Vui chợ phiên vùng cao giữa lòng Hà Nội

Ngọc Trâm | 31/12/2020, 17:50

(TN&MT) - Như thường lệ, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam từ ngày 31/12/2020 đến 3/1/2021 diễn ra “Chợ phiên vùng cao chào Xuân 2021” với 50 gian hàng và khu vực nhà dân tộc Phù Lá bao gồm 33 gian hàng, tái hiện không gian chợ mang đậm sắc màu văn hóa của vùng cao phía bắc.

Chỉ cách Hà Nội hơn 40km về phía tây, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một phần thuộc khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội. Khu bảo tồn là nơi tái hiện đời sống sinh hoạt các tộc người trên khắp nước Việt Nam, được xây dựng trên một ngọn đồi nhỏ với nhiều thung lũng và hồ nước bao quanh.

Năm nay, đồng bào các dân tộc sẽ tái hiện nhiều lễ hội độc đáo, đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đồng bào dân tộc Lự tỉnh Lai Châu sẽ tái hiện lễ hội Căm Mường, dâng lễ vật cầu khẩn thần sông, thần núi, thần khe, thần suối, thần rồng phù hộ nhân dân trong bản no đủ, điều lành ở lại, điều dữ mang đi. Đồng bào dân tộc Hà Nhì, tỉnh Điện Biên mang đến không gian chào năm mới 2021 chương trình tái hiện Tết Khù sự chà…

Bên cạnh không gian chợ Xuân còn có không gian trưng bày tranh “Phiên chợ ngày Xuân,” giới thiệu đến công chúng nhiều bức ảnh về vẻ đẹp của vùng đất, con người các địa phương Lai Châu, Điện Biên, Bắc Kạn; một số ảnh không gian văn hóa đã tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Đặc biệt, Ban tổ chức giới thiệu đến công chúng nghệ thuật trình diễn dân gian nghệ thuật múa Khèn - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của dân tộc Mông tỉnh Bắc Kạn.

Các nghệ nhân sẽ trình diễn các tiết mục múa khèn đơn, khèn đôi; giới thiệu tỉ mỉ về cấu tạo và cách sử dụng khèn tới đồng bào, du khách, giúp mọi người cùng trải nghiệm, hòa cùng không khí niềm vui đón năm mới 2021...

Cùng với đó là phần giới thiệu, trình diễn nghề thủ công truyền thống của các nhóm đồng bào dân tộc vùng cao. Đó là sắc màu thổ cẩm của nghề thêu và trang trí hoa văn trên vải của nhóm Dao đỏ tỉnh Bắc Kạn; thêu khăn piêu của các thiếu nữ dân tộc Thái tỉnh Sơn La hay nét đẹp của các nghề đan lát truyền thống của các dân tộc đến từ Lai Châu, Bắc Kạn, Điện Biên...

Các hoạt động tại Làng Văn hóa - Du lịch có sự tham gia của khoảng 100 đồng bào thuộc 16 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Thái, Khơ Mú, Ơ Đu, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Tu, Gia Rai, RagLai, Ê Đê, Khmer) với sự tham gia của 12 địa phương, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hằng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Sóc Trăng), cùng 85 đồng bào huy động thêm trong bốn ngày từ các tỉnh Bắc Kạn, Điện Biên, Lai Châu… Khoảng 20 - 25 nghệ sĩ, diễn viên của Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng được huy động trong dịp này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Tưng bừng ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc
(TN&MT) - Tối 2/11, tại TP. Lạng Sơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
    Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO