Chuyên đề: Bảo vệ tài nguyên – môi trường trên rẻo cao Tây Bắc: Bài 4: Tạo đột phá trong quản lý khoáng sản chưa khai thác – Nhìn từ Sơn La

Nguyễn Nga | 27/03/2023, 11:13

(TN&MT) - Theo danh mục Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vạt liệu xây dựng thông thường tỉnh Sơn La đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Sơn La có hơn 150 điểm mỏ đã được đưa vào quy hoạch. Những năm qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, nhất là khoáng sản chưa khai thác.

Chủ động kiểm tra, xử lý vi phạm

Là địa phương có nhiều sông, suối, được bồi đắp trữ lượng cát, sỏi làm VLXD thông thường, thời gian qua, trên địa bàn huyện Mường La vẫn còn tình trạng một số đối tượng lợi dụng các khu vực vùng sâu vùng xa, đêm tối để tiến hành khai thác, vận chuyển cát trái phép.

a1(1).jpg

Sơn La triển khai ký cam kết giữa chủ các giấy phép khai thác khoáng sản với Chủ tịch UBND tỉnh về thực hiện nghiêm quy định về đất đai, khoáng sản, BVMT.

Ông Dương Xuân Nam, Trưởng phòng TN&MT huyện Mường La cho biết: Đối tượng khai thác chủ yếu là các hộ dân địa phương để làm đường, xây dựng nhà ở, quy mô nhỏ lẻ. UBND huyện đã triển khai ký cam kết giữa Chủ tịch UBND các xã, thị trấn với Chủ tịch UBND huyện về giao ước thi đua, tăng cường vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp xã trong quản lý, bảo vệ khoáng sản.

Căn cứ vào mức độ các vụ việc vi phạm sẽ tiến hành xử lý trách nhiệm của Chủ tịch UBND các xã, thị trấn khi để xảy ra hiện tượng khai thác, vận chuyển, tập kết khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý.

Đồng thời, kiện toàn Đoàn kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm thăm dò, khai thác, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản trái phép; yêu cầu UBND các xã Ngọc Chiến, Chiềng Lao, Hua Trai tăng cường quản lý, bảo vệ khoáng sản, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi khai thác trái phép. Trong năm 2022, đã phát hiện, xử lý 15 đối tượng liên quan đến buôn bán, vận chuyển cát, sỏi trái phép.

Tại Mai Sơn – địa phương trọng điểm với nhiều khu vực tiềm ẩn nguy cơ khai thác khoáng sản trái phép. Đối tượng vi phạm chủ yếu là hộ gia đình, đồng bào DTTS, đời sống bà con còn nhiều khó khăn, thiếu đất sản xuất nên vào thời điểm nông nhàn, đã đào bới ở các diện tích đất nương, vườn của hộ gia đình để tìm khoáng sản.

Do đó, cùng với việc tăng cường kiểm tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm, Mai Sơn luôn xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân về hệ lụy của việc khai thác trái phép đối với an ninh trật tự, ô nhiễm môi trường, thất thoát nguồn tài nguyên.

Vận động nhân dân chấp hành nghiêm các quy định pháp luật, không tiếp tay cho các hành vi vi phạm. Có định hướng phát triển các mô hình kinh tế phù hợp để nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm bền vững cho bà con. Nhờ đó, đến cuối năm 2022, công tác quản lý đất đai, khoáng sản tại địa phương này đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Qua báo cáo từ các huyện, thành phố, năm 2022, toàn tỉnh vẫn ghi nhận một số vị trí khai thác cát, sỏi trái phép, chủ yếu ở địa bàn huyện Sông Mã, Mường La, Bắc Yên, Mộc Châu. Lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử phạt 26 vụ khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, tổng tiền phạt hơn 1,7 tỷ đồng.

a3.jpeg

Đẩy mạnh kiểm tra, “dẹp” hoạt động khai thác cát sỏi trái phép.

Phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của nhân dân

Theo lãnh đạo Sở TN&MT, từ năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; giao Sở TN&MT chủ trì tổ chức các hoạt động thanh, kiểm tra, tuyên truyền phổ biến pháp luật cho tổ chức, cá nhân khu vực có khoáng sản để kịp thời ngăn chặn vi phạm. Ban hành Quy chế phối hợp trong quản lý cát sỏi với các tỉnh giáp ranh gồm Hòa Bình, Lai Châu, Điện Biên.

Đặc biệt, từ năm 2021 đến nay, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai ký cam kết giữa Chủ tịch UBND các huyện, thành phố với Chủ tịch UBND tỉnh; giữa các Chủ đầu tư hoạt động khoáng sản với Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Sở TN&MT đã thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các huyện, thành phố rà soát, triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác.

Nhờ đó, ý thức, nhận thức pháp luật về khoáng sản của các tổ chức, cá nhân đã được nâng lên rõ rệt. Đã có sự phối hợp tích cực giữa các cấp, các ngành, tổ chức chính trị xã hội và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quản quản lý nhà nước, cơ quan thực thi pháp luật tại địa phương. Người dân cũng có ý thức hơn trong việc giữ gìn, bảo vệ khoáng sản tại địa phương đang cư trú.

a2.jpeg

Công tác bảo vệ tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Để tiếp tục tạo chuyển biến trong quản lý nhà nước về khoáng sản, Sơn La đã đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, đẩy mạnh phổ biến tuyên truyền đến mọi tầng lớp nhân dân chung tay tham gia quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

Phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của người dân trong việc phát hiện, tố giác các hành vi sai phạm. Giao chính quyền các địa phương nắm chắc địa bàn, tăng cường phối hợp để đẩy mạnh kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thi hành pháp luật về khoáng sản, kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ngay khi mới phát sinh. 

Ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở TN&MT cho biết: Sở TN&MT đang tiếp tục phối hợp với các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố đẩy mạnh CCHC, rút ngắn thời gian thẩm định để sớm tham mưu trình UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường, không để khan hiếm vật liệu, góp phần bình ổn giá cả thị trường.

Đồng thời, đề nghị các huyện, thành phố tiếp tục tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm khai thác khoáng sản trái phép. Đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư có nhu cầu cấp phép khai thác khoáng sản làm VLXD thông thường, đề xuất với Sở TN&MT tổ chức đấu giá các điểm mỏ đã được quy hoạch.

Rà soát, nghiên cứu, tham mưu điều chỉnh quy chế hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo hướng tăng cường trách nhiệm của các Sở, ngành, cấp huyện, xã. Rà soát, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản và tổ chức cấp giấy phép đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, đáp ứng yêu cầu trước mắt và lâu dài.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Vui tết Độc lập trên rẻo cao Tây Bắc
(TN&MT) - Đến với những bản làng của đồng bào dân tộc Mông tại tỉnh Sơn La những ngày này, đâu đâu cũng thấy không khí rộn rã trước ngày hội lớn. Trong những năm gần đây, với đa dạng các hoạt động vui đón Tết, Tết Độc lập không chỉ là ngày hội của bà con dân tộc Mông, mà đã thu hút đông đảo bà con các dân tộc Thái, Mường, Kinh, Dao, Khơ Mú... ở các địa phương trong, ngoài tỉnh cùng về chung vui.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO