể đào sâu hơn vì đào sâu sẽ đụng vào đá nên không thể đào sâu hơn nữa. Nước giếng chỉ phục vụ nấu uống còn những sinh hoạt khác đều phải ra suối mà suối cũng khô cạn không có nước.

Giếng khô cạn không có nước 

Ông Đinh Văn Hùng – Trưởng làng Canh Lãnh, xã Canh Hòa cho biết thêm: Trong làng có 112 hộ mà đã có 75 hộ nghèo. Hàng năm, cứ vào thời gian tháng 6 đến tháng 8 là nước khô cạn tại các giếng nhà dân và tại con suối trong làng. Hàng ngày, từ sáng sớm bà con đã ra suối múc nước về dùng sinh hoạt để uống, nấu thức ăn. Nước phục vụ sinh hoạt cho con người đã khó chứ nói gì đến nước phục vụ sản xuất tưới cây trồng. Ở đây người dân chỉ làm ruộng, trồng mì, cây keo, không có nước tưới cây trồng kém phát triển, kinh tế gia đình lâm cảnh đói nghèo.

Người dân mang can ra suối lấy nước nhưng suối cũng khô cạn không có nước 

Mang tâm trạng lo lắng, ông Nguyễn Văn Kim – Chủ tịch UBND xã Canh Hòa chia sẻ: Hàng năm vào vụ sản xuất hè thu, bà con không sản xuất được vì khô cạn, không có nước phục vụ sản xuất nên đời sống người dân trong xã đặc biệt khó khăn. Nước sinh hoạt, bà con dùng giếng đào nhưng giếng cũng bị khô cạn vì thế mà đời sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Kim bày tỏ: Chính quyền và bà con ở đây mong muốn Đảng và Nhà nước quan tâm tạo điều kiện cho bà con có nguồn nước sạch sinh hoạt. Vì có không nước sạch dẫn đến các bệnh đường ruột, đau mắt và các bệnh khác. Có nước sạch để đảm bảo sức khỏe, sản xuất nông nghiệp, cây trồng phát triển thì kinh tế gia đình của người dân mới khá lên được.

Người dân đào đắp hố nhỏ lấy nước 

Khi vào làng Canh Lãnh, chúng tôi đi qua con suối Diếp nằm cắt ngang con đường vào làng. Khoảng cách từ suối Diếp đến làng Canh Lãnh khoảng 3km nên hàng ngày người dân phải vượt đường 3km đến suối lấy nước, rồi lại đi 3km quay trở về làng. Mỗi chuyến đi chỉ chở được 2-3 can nước để phục vụ sinh hoạt gia đình.

Thế nhưng, con suối khô cạn không có nước, người dân phải đào hố nhỏ cho nước chảy vào hố rồi chờ nước lắng đục, khi nào nước trong mới múc nước đổ vào can chở về nhà dùng. Lấy được giọt nước quá cực nhọc nên người dân dùng nước rất tiết kiệm, như nước vo gạo xong không đổ đi mà dùng lại để rửa chén.

Người dân rửa mặt, ăn, uống bằng nước suối

Đi về 6km chỉ để lấy hai can nước ở suối về dùng sinh hoạt gia đình 

Người dân chở nước suối về nhà dùng

Chia sẻ thêm về vấn đề này với phóng viên, một lãnh đạo huyện Vân Canh tâm sự: Huyện Vân Canh không chỉ có con sông lớn Hà Thành chảy qua mà còn rất nhiều sông suối nhưng sông suối lúc nào cũng cạn khô nước vào mùa nắng nóng. Mặt khác, người dân chọn cậy keo là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế gia đình. Cây keo có đặc tính hút nước nhưng không giữ được nước mà cây keo thường trồng ở ven sông, suối. Bởi vậy, Vân Canh muốn có nước phải bảo vệ rừng, tái sinh rừng, quy hoạch trồng lại rừng. Vì nhờ cây keo phát triển kinh tế nhưng lại gây tình trạng khô hạn tại các sông, suối dẫn đến không có nguồn nước sinh hoạt cho người dân, gia súc và phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là vấn đề trăn trở khó khăn của địa phương.  

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Tưng bừng ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc
(TN&MT) - Tối 2/11, tại TP. Lạng Sơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
    Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO