“Tết Mông xuống phố” là sự kiện nhằm bảo tồn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống, kết nối cộng đồng bằng những giá trị tiêu biểu trong văn hóa Tết cổ truyền mang nét độc đáo riêng của dân tộc Mông.
"Tết Mông xuống phố" là sự kiện tết về văn hóa người Mông. Ảnh: Hoàng Minh |
“Tết Mông xuống phố” là sự kiện tết về văn hóa của người Mông được tổ chức hàng năm bởi nhóm sinh viên Mông đang học tập tại Hà Nội và Câu lạc bộ Sinh viên Mông tại Hà Nội.
Chị Phàng Thị Khia - Trưởng Ban tổ chức sự kiện “Tết Mông xuống phố” năm 2021 cho biết: Nhiều đồng bào dân tộc đang là sinh viên hay người đi làm xa nhà rất khó để có thể về quê sum vầy với gia đình. Sự kiện đã phần nào giúp họ được trải nghiệm văn hóa của dân tộc mình ngay tại nơi mình học tập, làm việc và sinh sống. Đồng thời, đây cũng là dịp để đồng bào các dân tộc Mông từ mọi vùng miền hội tụ, kết nối, giao lưu văn hóa với các dân tộc, cộng đồng trong và ngoài nước.
Sự kiện có các hoạt động như trang trí, sắp đặt không gian Tết truyền thống; tiết mục văn nghệ văn hóa tái hiện các lễ hội truyền thống ngày Tết của dân tộc Mông; triển lãm ảnh về cuộc sống sinh hoạt hàng ngày và trong những ngày lễ hội của đồng bào người Mông; trải nghiệm các trò chơi truyền thống trong ngày lễ, Tết (đi cà kheo, ném pao, đánh yến, kéo co…); giới thiệu về ẩm thực dân tộc Mông (bánh dày, mèn mén…); các bộ đồ dân tộc, vải dệt thổ cẩm truyền thống, công cụ lao động (cuốc, dao, rựa…) hay nhạc cụ dân tộc (sáo, kèn môi) cũng được giới thiệu và trưng bày… Đặc biệt, hoạt động truyền thống giã bánh dày - một loại bánh không thể thiếu trong tết của người Mông cũng được tái hiện trong sự kiện.
Chia sẻ về không khí ngày Tết cổ truyền của dân tộc Mông tại sự kiện, chú Nguyễn Văn Bình (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng: “Tết truyền thống của người Mông thời nay đã có nhiều thay đổi với trước, nhiều nơi phong tục cũng mai một và được rút gọn đi cho phù hợp với xã hội hiện đại. Nhưng nhờ tiếng khèn, những làn điệu dân ca truyền thống của người Mông, không khí Tết vẫn vẹn đầy, ai cũng hân hoan vui tết, nó như một thứ thiêng liêng, mọi người qua đó sẽ xóa bỏ rào cản để tới gần nhau hơn”.
“Tết Mông xuống phố” năm nay lấy chủ đề “Nhạc cụ - dân ca của người Mông". Công chúng sẽ được thưởng thức những tiết mục nghệ thuật đặc sắc qua phần thi giữa các nhóm sinh viên Mông thuộc nhiều tỉnh thành và trường đại học tại Hà Nội thể hiện. Với đa dạng thể loại nghệ thuật, các đội thi đã mô tả sinh động phong tục tập quán của dân tộc mình, truyền tải những thông điệp ý nghĩa đến với khán giả.
Chị Phạm Diệu Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: “Mình bị thu hút bởi những màn trình diễn nghệ thuật do các bạn sinh viên Mông thể hiện. Qua đó mình hiểu biết thêm về lễ hội văn hóa truyền thống dân tộc Mông, những phong tục, tín ngưỡng tâm linh rất thú vị. Tham gia sự kiện mình còn có thêm nhiều bạn mới, đều là sinh viên người Mông học cùng trường”.
Trò chơi truyền thống ném pao là một hình thức giao duyên đôi lứa trong các dịp lễ hội. Ảnh: Hoàng Minh |
Đối với đồng bào dân tộc Mông, trong những dịp lễ hội, Tết đến, xuân về không thể thiếu tiếng khèn và các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Người Mông gửi gắm và thể hiện tiếng lòng của mình qua tiếng khèn, tiếng sáo với bạn bè, với cộng đồng, với thiên nhiên, núi rừng và thể hiện giá trị văn hóa, làm nên bản sắc độc đáo riêng của người Mông.
Ngắm nhìn những chiếc sáo, chiếc khèn đa dạng với đủ mẫu mã, kích thước trưng bày tại các gian hàng, anh Vừ Phá Sa (Yên Bái) cho biết, các nhạc cụ dân tộc hiện nay đều được cải tạo, trang trí sao cho bắt mắt, thu hút cộng đồng du khách tham quan. “Trước kia, nhạc cụ chỉ được chú trọng về chất lượng, làm sao để tạo ra được thứ âm thanh trong trẻo, truyền đạt cảm xúc bằng âm thanh tốt nhất tới người nghe thôi. Bây giờ phải khắc thêm họa tiết trang trí, tạo sự khác biệt mới hấp dẫn người mua” - anh Sa cười nói.
Bạn Sùng Mí Long - thành viên Ban tổ chức “Tết Mông xuống phố” chia sẻ: Do cách biệt về địa lý, ngôn ngữ, phong tục, người Mông hay bất cứ đồng bào dân tộc thiểu số nào cũng có sự ngần ngại khi giao lưu giữa các cộng đồng. Để loại bỏ rào cản đó, Chính phủ, chính quyền Trung ương và các địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho đồng bào các dân tộc thiểu số hòa nhập hơn với cộng đồng.
“Ngày Tết Mông truyền thống, người dân sẽ đi giao lưu văn hóa giữa các thôn, bản, giữa các dân tộc chứ không chỉ quanh quẩn trong mỗi bản mình. Nét truyền thống văn hóa của dân tộc vẫn được bảo tồn, chỉ là điều chỉnh sao cho phù hợp, hòa nhập với cộng đồng hơn” - Long cho biết.
Các sự kiện, lễ hội văn hóa chính là dịp để đồng bào các dân tộc từ mọi vùng miền hội tụ, kết nối, giao lưu văn hóa với nhau. Từ đó, giới thiệu cho cộng đồng trong và ngoài nước, đặc biệt là các bạn trẻ, hiểu, trân trọng để gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Việt Nam.