Lên huyện biên giới Bát Xát, nghe đồng bào Dao kể chuyện bảo vệ nguồn nước

Bích Hợp | 11/08/2021, 15:15

(TN&MT) - Người Dao huyện vùng biên Bát Xát (Lào Cai) đã xây dựng một hệ thống luật tục bảo vệ nguồn nước, dựa vào những phong tục tập quán và tín ngưỡng , điều này giúp họ giữ tốt nguồn nước, bởi người dân không dám vi phạm tín ngưỡng của dân tộc mình.

Giữ nguồn nước bằng tín ngưỡng và luật tục

Bên ấm trà nóng, ông Đặng Văn Bình kể cho chúng tôi nghe nhiều điều lý thú về vai trò của nước trong đời sống tâm linh người Dao. Thờ thần nước xuất hiện trong tất cả loại tín ngưỡng cơ bản của người Dao ở Lào Cai, từ tín ngưỡng thờ cúng Bàn Vương, tổ tiên, đến tín ngưỡng cá nhân trong chu kỳ vòng đời của người Dao.

Người Dao quan niệm, nước là nguồn mạch vũ trụ, liên kết các tầng thế giới, duy trì sự sống của con người. Trong sách cổ của người Dao ghi "nước được ban từ trên trời xuống mặt đất và các con sông", bởi vậy, người Dao quan niệm, đáy sông là tầng thứ ba của thế giới, nơi thủy thần ngự trị. Con người khi chết, muốn được về giới tiên phải vượt qua chín suối. Vì vậy, trong ngày làm ma, cắt tang, con cháu dâng lên “om tòi” (bàn thờ tổ tiên) bát nước, tẩy rửa mọi bụi bẩn cho linh hồn người chết.

Người Dao thường làm lễ cúng thần nước ở miếu cầu thần, giữa những khu ruộng bậc thang, cách xa bản, xa miếu thờ Thành Hoàng làng, để cầu xin sự hỗ trợ của thần nước, thần đất, thần nông, phù hộ cho họ đắp đập, đưa nước về sinh hoạt, canh tác thuận lợi.

Người Dao đã được sử dụng nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt hàng ngày

Tục lấy nước đầu năm của người Dao có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục con cháu phải biết bảo vệ gìn giữ nguồn nước, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường để cuộc sống được ấm no hạnh phúc. Người Dao luôn quan niệm phá rừng là phá chỗ ở của thần nước, thần sẽ đi nơi khác, nguồn nước vì thế sẽ mất đi. Chính yếu tố tâm linh đã góp phần tạo nên cách ứng xử của đồng bào với nguồn nước, góp phần bảo vệ nguồn nước bền vững hơn

Người Dao đã xây dựng một hệ thống luật tục bảo vệ nguồn nước, dựa vào những tín ngưỡng tâm linh, điều này giúp họ giữ được tương đối tốt nguồn nước, bởi người dân không dám vi phạm tín ngưỡng của dân tộc mình.

... Một ngày hội của người Dao bắt đầu sau lễ cầu thần nước với những lời ngân vang ngọt ngào của người dân trong bản: Hôm nay ngày cúng chủ nước sông/Dân bản chúng tôi có chút lễ bằng rau/Cùng nhau đến nơi đầu nguồn/Ðể xin thần cho nước, cho mưa.../Có mưa rào, mưa ra gạo lúa/Có mưa rào cuộc sống ấm no/Có mưa rào nguồn nước không cạn/Có mưa rào có nước làm ăn... Và người Dao sẽ bảo vệ được nguồn nước của mình, như những câu ca ngọt ngào, trong mát tựa mạch nước ngầm tuôn ra từ lòng đất.

Niềm vui bên nguồn nước

Mang nước sạch về với thôn bản

Với đồng bào người Dao không có gì quý hơn nước, nước đảm bảo sự sống do đó cần chung tay bảo vệ nguồn ngước, bảo vệ rừng. Tuy nhiên thời gian gần đây do biến đổi khí hậu, do dân số tăng nhanh và sự phát triển ồ ạt của các thuỷ điện khiến cho nước các con suối không còn nhiều, dòng nước cũng không đảm bảo cho sinh hoạt ăn uống hàng ngày nên chính quyền địa phương nơi đây đã nỗ lực đưa nước sạch về với người dân trên địa bàn.

