Hiến đất lập làng Quảng Nam - chuyện cổ tích giữa rừng già

Lan Anh | 21/10/2021, 07:07

(TN&MT) - Sau trận mưa núi kéo dài từ chiều hôm trước, khu dân cư mới thôn Achoong (xã Ch’Ơm, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) được đón những tia nắng sớm từ đỉnh Trường Sơn hùng vĩ. Nơi này, là vùng đất định cư của đồng bào Cơ Tu, giáp biên với nước bạn Lào, được hình thành khi Amế (Mẹ) Tơ Ngôl Chín hiến hơn 20.000 m2 đất để định cư, lập làng.

Chuyện cổ tích giữa rừng già

Sớm mai, khu tái định cư Achoong, xã Ch’Ơm, Tây Giang như một vùng bình nguyên xanh thẳm giữa rừng.  Làng có 32 hộ dân, 132 nhân khẩu, 100% là người Cơ Tu. Có một điều lạ, dù ở nơi “cổng trời” vùng biên giới Việt - Lào nhưng cuộc sống ở đây lại rất no đủ. Làng không chỉ đẹp bởi cảnh sắc thiên nhiên mà còn đẹp ở tình người.

Có rất nhiều câu chuyện về sự đoàn kết, chung tay, góp sức của từng người nơi đây. Bà con giúp nhau mọi việc từ làm nhà đến làm kinh tế, hỗ trợ nhau lương thực thực phẩm, chia sẻ từng miếng cơm manh áo. Hay như câu chuyện toàn bộ diện tích đất làng, xây dựng trường học, bệnh xá… đều do bà con địa phương hiến tặng, cùng góp thêm ước vọng cho miền non cao khởi sắc.

Làng Achoong được xây dựng lên từ phần đất hơn 20.000 mét vuông do Amế Chín hiến tặng.

Tiếp chúng tôi trong gươl (nhà sinh hoạt cộng đồng), trưởng thôn trẻ tuổi Alăng Lơ (35 tuổi) vui vẻ nói, từ khi ổn định chỗ ở bà con đã bắt đầu có khát vọng vươn lên thoát nghèo. Từ đó, có rẫy, có ruộng, có nhà Gươl, đủ gạo ăn quanh năm, cuộc sống của người dân vùng cao biên giới thay đổi hẳn.

Alăng Lơ kể, trước đây, bà con ở làng đều sinh sống rải rác trên sườn dốc, dọc con suối tách lập với bên ngoài, luôn phải đối diện với nguy cơ sạt lở. Mà Amế (mẹ) Tơ Ngôl Chín là người đầu tiên hiến tặng với hơn 20.000 m2 để lập nên làng Achoong này. “Bà con trước đây khổ lắm, lang bạt khắp rừng cao núi thẳm để tìm đất sản xuất.  Bây giờ, trên mảnh đất của của A mế Chín hiến tặng đã được người dân xây dựng những ngôi nhà khang trang, đường sá đi lại thuận lợi và cuộc sống của người dân nới đây được cải thiện rất nhiều. Đây thật sự như là một câu chuyện cổ tích ở huyện miền núi Tây Giang chúng tôi!”.”- Alăng Lơ tự hào.

Dẫn chúng tôi đến thăm nhà nhỏ nhưng khang trang của Amế Chín nằm ở cuối khu tái định cư. Amế Chín đang lúi húi trong gian bếp chuẩn bị cho bữa trưa. Khi chúng tôi hỏi “Amế có thấy tiếc khi hiến tặng nhiều diện tích đất vậy không?” mế cười, khuôn mặt khắc khổ của người phụ nữ vùng cao như giãn ra :“Ôi, tiếc gì đâu con. Đất nhiều cũng để làm gì đâu. Hiến đất cũng là để có được nơi ở mới ổn định cho con cháu, cho dân làng sau này. Thời Amế đã khổ rồi, bây giờ phải khác xưa chứ! Amế muốn người dân có một cuộc sống ổn định, không phải chịu cảnh lang bạt nay đây, mai đó cùng với nỗi lo núi lở nữa”.

Bà Tơ Ngôl Chín khoe giấy chứng nhận ghi công hiến đất lập làng.

