Dự án Điều tra, đánh giá thoái hoá đất kỳ đầu tỉnh Lai Châu được triển khai theo Quyết định số 548/QĐ-UBND, ngày 29/5/2018 của UBND tỉnh Lai Châu. Trên cơ sở đó, xác định được diện tích đất bị thoái hóa theo loại hình thoái hóa và loại đất thoái hóa trên địa bàn tỉnh Lai Châu, nguyên nhân thoái hoá đất và đề xuất các giải pháp giảm thiểu thoái hóa đất của tỉnh Lai Châu.
Theo đó, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 29,46% diện tích đất bị thoái hóa nặng so với tổng diện tích điều tra, 58,84% diện tích đất bị thoái hóa trung bình, chỉ có 11,70% diện tích đất bị thoái hóa nhẹ hoặc không thoái hóa. Qua kết quả trên thấy rằng, diện tích đất bị thoái hóa đất ở Lai Châu tương đối lớn, hơn nữa, dự án được nghiên cứu trên quy mô cấp vùng, mật độ điểm điều tra thấp (720 ha/1 điểm).
Với tổng diện tích tự nhiên tỉnh Lai Châu là 906.879 ha. Trong đó, diện tích đất phi nông nghiệp 33.201 ha; diện tích đất chưa sử dụng là 347.855 ha (đất núi đá không có rừng cây diện tích 3.131 ha); diện tích đất nông nghiệp 522.692 ha. Quy mô dự án là điều tra 870.547 ha (không bao gồm diện tích phi đất nông nghiệp và diện tích núi đá không có rừng cây).
Theo phân tích của đơn vị tư vấn (Công ty cổ phần đầu tư và tư vấn Phương Bắc - chi nhánh Bắc Ninh thực hiện điều tra, đánh giá thoái hóa đất kỳ đầu tỉnh Lai Châu) thì tổng diện tích đất bị thoái hóa trên địa bàn tỉnh Lai Châu là 755.619 ha, chiếm 86,80% diện tích điều tra. Trong đó, thoái hóa nhẹ: 298.940 ha, chiếm 34,34% diện tích điều tra; thoái hóa trung bình: 282.757 ha, chiếm 32,48% diện tích điều tra; thoái hóa nặng: 173.922 ha, chiếm 19,98% diện tích điều tra.
Diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thoái hóa là 94.442 ha, chiếm 85,71% diện tích đất sản xuất nông nghiệp. Trong đó, thoái hóa nặng có 16.607 ha, chiếm 17,58% diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thoái hóa; thoái hóa trung bình có 45.254ha, chiếm 47,92% diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thoái hóa; thoái hóa nhẹ có 32.581ha, chiếm 34,50% diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thoái hóa.
Diện tích đất đất lâm nghiệp bị thoái hóa là 336.920ha, chiếm 81,87% diện tích đất lâm nghiệp, trong đó, thoái hóa nặng có 54.777ha, chiếm 16,26% diện tích đất lâm nghiệp bị thoái hóa. Thoái hóa trung bình có 73.640ha, chiếm 21,86% diện tích đất lâm nghiệp bị thoái hóa. Thoái hóa nhẹ có 208.503ha, chiếm 61,88% diện tích đất lâm nghiệp bị thoái hóa.
Diện tích đất nuôi trồng thủy sản có 917ha. Tuy nhiên, đây là loại sử dụng đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản nên chất lượng đất, mức độ suy giảm độ phì không ảnh hưởng nhiều đến loại sử dụng đất này vì vậy không đánh giá đất bị suy giảm độ phì. Đồng thời, không xảy ra hiện tượng đất bị khô hạn, kết vón, đá ong hóa nên kết quả đánh giá đất nuôi trồng thủy sản không bị thoái hóa.
Hiện, Lai Châu có khoảng 30ha đất nông nghiệp khác, kết quả điều tra cho thấy, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp khác trên địa bàn tỉnh Lai Châu bị khô hạn; 15ha đất bị suy giảm độ phì nhiêu; không có diện tích bị xói mòn, kết vón đá ong hóa và có 15ha đất nông nghiệp khác bị thoái hóa nhẹ và 1.613ha đất bằng chưa sử dụng bị thoái hóa, chiếm 87,72% diện tích đất bằng chưa sử dụng. Có 322.628ha đất đồi núi chưa sử dụng bị thoái hóa, chiếm 93,24% diện tích đất đồi núi chưa sử dụng, trong đó: Diện tích đất bị thoái hóa nặng có 102.136ha, chiếm 31,66% diện tích đất đồi núi chưa sử dụng bị thoái hóa.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến thoái hóa đất ở Lai Châu, đơn vị tư vấn xác định do địa hình bị chia cắt mạnh, có sự xen kẽ giữa các núi cao hùng vĩ, hiểm trở, xen kẽ là các dải đồng bằng nhỏ hẹp. Tình trạng chặt phá rừng làm nương của người dân làm mất hệ cân bằng sinh thái, gây thiếu hụt nguồn nước sử dụng trong canh tác. Cùng với đó, phương thức sử dụng đất của người dân chủ yếu canh tác trên đất dốc là nguyên nhân làm cho đất ngày càng bị bào mòn, rửa trôi các chất dinh dưỡng dẫn đến đất trồng bị hoang hóa, sa mạc hóa và thoái hóa.
Ngoài việc bị ảnh hưởng từ khí hậu, thủy văn, đặc tính các loại đất... thì còn có sự tác động của con người như: Quản lý sử dụng đất, lập quy hoạch sử dụng đất, đặc điểm và phương thức sử dụng đất, quản lý khai thác tài nguyên rừng và quy hoạch rừng, áp lực do tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội... của địa phương.
Tất cả các chỉ số trên là một trong những nguyên nhân khiến cho diện tích đất canh tác của đồng bào các DTTS ở Lai Châu ngày càng bị thu hẹp. Trước những nguyên nhân thoái hóa đất đã được xác định, tỉnh Lai Châu cần đề ra những giải pháp cụ thể, tương ứng với các nguyên nhân trong quá trình sử dụng đất, để quản lý tài nguyên đất bền vững, sử dụng hiệu quả, đảm bảo nguồn lực đất đai góp phần phục vụ cho việc cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Theo kết quả dự án Điều tra, đánh giá thoái hóa đất vùng Miền núi và Trung du Bắc Bộ phục vụ quản lý sử dụng đất bền vững, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 29,46% diện tích đất bị thoái hóa nặng so với tổng diện tích điều tra, 58,84% diện tích đất bị thoái hóa trung bình, chỉ có 11,70% diện tích đất bị thoái hóa nhẹ hoặc không thoái hóa.