Chính quyền địa phương trên địa bàn Bát Xát (Lào Cai) đã nỗ lực đưa nước sạch về với đồng bào vùng cao

Đã 3 năm rồi gia đình anh Chảo Ông Khé, dân tộc Dao tại xã Phìn Ngan không phải dùng dây để đưa nước từ khe về sinh hoạt nữa, anh Khé chia sẻ: "Trước đây, do địa hình nơi đây dốc, sông, suối ngắn cho nên mùa mưa lũ thì nước lũ chảy mạnh, mùa khô thì nhanh cạn kiệt. Trong khi đó, hầu hết đồng bào Dao chúng tôi đều sử dụng nước từ các khe, suối để sinh hoạt. Nguồn nước này vừa không bảo đảm vệ sinh, vừa thường xuyên khan hiếm về mùa khô. Nhiều nơi bà con phải đi rất xa mới lấy được nước về dùng. Nhờ Nhà nước đầu tư công trình cấp nước sạch, gia đình tôi có nước thoải mái để dùng không còn sợ mưa lũ trôi mất đường ống hay nước suối cạn không có nước để dùng. Giờ ăn uống thì dùng nước sạch còn trồng cấy chúng tôi mới dùng nước khe, nước suối".

Cũng giống như gia đình anh Khé tại Phìn Ngan gia đình bác Đặng Văn Bình ở thôn Tả Trang, xã Quang Kim, Bát Xát cũng là một trong những gia đình dùng nước sạch từ nhiều năm nay, bác Bình chia sẻ: "Có nước sạch để dùng thấy sức khoẻ cũng được nâng nên. Trước kia dùng nước khe kéo về nhà, nhưng những ngày mưa dòng nước đục ngầu, không dùng thì không có nước ăn mà dùng thì sợ lại mang bệnh vào người, giờ thì an tâm rồi. Hồi mới có nước do tâm lý sợ mất tiền mua nước nhiều hộ không dùng mà dùng nước suối, nhưng thấy hay mắc các bệnh như đau mắt, tiêu chảy nên sợ không dùng nước suối nữa".

Những con suối trong các bản người Dao luôn chảy bởi người Dao có hẳn các luật tục giữ rừng, giữ nước

Trao đổi với chúng tôi ông tẩn Láo Tả, Bí thư xã Phìn Ngan cho biết, xã Phìn Ngàn hiện tại có 98% là người dân tộc Dao sinh sống. Đến thời điểm hiện tại, đã có 90% dân số trong xã được sử dụng nước sạch, còn 10% chưa có nước sạch là do nơi ở quá xa nên việc đưa nước sạch về khó khăn. Trong thời gian tới xã sẽ cố gắng nỗ lực để 10% người dân con lại được sử dụng nước sạch.  

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện Bát Xát, hiện tại huyện có 115 công trình cấp nước sinh hoạt đang hoạt động. Để các công trình cung cấp nước sạch phát huy hiệu quả lâu dài, ngay sau khi hoàn thành các hạng mục của công trình, Ban Quản lý dự án huyện đã bàn giao cho chính quyền các xã đưa vào sử dụng, ký cam kết, hợp đồng đảm bảo về chất lượng công trình giữa nhà thầu và đơn vị tham gia giám sát, đồng thời xây dựng kế hoạch duy tu, hệ thống bể chứa và bảo dưỡng đường ống dẫn nước hàng tháng, đặc biệt là vào thời điểm mùa mưa, gia cố những điểm có nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng tới công trình.

Mục tiêu đến năm 2025 của Bát Xát là tỷ lệ cấp nước sinh hoạt nông thôn hợp vệ sinh đạt 97%, trong đó 50% được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Để đạt được điều này, Bát Xát đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó tăng cường thông tin, truyền thông đối với quản lý, khai thác công trình, nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể và người dân về ý thức bảo vệ công trình cấp nước sinh hoạt, bảo vệ chất lượng nước, sử dụng nước tiết kiệm gắn với xây dựng nông thôn mới.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bát Xát sẽ tập trung nâng cấp, sửa chữa và quản lý vận hành, bảo dưỡng công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn để duy trì ổn định các công trình hiện có, tăng tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc
Đến năm 2030, phấn đấu 100% đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực về nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra trong thực hiện chính sách dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO