Phát triển bền vững

Mường Tè (Lai Châu): Giải pháp đưa nước sạch về với đồng bào dân tộc thiểu số

Hoàng Châu 14:42 24/05/2023

(TN&MT) - Mường Tè là một trong những huyện vùng cao có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống ở Lai Châu. Trước đây, người dân luôn phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt. Từ khi có các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 30a, 135, nông thôn mới… của Nhà nước, đồng bào DTTS đã có nước sạch, hợp vệ sinh sử dụng trong sinh hoạt mỗi ngày. An ninh nguồn nước được đảm bảo.

Đủ nước sinh hoạt trong cả mùa khô

Từ trước tới nay, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại các xã vùng cao như: Pa Ủ, Thu Lũm, Pa Vệ Sủ, Tà Tổng…của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu thường sử dụng nước suối để tắm giặt, ăn, uống. Ngày ngày người dân ra suối để cõng nước về sinh hoạt. Nguồn nước thường bị thiếu hụt trong mùa khô và thường xuyên bị ô nhiễm, do người dân thả rông gia súc…

Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của các cấp chính quyền tỉnh Lai Châu, đặc biệt sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước về các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình hỗ trợ về nông thôn mới, chương trình giảm nghèo 135, 30a… dành cho đồng bào các DTTS, những vùng kinh tế kém phát triển đã nâng dần chất lượng sống: đường giao thông thôn bản; công trình nước sạch sinh hoạt, hợp vệ sinh; nhà sinh hoạt cộng đồng được ưu tiên đầu tư.

Ông Vũ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, cho biết: Thời gian qua, từ nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, nông thôn mới, chương trình 135, chương trình 30a… huyện Mường Tè đã tập trung ưu tiên xây dựng các công trình nước sạch đảm bảo nguồn nước sử dụng cho người dân trên địa bàn huyện. Từ đó, giúp người dân an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.

a4.jpg
Người dân được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh

Đến nay, UBND huyện đầu tư xây dựng 114 công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh tới các xã, bản trên địa bàn theo nguồn vốn của chương trình 135/CP, 30a/CP, nông thôn mới... Nguồn nước được lấy từ các khe, mó nước, đầu nguồn, mạch nước ngầm chảy qua ống dẫn thẳng về các bể. Tùy theo từng bản, mỗi bể có thể tích chứa 5 - 20m3 nước tùy theo nguồn nước dẫn về và nhu cầu sử dụng của người dân. Các công trình đều được xây trong khu dân cư, xa nơi có nguy cơ sạt lở để đảm bảo công trình phát huy hiệu quả.

Được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh là niềm mong mỏi lớn của người dân, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Sau rất nhiều năm bà con luôn phải sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt và nguồn nước không đảm bảo vệ sinh… Đến nay, nguồn nước sạch đã về tận bản, bà con không phải mất nhiều thời gian đi cõng nước về dùng như trước đây. – Ông Cương nói.

Chị Chìu Tài Múi, xã Bum Tở, chia sẻ: Trước đây để có nước sinh hoạt, gia đình tôi thường phải đi gánh nước hàng cây số vừa vất vả, tốn thời gian, nguồn nước tại các con suối lại không đảm bảo vệ sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhất là vào mùa khô hạn, chúng tôi phải đi hàng chục cây số mới lấy được nước ăn. Từ khi được Đảng, Nhà nước, chính quyền quan tâm đầu tư xây cho bản các công trình nước sinh hoạt, gia đình tôi rất vui vì nguồn nước vừa sạch vừa tiện lợi. Có nước về bản, chúng tôi có nhiều thời gian tập trung cho lao động sản xuất để phát triển kinh tế, giảm đói giảm nghèo. Từ đó, cũng không lo thiếu hụt lúa gạo, thiếu hụt cả nước ăn.

Tiết kiệm thời gian… tập trung sản xuất để giảm nghèo

Theo ông Vũ Văn Cương, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè: Thời gian qua, nước sạch luôn là vấn đề được các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn của huyện quan tâm. Hiện nay trên địa bàn huyện, số hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh, đạt tỷ lệ 95,9%. Số hộ chưa được sử dụng nước sinh hoạt, tỷ lệ 4,1%. Từ năm 2016 - 2022 tỷ lệ số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đã nâng lên 9.968 hộ/10.389 hộ. Công trình nước sinh hoạt được đầu tư xây mới và đưa vào sử dụng là 10 công trình, trên địa bàn 08 xã của huyện.

Để quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả và sự bền vững lâu dài của công trình nước sinh hoạt. Hiện tại, UBND các xã, thị trấn được giao quản lý các công trình nước sinh hoạt đã thành lập các tổ quản lý tại các bản. Đồng thời xây dựng quy chế hoạt động, đôn đốc các tổ quản lý, vận hành, sửa chữa nhỏ hàng tháng, quý... để đảm bảo việc cấp nước sinh hoạt cho người dân.

a2(1).jpg
Nước sạch về tận bản của huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu

Ngoài ra, cơ quan chuyên môn huyện Mường Tè còn tích cực phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền, phổ biến kĩ thuật tu sửa các công trình nước sạch đã được Nhà nước đầu tư. Cùng với đó, vận động người dân nâng cao ý thức sử dụng nước tiết kiệm gắn với nhiệm vụ bảo vệ rừng, nhất là ở khu vực nơi đầu các nguồn nước. Thường xuyên vệ sinh bể nước, không xả, vứt rác quanh bể, đảm bảo nguồn nước hợp vệ sinh. Ở các khe dẫn nước, mó nước đầu nguồn, không chăn thả gia súc, làm nương, thường xuyên phát dọn cây cỏ; chủ động kiểm tra các ống dẫn, chất lượng công trình nước sinh hoạt, nếu phát hiện sự cố thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương xử lý.

Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã góp phần quan trọng cải thiện và nâng cao đời sống cho người dân trên địa bàn huyện Mường Tè. Nhận thức rõ giá trị của công trình nước sạch, người dân đã tuân thủ nghiêm túc việc quản lý, vận hành, sử dụng, công trình thực sự phát huy hiệu quả. Hiệu quả từ các công trình nước sạch đã và đang góp phần từng bước làm thay đổi diện mạo, cuộc sống của người dân nơi đây, nhất là đối với đồng bào DTTS.

Ngoài các công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt, huyện Mường Tè còn xây dựng 139 công trình thủy lợi dẫn nước tưới tiêu cho đồng ruộng, nương ngô, hoa màu, đảm bảo đúng mùa vụ, tăng năng suất, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Bên cạnh đó, toàn huyện có 57 công trình nước sinh hoạt đang sử dụng tốt, 34 công trình hoạt động mức trung bình, 16 công trình kém và hư hỏng đang được khắc phục, tu sửa trong thời gian tới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
  • Yên Bái: Hơn 50% diện tích có nguy cơ trượt lở đất đá nguy hiểm
    Hơn 70% số xã với hơn 50% tổng diện tích tỉnh Yên Báo có nguy cơ trượt lở đất đá ở mức cao và rất cao. Việc đánh giá hiện trạng và xây dựng được bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá có vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai.
  • Triển khai phân loại rác thải tại nguồn tới từng thôn, bản
    (TN&MT) - Triển khai phân loại rác thải tại nguồn nhằm tiến tới xử lý rác theo hướng tuần hoàn, giảm chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế là định hướng quản lý chất thải rắn vùng nông thôn ở huyện miền núi Yên Bình (Yên Bái).
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO