BĐKH đã tác động mạnh đến chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Điện Biên trong nhiều năm qua. Các loại hình thời tiết cực đoan: rét đậm, rét hại, lũ lụt, sạt lở đất…xuất hiện thường xuyên, liên tục với cường độ dày hơn, mức độ thiệt hại cao hơn và gây ra những thiệt hại nặng nề trong quá trình chăn nuôi của người nông dân.
Người dân Sín Thầu, Mường Nhé kiểm tra đàn gia súc |
Theo Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, hàng năm, tỉnh Điện Biên bị thiệt hại do thiên tai bình quân từ 100 đến 200 tỷ đồng. Trong năm 2020, diễn biến thời tiết phức tạp đã khiến trên 6.451 con gia súc, gia cầm các loại bị chết; 89,59 ha ao cá bị thiệt hại. Chỉ tính riêng tháng 12/2020 và đầu năm 2021, do rét đậm, rét hại đã gây thiệt hại 433 con gia súc. Uớc tính thiệt hại trên 600 triệu đồng. Cùng với đó là hàng nghìn ha lúa và hoa màu cũng bị ảnh hưởng, gây thiệt hại nặng nề về tài sản và kinh tế của người dân.
Những thiệt hại trên cho thấy, BĐKH cùng các hình thái thời tiết cực đoan đã và đang tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi của tỉnh Điện Biên. BĐKH ảnh hưởng tới sự sinh trưởng phát triển của gia súc, gia cầm: Mùa đông rét đậm, rét hại gây chết hàng loạt gia súc, gia cầm; mùa hè nắng nóng kéo dài, thiếu nước làm giảm hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi. Sự thay đổi các yếu tố khí hậu và thời tiết làm nảy sinh một số bệnh đối với chăn nuôi và phát triển thành dịch hay đại dịch trong những năm gần đây như: Cúm gia cầm, tai xanh heo, lở mồm long móng... nhiều bệnh có thể lây truyền sang con người gây ra những căn bệnh nguy hiểm.
Người dân sưởi ấm cho trâu bò |
Ông Bùi Minh Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết: Thời gian qua, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng rất lớn bởi BĐKH. Tuy nhiên, để có thể chủ động ứng phó với BĐKH, ngành nông nghiệp cũng đề ra một số giải pháp ứng phó, duy trì phát triển chăn nuôi để giảm thiệt hại như: Thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng về ứng phó với thiên tai. Ðồng thời, phổ biến những nguy cơ thiên tai ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nói chung và trong chăn nuôi nói riêng. Duy trì hoạt động giám sát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản, dự báo nguy cơ phát sinh dịch bệnh, phát hiện kịp thời khi dịch bệnh mới phát sinh.
Hàng năm, đã xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu và thực hiện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp với điều kiện của BĐKH, đặc điểm sinh thái tại địa phương, tận dụng các cơ hội để phát triển chăn nuôi bền vững.
Cán bộ thú y huyện Tuần Giáo kiểm tra vật nuôi |
Bên cạnh đó, việc gây giống phát triển ngành đã hướng dẫn người dân tránh những tháng thời tiết khắc nghiệt như: rét đậm, rét hại và nắng nóng, mưa nhiều làm ảnh hưởng đến con giống và chất lượng con giống.
Ngoài ra, chú trọng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, áp dụng quy trình xây dựng các bể biogas xử lý phế thải trong chăn nuôi, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; sử dụng men vi sinh để xử lý phân gia súc, gia cầm. Trong lĩnh vực thủy sản, áp dụng các phương thức, quy trình tiên tiến, tiết kiệm và sử dụng hiệu quả thức ăn, nguồn nước tự nhiên, năng lượng và giảm phát thải ra môi trường.
Xây dựng hệ thống kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi trong điều kiện BĐKH, các mô hình chăn nuôi giảm ô nhiễm môi trường và khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Xây dựng các dự án sử dụng công nghệ cao để nghiên cứu và ứng dụng các giải pháp dinh dưỡng giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính và nâng cao lợi nhuận trong chăn nuôi.