Từ trên nhà, người con trai của Amế -  Alăng Nhun góp lời: Bây giờ ngoài mảnh vườn nhỏ cùng diện tích nhà đất để ở, nhà không còn khu đất nào nữa. Nếu còn đất, Amế bảo cũng sẽ hiến để mở rộng thêm không gian làng!

Đổi thay nơi vùng cao

Còn nhớ, mùa mưa năm 2000, cả làng rời rẫy, rời “duông” (nhà dựng trên rẫy) để về khu tái định cư chung sức dựng làng Achoong. Tin vui như gió lành ào qua rừng thẳm đến với người dân. Từ nhiều nóc, cách nhau cả quả đồi gọi không nghe tiếng, bà con được về dựng nhà thành vòng tròn lớn, đầu làng là một khoảng sân rộng và nhà Gươl lớn cho trẻ chơi đùa, đá bóng, đạp xe, cũng là nơi bà con tụ tập những ngày lễ hội, ngày Tết. Những khoảng đất trống nơi ở cũ gần nguồn nước được cải tạo thành ruộng trồng lúa. Rồi những rẫy sắn, nương ngô được quy hoạch thành những đồi cây cao-su. Khi người dân dựng nhà mới xong, cũng là lúc huyện "đưa" đường ô-tô về tận nơi, rồi lần lượt hệ thống điện chiếu sáng, nước tự chảy, trường học, trạm y tế... mọc lên. Ðời sống người dân Achoong khá hẳn lên.

Các tuyến đường dẫn đến khu tái định cư Achoong huyện vùng cao Tây Giang được bê tông hóa, ô tô vào tận nơi.

Là một trong số 32 hộ dân dựng nhà trên đất làng mới do Amế Chín hiến tặng, Tơ Ngôl Nhang (33 tuổi, ở thôn Achoong), không giấu được niềm vui khi kể về cuộc sống mới ở nơi này. Nhang cưới vợ sớm nhưng không có đất riêng, phải sống chung với bố mẹ cùng đàn em trong căn nhà nhỏ chỉ vài chục mét vuông ở sườn núi. Nhiều lần mưa lớn, đất lở vào sát vách, anh và người thân chỉ biết cõng nhau đi nơi khác lánh nạn. Kể từ khi về sống ở khu tái định cư rộng rãi, gia đình sinh hoạt thoải mái hẳn.

“Năm ngoái nghe tin lở núi ở nhiều nơi vùng cao Quảng Nam vùi lấp nhiều nhà dân, bà con ở đây sực nhớ lại cảnh mình từng sống ở những triển đồi mà không khỏi kinh sợ. Bây giờ người dân ở Achoong đã yên tâm làm ăn. Chúng tôi xem gia đình Amế Chín như ân nhân của làng”, Nhang trải lòng.

Những ngôi nhà bê tông khang trang ở khu tái định cư Achoong.

Ông Pơloong Nhiêu, Phó bí thư Đảng ủy xã Ch’Ơm, vui mừng chia sẻ: suốt hành trình vươn lên của huyện, nhờ phát huy hiệu quả tính cộng đồng, huy động sự chung tay của từng người, của từng làng bản, những đổi thay đáng mừng của vùng biên hôm nay đều in dấu những đóng góp của bà con. “Cả chính quyền lẫn người dân đều biết ơn tấm lòng thơm thảo của bà Chín. Nhờ bà mà làng mới nay đã hình thành, ổn định trên một mặt bằng rộng lớn, đảm bảo điều kiện đất ở cho đồng bào vùng biên này. Và đặc biệt hơn, người dân không còn lo sợ, ám ảnh bởi tình trạng sạt lở khi mùa mưa về nữa”, ông Nhiêu nói.

Giờ đây, các tuyến đường dẫn đến những khu dân cư tập trung trên vùng đất bằng phẳng ở huyện vùng cao Tây Giang dần được bê tông hóa. Nhà ở của đồng bào đã được xây dựng khang trang, diện mạo miền núi có nhiều thay đổi. Đáng mừng là sau khi về ở những khu tái định cư, cuộc sống đồng bào đã còn không còn thấp thỏm sạt lở đất, lũ quét đe dọa như trước. Có được điều này, một phần nhờ vào sự đóng góp và tình nguyện hiến đất của chính đồng bào vùng cao.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO