Phát triển bền vững

Nỗ lực đưa nước sạch đến với đồng bào vùng cao

Phạm Hoạch 14:28 24/05/2023

(TN&MT) - Sự suy giảm về nguồn nước và những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đã khiến một số khu vực miền núi tỉnh Quảng Ninh bị thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Để giải bài toán nước sạch vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), Quảng Ninh đang triển khai nhiều giải pháp để đưa nước sạch đến với người dân.

Nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu

Quảng Ninh có nguồn tài nguyên nước khá phong phú, bao gồm hồ chứa, sông suối, nước mặt, nước ngầm và nước thải mỏ của ngành Than đã qua xử lý. Theo đánh giá của ngành chức năng, riêng nguồn tài nguyên nước mặt, mỗi năm tỉnh có khoảng 8.146 triệu m3 nước, nguồn nước ngầm có thể khai thác tới 617 triệu m3/năm, tương đương 1,6 triệu m3/ngày đêm.

Tuy nhiên, nguồn nước của tỉnh đang sụt giảm về trữ lượng do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thay đổi chế độ dòng chảy. Rừng thoái hóa cũng làm giảm khả năng giữ, điều hòa nguồn nước. Đặc biệt, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, sự gia tăng dân số và nhu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh, sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng, tình trạng ô nhiễm nguồn nước chưa được giải quyết triệt để cũng làm suy giảm chất lượng, trữ lượng nguồn nước.

anh-qn-02.jpg
Ông  Triệu Sinh An, xã Tân Dân bơm nước từ suối để phục vụ sinh hoạt và sản xuất của gia đình

Ông Trần Mạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh cho biết, hiện, Công ty đang tập trung thực hiện phát triển các tuyến ống dịch vụ để tập trung phát triển khách hàng; đặc biệt tập trung mở rộng cấp nước sang khu vực ven đô thị, nông thôn, nhất là các khu vực khó khăn về nguồn nước tại các xã vùng cao.

Hiện nay, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch trong vùng cấp nước của Công ty đối với khu vực đô thị là 96,14%, còn khu vực nông thôn là 54,5%.

Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND xã Tân Dân, ông Hồ Ngọc Thuỷ cho biết, là xã vùng cao của TP.Hạ Long, với trên 90% dân số là đồng bào DTTS, nhiều năm qua, người dân vẫn sử dụng nguồn nước tự chảy từ các bể chứa, từ khe, suối, nên chất lượng nước khó đảm bảo. Mặc dù trên địa bàn xã có nhiều suối, khe, nhưng vào mùa khô, nguồn nước cạn kiệt, nên ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất của người dân trên địa bàn.

Ông Triệu Sinh An, thôn Đồng Bùng, xã Tân Dân chia sẻ, dù nhà nằm ngay gần con suối lớn, nhưng vào mùa khô, nước suối cạn, gia đình phải dung máy bơm nước từ suối lên bể để cả nhà sinh hoạt và tưới cây. Mong muốn của gia đình cũng như bà con trong xã có một nhà máy cung cấp nước sạch, đảm bảo chất lượng để người dân yên tâm sinh hoạt, sản xuất, ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo.

Đây cũng là tình trạng đang diễn ra tại nhiều xã vùng cao nằm trên địa bàn TP.Hạ Long, nhất là ở các huyện miền núi như Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên...mà tỉnh Quảng Ninh đang tập trung tháo gỡ nhằm đưa nguồn nước về với người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS ở khu vực miền núi, hải đảo.

Nâng tỷ lệ sử dụng nước sạch vùng nông thôn

Quảng Ninh hiện có trên 162.000 người dân là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Thực hiện chủ đề công tác năm 2023, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp thiết thực nâng cao đời sống đồng bào DTTS, miền núi, vùng sâu.

Trao đổi với PV, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, ông Ngọc Thái Hoàng cho biết, nhiệm vụ bảo đảm an ninh nguồn nước là một trong những yếu tố quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm theo Đề án "Đảm bảo an ninh nguồn nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030” của tỉnh Quảng Ninh xây dựng thời gian qua, nhằm nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nguồn nước sạch đạt trên 70% trong năm 2023.


anh-qn-01.jpg
Người dân xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ sử dụng nguồn nước tự chảy từ suối để sinh hoạt hàng ngày

Ba Chẽ là huyện miền núi với số lượng lớn đồng bào DTTS sinh sống tại nhiều khu vực có địa hình phức tạp. Để nâng cao đời sống nhân dân, năm nay, huyện phấn đấu đưa tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch từ 68% lên 72% và 100% hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Ngay từ năm 2019, huyện Ba Chẽ khởi công xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt, sản xuất tập trung cho 4 xã vùng cao là Lương Mông, Minh Cầm, Đạp Thanh, Thanh Lâm, với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%, còn lại do ngân sách huyện cân đối, bố trí. Công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2021, đáp ứng nhu cầu về nước sinh hoạt cho khoảng 14.000 người dân của 4 xã, tạo nguồn nước tưới tiêu cho khoảng 70ha lúa 2 vụ và 20ha màu tại xã Lương Mông, giảm ngập lụt cho vùng hạ lưu, tạo cảnh quan du lịch sinh thái cho vùng dự án nói riêng, huyện Ba Chẽ nói chung.

Ông Triệu Cắm Thành, ở thôn Làng Cổng, xã Đồn Đạc chia sẻ, được sự vận động, cũng như giúp đỡ của chính quyền, gia đình tôi đã đầu tư hơn 3 triệu đồng mua ống dẫn nước từ con suối trên núi và bể chứa nước để có nước phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Từ ngày có đường ống nước tự chảy dẫn về tận nhà, gia đình tôi không mất thời gian đi lấy nước như trước kia, đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.

Thời gian tới, Quảng Ninh cần đẩy nhanh việc triển khai các chính sách hỗ trợ đối với người dân vùng nông thôn, nhất là vùng đồng bào DTTS. Trong đó cần tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thêm các cụm công trình nước sinh hoạt tập trung tại các địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số nhằm giải quyết căn cơ đối với những khó khăn về nước sinh hoạt, ứng phó với biến đổi khí hậu. Cũng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đồng bào nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tuyên truyền người dân sử dụng tiết kiệm, bảo vệ tốt nguồn nước, cũng như giữ rừng tại các khu vực rừng đầu nguồn.

Tỉnh Quảng Ninh hiện có 730 công trình thủy lợi, với 176 hồ chứa nước, 460 đập dâng, 94 trạm bơm phục vụ tưới lúa, cây màu, cây ăn quả và cấp nước cho nuôi trồng thủy sản. Để phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi, thời gian qua các địa phương tăng cường công tác quản lý, khai thác, bảo vệ công trình hồ đập, trạm bơm được giao quản lý, ưu tiên bố trí nguồn ngân sách địa phương để tu bổ, nâng cấp các hồ đập, nhất là ở những nơi thiếu nguồn sinh thủy.

Bài liên quan
  • Nhân lên cánh rừng gỗ lớn tạo sinh kế bền vững
    (TN&MT) - Quảng Ninh hiện có trên 370.000 ha đất có rừng, đứng thứ 18/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 55%. Bằng những chính sách riêng biệt mang tính đột phá đã giúp cho địa phương có bước phát triển rừng bền vững, hình thành cánh rừng gỗ lớn, tạo sinh kế bền vững cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc
Đến năm 2030, phấn đấu 100% đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực về nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra trong thực hiện chính sách dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO