(TN&MT) - Giữa không gian hoàng hôn mênh mang núi đồi Tây Bắc, tuyến Quốc lộ 4H Mường Nhé – Điện Biên như tấm vải lụa đen lĩnh vắt giữa đại ngàn, mượt một màu xanh thi thoảng bật lên những bông hoa chuối rừng đỏ rực rỡ. Tất thảy thật hoang sơ và hùng vĩ… bỗng nổi lên bãi đất nâu gụ, những luống đất vồng lên thẳng tắp xanh bạt ngàn trổ hoa vàng vắt trên những thanh sặt. Một đồng nghiệp đi cùng hỏi: “Đồng bào trồng gì nhỉ?” – “Hình như là bí...” – “Đúng rồi bí xanh. Đến Chà Nưa rồi nhé!”.
* Đảng viên đi trước…
Chúng tôi cho xe chậm lại, đỗ ngay sát lề đường để xuống ghi hình ruộng bí. Em gái tên Khiệm, Khoàng Thị Khiệm, người bản Nà Cang, là người dân tộc Thái (thuộc ngành Thái trắng) ở Chà Nưa, đang cắt tỉa những mầm bí xanh để cho bí nuôi thân. Khiệm bảo: Đây là vụ bí xanh đầu tiên của gia đình em trồng trên đất lúa 1 vụ. Năm trước, người dân trong xã Chà Nưa trúng vụ bí, nên vụ này gia đình em học kỹ thuật làm theo. Bây giờ bí đương thì phát triển đẻ nhánh, đơm hoa.
Rồi Khiệm chỉ cho chúng tôi đường đến UBND xã Chà Nưa. Một xã được đánh giá là có đội ngũ cán bộ đảng viên luôn đi trước những phong trào xóa đói giảm nghèo mà ở đó toàn bộ là người đồng bào dân tộc thiểu số. Bí thư Đảng ủy xã là người tiên phong trong phong trào… rồi đến tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ, trưởng các ban, ngành đoàn thể xã…
Chính Ngọ, chúng tôi có mặt tại Chà Nưa. Bí thư Đảng ủy xã Khoàng Văn Van bắt tay thật chặt rót nước mời chúng tôi. Vì là từ xa đến, nên Bí thư xã rất chu đáo mời chúng tôi vừa trò chuyện vừa dùng bữa. Ông Van bắt đầu câu chuyện bằng lời giới thiệu sơ bộ: Xã Chà Nưa thuộc huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên có 6 bản, 100% là người dân tộc thiểu số. Có 82% là người Thái (thuộc ngành Thái trắng), 12,7% là đồng bào dân tộc Mông và một số dân tộc khác.
Bí thư xã Khoàng Văn Van, dáng người nhỏ, tướng mạo tinh anh, hoạt ngôn. Anh kể: “Mô hình bí xanh ở Chà Nưa bắt đầu từ cá nhân tôi, rồi đến các đồng chí trong Ban chấp hành Đảng bộ xã, rồi đến trưởng các đoàn thể… với phương châm “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”.
Năm 2022 là vụ đầu khoảng 25 hộ với diện tích 3,5ha. Cán bộ xã trồng là chủ yếu, người dân còn e ngại nên tham gia rất ít. Năm đó, sản lượng đạt 88 tấn/ha. Giá bí xanh bình quân lúc đắt bù lúc rẻ khoảng 6.000đ – 7.000đ/kg. “Vụ đầu, chúng tôi cắt bí đến đâu, đơn vị thu mua đứng đầu bờ cân hết, không lọt quả nào ra ngoài”.
Từ khởi đầu thuận lợi ấy, bà con phấn khởi tham gia nhiều hơn, gia đình tôi năm nay cũng tăng diện tích lên 1,1ha. Có vườn kỹ thuật chăm tốt đạt sản lượng 100 tấn/ha, số tiền bà con có được cũng kha khá. Và quan trọng nhất là Chà Nưa bây giờ không còn tình trạng để đất hoang cho cỏ dại mọc. Hầu hết diện tích đất lúa 1 vụ được người dân tận dụng hết… Người dân còn biết thu mua phân chuồng để bón cho bí… Đó là dấu hiệu của sự đổi thay trong sản xuất nông nghiệp – Anh Van nói.
Ngồi kế bên tôi, Chủ tịch UBND xã Thùng Văn Ánh tiếp: Giai đoạn đầu, chúng tôi phải nhờ anh Bình ở huyện Mường Nhé hướng dẫn kỹ thuật. Có lần anh ấy sang huyện chúng tôi. Có lần chúng tôi đến chỗ anh ấy xin tư vấn kinh nghiệm, còn chủ yếu trao đổi qua điện thoại, hễ ruộng bí gặp vấn đề là lại hỏi ngay. Đến vụ này, chúng tôi và người dân có thể làm chủ được kỹ thuật chăm sóc. Và thứ 7 tuần này xã chúng tôi sẽ lại cắt lứa bí đầu tiên của vụ bí năm nay.
Đơn vị thu mua đã thông báo từ 3 ngày trước. Bà con đang chuẩn bị nhân lực, nông cụ chuẩn bị thu hoạch. Những gia đình chưa có sản phẩm thì đi thu hoạch thuê cho những hộ thu hoạch chà này, ngày công khoảng 200 nghìn đồng/người/công.
Chủ tịch UBND xã Thùng Văn Ánh bảo, Đảng ủy xã đã quyết định đưa vào trong Nghị quyết Đảng bộ xã khóa này phát triển diện tích bí xanh lên đến khoảng 20ha là dừng. Vì để đảm bảo an ninh lương thực nên bà con vẫn phải giữ nguyên diện tích lúa nước hiện có là 62ha (lúa 2 vụ) và 147ha (lúa 1 vụ).
…làng nước theo sau”, cùng nhau thoát nghèo
Trước những cách làm và thành quả của những cán bộ, đảng viên gương mẫu của Chà Nưa, đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương vô cùng tin tưởng. Họ tin tưởng không chỉ ở những điều cán bộ, đảng viên nói mà họ nhìn vào cách mà cán bộ, đảng viên làm.
“Không bài thuyết trình nào chinh phục hay hơn bài học từ thực tế, từ những việc mà cán bộ, đảng viên xã tôi từng làm để giúp dân xóa đói giảm nghèo. Thấy vụ bí xanh năm trước mang lại thu nhập ổn định, năm nay gia đình tôi theo họ trồng 1ha trên đất nương lúa 1 vụ. Mọi kỹ thuật chăm bón, chăm sóc cây, bắc giàn và thu hoạch đều học từ các gia đình là cán bộ, đảng viên trong xã” - Ông Thùng Văn Nghiệm, bản Nà Cang, xã Chà Nưa chia sẻ.
“Vụ bí xanh mới năm nay, không chỉ có hộ gia đình anh Nghiệm, còn có cả gia đình tôi và nhiều gia đình người Thái ở bản Nà Ín, Nà Sự cùng tham gia…”, một người nông dân khác tên Tao Văn Thành, bản Nà Sự nói.
Sau khi vụ đầu trúng vụ, người dân Chà Nưa bắt đầu tin tưởng mô hình trồng bí xanh trên đất lúa 1 vụ, đưa diện tích bí xanh vụ đầu từ 3,5ha tăng lên 7,8ha vụ sau và có khoảng 40 hộ tham gia vào mô hình.
Ngoài diện tích bí xanh được triển khai trồng mới trên đất Chà Nưa, những cây trồng quen thuộc mang đậm chất bản địa như: Sa nhân, quế, sắn… đều được Chà Nưa quy hoạch rõ từng vùng, từng bản, từng hộ gia đình. Tùy thuộc vào diện tích đất, vị trí đất, số nhân lực tham gia lao động của mỗi nhà mà bố trí trồng những loài cây phù hợp.
Bí thư Đảng ủy Van giơ ngón tay nhẩm tính: Năm nay sa nhân được mùa, được giá tăng vọt lên đến 65.000đ, 68.000đ/kg quả tươi. Các hộ như nhà ông Phong, ông Chiêu thu được mấy chục triệu đồng/vụ sa nhân, chưa kể tiền bán bí, tiền nhận hỗ trợ từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng… Đời sống của người dân từ đó mà khấm khá. Nếu cứ đà này, tỷ lệ hộ nghèo của Chà Nưa sẽ chỉ còn 1 vài hộ.
Nhưng Chà Nưa sẽ không dừng ở đó, lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền xã còn phấn đấu thực hiện chủ trương phát triển du lịch. Hiện nay, có điểm du lịch cồng đồng bản Nà Sự đã được hình thành từ cuối năm 2022 đến nay đang đón khách khoảng 5.282 lượt khách mỗi năm. Ngoài ra, còn phải tính đến việc cải tạo những vườn tạp, để đưa những giống quả ngon, chất lượng tốt, vào ghép mắt, ghép cành… mục đích cuối là để đồng bào các dân tộc thiểu số ở Chà Nưa được thoát nghèo một cách bền vững.
Đoạn Bí thư Van hai tay ôm gối nói chắc như đinh: Muốn làm được trước tiên đồng bào phải chủ động, phải có động lực, động cơ, nhu cầu muốn thoát nghèo… Chứ trông chờ ỷ nại thì sẽ rất khó khăn. Mà muốn bà con nghe theo và làm theo thì các cán bộ, đảng viên phải là người làm trước. Và quan trọng, muốn giảm nghèo bền vững thì phải nỗ lực rất lớn.
Chia tay Bí thư Đảng ủy xã Khoàng Văn Van và Chủ tịch xã Thùng Văn Ánh cùng những người nông dân chất phác trong cái bắt tay bịn rịn và hẹn ngày tái ngộ, chúng tôi ra về thầm cầu chúc cho Chà Nưa một vựa bí xanh được mùa, được giá. Ven đường về, thiếu nữ Thái địu con vẫy tay, tiếng cười con trẻ giòn tay theo nhịp tay vẫy, ánh nắng chiều muộn rơi xuống vạt đồi thật nhẹ… Chà Nưa bình yên và thơ mộng. Tôi tin rằng Chà Nưa rồi đây sẽ đổi thay..!
Đến nay, toàn xã Chà Nưa có 673 hộ, tỷ lệ hộ nghèo còn 5,1%. Đây cũng là con số đáng mơ ước của nhiều xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc
thiểu số của tỉnh Điện Biên. Chà Nưa cũng là xã về đích nông thôn mới sớm nhất của huyện Nậm Pồ (năm 2018, sớm hơn so với Nghị quyết Đảng ủy xã đề ra 2 năm). Thu nhập bình quân của Chà Nưa là 34,1 triệu đồng/người/năm. Năm 2023 phấn đấu đạt 46 triệu đồng/người/năm.