Trong giai đoạn từ năm 2011 – 2020, tỉnh Lai Châu đã tổ chức giao đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số cho 12.026/12.109 hộ có nhu cầu giao đất, đạt 99,3%, với diện tích 65.330,56 ha (đất ở 59.237,18 ha; đất sản xuất 6.093,38 ha).
Giao đất cho hơn 12 ngàn hộ DTTS thiếu đất
Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới phía Tây bắc của Tổ quốc, có 9.069 km2 diện tích đất tự nhiên, gồm 08 đơn vị hành chính cấp huyện, 106 xã, phường, thị trấn, với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 398.353 người dân tộc thiểu số, chiếm 84,79% dân số toàn tỉnh. Tổng số xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi là 55 xã, trong đó có 01 xã thuộc khu vực II, 54 xã thuộc khu vực III; số thôn bản đặc biệt khó khăn là 490 thôn, bản.
Sau gần 10 năm triển khai thực hiện Luật Đất đai 2013, toàn tỉnh đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được 264.231 giấy/645.062 ha, đạt hơn 93% diện tích cần cấp. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020 đã tổ chức giao đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số cho 12.026/12.109 hộ có nhu cầu giao đất, đạt 99,3%, với diện tích 65.330,56 ha (đất ở 59.237,18 ha; đất sản xuất 6.093,38 ha).
Quá trình giao đất cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Lai Châu cũng gặp không ít những khó khăn, vướng mắc như: quỹ đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn hạn chế trong khi nguồn lực về tài chính để giải quyết các vấn đề về nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh dó, trình độ dân trí, thu nhập của một bộ phận người dân tộc thiểu số còn thấp; phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc một số nội dung còn lạc hậu, tập quán du canh du cư còn diễn ra nên việc quản lý, sử dụng đất còn chưa chặt chẽ, chưa đúng mục đích, ranh giới, dẫn đến còn xảy ra tình trạng lấn, chiếm, tranh chấp đất đai.
Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất còn chậm, chồng chéo, chất lượng chưa cao; việc cấp giấy chứng nhận, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai chưa hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ. Ngoài ra, một số khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai, sụt lún, ngập úng; điều kiện về hạ tầng giao thông đi lại gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là một số xã, bản vùng cao...
Để tiếp tục giải quyết vấn đề về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Lai Châu đã phê duyệt Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Sau khi có kết quả triển khai thực hiện đề án, UBND tỉnh Lai Châu sẽ thu hồi lại một phần diện tích đất đã giao, cấp Giấy chứng nhận cho Ban quản lý rừng phòng hộ các huyện để giao cho UBND các huyện, thành phố tổ chức giao đất, cấp Giấy chứng nhận cho người dân thiếu đất sản xuất, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Bổ sung chính sách giao đất cho đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai
Góp ý nhằm hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), UBND tỉnh Lai Châu đề xuất tại tại điểm a, khoản 2, Điều 17, Dự thảo đề nghị bỏ cụm từ “lần đầu”. Bởi, tại địa bàn các tỉnh miền núi nói chung, khu vực Tây Bắc nói riêng, đồng bào DTTS đã cơ bản được giao đất lần đầu nhưng chưa đảm bảo đủ hạn mức, nên cần thiết phải giao đất qua các lần tiếp theo để đảm bảo đủ hạn mức cho người sử dụng đất; mặt khác, một số khu vực đất ở, đất sản xuất của đồng bào DTTS đã bị sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi thiên tai nên phải bố trí giao đất ở, đất sản xuất bổ sung.
Vì vậy cần phải bỏ cụm từ “lần đầu” để đảm bảo sự công bằng cho người sử dụng đất đã được giao đất trước nhưng chưa đảm bảo về hạn mức và để thống nhất với khoản 1 Điều 118, điểm b khoản 1 Điều 152 trong dự thảo Luật; đồng thời đề nghị xem xét, bổ sung quy định có chính sách giao đất cho đồng bào DTTS có đất sản xuất bị sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi thiên tai vào dự thảo Luật.
Bên cạnh đó, cần quy định bổ sung vào Điều 17 hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí trong các giao dịch liên quan đến chuyển nhượng, thu hồi đất, giải quyết tranh chấp đất đai đối với người dân tộc thiểu số, nhằm đảm bảo cho người người dân tộc thiểu số hiểu, nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình trước khi thực hiện các giao dịch về đất đai và quy định phân cấp cho Chính phủ hướng dẫn các chính sách về đất đai cho đồng bào DTTS, trên cơ sở đó thì Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh mới có căn cứ để quy định cụ thể chính sách về đất đai đối với đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.
Về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất là cộng đồng dân cư người DTTS (Điều 42), tỉnh đề nghị mở rộng quy định cho phép cộng đồng dân cư sử dụng đất được góp vốn bằng quyền sử dụng đất để phát triển kinh tế, tăng thu nhập.
Việc quy định diện tích đất chưa sử dụng vào các mục đích công ích của xã, phường, thị trấn thì Ủy ban nhân dân cấp xã cho cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá để cho thuê (Khoản 3 Điều 173) là chưa phù hợp đối với các tỉnh miền núi; vì vậy, đề nghị chỉnh sửa, bổ sung thành “3. Đối với diện tích đất chưa sử dụng vào các mục đích quy định tại khoản 2 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp xã cho cá nhân tại địa phương thuê để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá hoặc không qua đấu giá để cho thuê. Thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê không quá 05 năm tùy theo mục đích sử dụng đất.
Tiền thu được từ việc cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích phải nộp vào ngân sách nhà nước.”.
Vì trên thực tế, đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi, đặc biệt là các tỉnh Tây Bắc thường có tập quán chung sống với nhiều thế hệ, nếu tổ chức đấu giá để cho các đối tượng này thuê đất công ích để sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản thì sẽ không đảm bảo tính ưu tiên đối với đồng bào DTTS; mặt khác, một số địa phương trên địa bàn tỉnh Lai Châu cũng đã tổ chức đấu giá để cho thuê đất công ích nhưng không có người tham gia, đồng thời số tiền cho thuê đất cũng không đủ để chi phí cho việc tổ chức đấu giá.