Phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc của 20 dân tộc Lai Châu

Chanh Nguyễn | 22/03/2023, 14:31

(TN&MT) - Với 20 dân tộc, trên 86% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, bức tranh văn hóa tỉnh Lai Châu có sự phong phú, đa dạng đồng thời mang những nét đặc trưng của từng dân tộc. Làm thế nào để khai thác thế mạnh này cho phát triển kinh tế - xã hội đồng thời gìn giữ, bảo tồn nét đặc sắc ấy và đưa hình ảnh, văn hóa các dân tộc Lai Châu đến bạn bè, du khách bốn phương?

Ông Trần Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu đã dành cho Báo Tài nguyên và Môi trường một buổi trò chuyện thú vị xung quanh những vấn đề trên.

PV: Thưa ông, điều gì làm nên bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc Lai Châu?

Ông Trần Mạnh Hùng: - Đó chính là sự phong phú về các dân tộc với nền văn hóa đa dạng, nhiều nét đặc trưng. Trong số 20 dân tộc sinh sống tại Lai Châu thì có một số dân tộc chỉ có ở Lai Châu như: Mảng, La Hủ, Si La… Mỗi dân tộc mang một bản sắc khác nhau và chính điều này đã tạo nên một bức tranh đa sắc màu. Không chỉ thế, tính tự thân trong văn hóa các dân tộc, văn hóa của các dân tộc Lai Châu vô cùng phong phú, đa dạng thể hiện qua nhiều loại hình, lĩnh vực như: Kiến trúc, trang phục, lễ hội, phong tục tập quán, nghệ thuật trình diễn dân gian, ẩm thực...

pgd-svh-lc-hung.jpg
Ông Trần Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu

Mỗi loại hình di sản văn hóa thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của mỗi dân tộc, chứa đựng yếu tố độc đáo, riêng có được hình thành, hun đúc, trao truyền qua nhiều thế hệ, gìn giữ, bảo tồn, phát huy trong đời sống cộng đồng. Cho đến nay, bản sắc văn hóa của 20 dân tộc trong đó sự phong phú, đa dạng, nét riêng có trong văn hóa truyền thống của mỗi dân tộc chính là điểm nhấn tạo nên sự khác biệt của văn hóa Lai Châu.

Ngoài ra, tỉnh Lai Châu có 5 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đều là các nét văn hóa đặc trưng tiêu biểu của các dân tộc. Đó là: Nghệ thuật múa Xòe; trò chơi kéo co của dân tộc Thái; lễ Tủ Cải của dân tộc Dao; lễ hội Gầu Tào của người H’Mông và Nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Lự. Bên cạnh đó, Di sản hát Then của dân tộc Thái đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

PV: Sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, các vùng miền tạo nên sự đa dạng văn hóa… Điều này được phát huy như thế nào trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?

Ông Trần Mạnh Hùng: - Ở Lai Châu, khi nhắc đến người Thái là nói đến văn hóa Mường So (huyện Phong Thổ), nói đến người Lự là nghĩ đến vùng Bình Lư (huyện Tam Đường) và nói đến người Hà Nhì, La Hủ, Si La…là nói đến Mường Tè. Điều này thể hiện rõ về địa vực cư trú cùng nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc.

Như tôi đã nói ở trên, Lai Châu là tỉnh miền núi có 20 dân tộc anh em cùng sinh sống với hơn 86% là người dân tộc thiểu số đã tạo nên một kho tàng đồ sộ về văn hóa vật thể và phi vật thể như hát Then, các điệu xòe, lễ hội Then Kin Pang, lễ hội Nàng Han, lễ hội Gầu Tào, lễ Cấp sắc… Lai Châu còn là vùng đất cổ có nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 21 di tích đã được xếp hạng. Đây chính là những nét văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tạo nên nét đặc trưng riêng của mỗi vùng miền.

20-dan-toc-lc-min.jpg
Lai Châu - nơi quần tụ 20 dân tộc 

Những năm qua, tỉnh Lai Châu đã từng bước chỉ đạo phục dựng, duy trì các lễ hội của các dân tộc tại các địa phương; các trò chơi, trò biểu diễn dân gian trong các Lễ hội, các làn điệu dân ca được khôi phục, tái tạo, cải biên, đặt lời mới đã đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của nhân dân. Tại các lễ hội, đông đảo Nhân dân, du khách cùng tham dự, dù là đồng bào H’Mông, Dao, Hà Nhì hay Lự… thì đều cùng hòa mình vào đó, thêm trân trọng giá trị văn hóa truyền thống, từ đó có trách nhiệm để cùng góp phần bảo tồn văn hóa của dân tộc mình.

Cùng với đó, các chương trình nghệ thuật được xây dựng kể cả chuyên nghiệp và quần chúng đều được phát triển trên nền văn hóa dân gian truyền thống của các dân tộc trong tỉnh; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, góp phần nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc biết tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, đạo đức, phong tục tốt đẹp của mình, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tích cực. Khuyến khích việc duy trì những phong tục tập quán lành mạnh của các dân tộc; phục hồi và phát triển các nghề thủ công truyền thống có giá trị tiêu biểu. Khơi dậy sức sáng tạo chủ động của Nhân dân trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa trong thời kỳ mới...

Hằng năm trên cơ sở nguồn ngân sách địa phương, các huyện và thành phố luôn ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện nhiệm vụ bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc cư trú thành cộng đồng gắn với giữ vững ổn định chính trị, tăng cường đoàn kết, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, trong đó tập trung ưu tiên bảo tồn các lễ hội, các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tiếng nói, chữ viết, ẩm thực, trang phục, nghề thủ công truyền thống tiêu biểu, các di sản đã được ghi danh là di sản văn hóa đại diện của nhân loại, các di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng, duy trì, phát triển các đội văn nghệ quần chúng ở cơ sở...

non-ha-nhi.jpg
Phụ nữ dân tộc Hà Nhì với chiếc nón tượng trưng

PV: Khi nói đến văn hóa của người vùng cao nói chung, đồng bào các dân tộc nói riêng thì không thể không nhắc tới các lễ hội. Vậy, tỉnh Lai Châu đã làm gì để gìn giữ, bảo tồn và phát huy những lễ hội truyền thống của đồng bào?

Ông Trần Mạnh Hùng: - Những năm qua, nhiều giá trị văn hóa truyền thống, những phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc ở Lai Châu như các lễ hội tín ngưỡng dân gian, hội thi liên hoan văn hóa các dân tộc; tiếng nói, chữ viết, trang phục, các nghề thủ công truyền thống, các trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ... đã và đang được Lai Châu bảo tồn, phát triển.

Để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị tốt đẹp của lễ hội truyền thống của các dân tộc, trong thời gian qua tỉnh Lai Châu đã ban hành một số nghị quyết, quyết định, kế hoạch có nội dung liên quan đến công tác phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị đối với lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 17/02/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 59/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định một số chính sách hỗ trợ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định 562/QĐ-UBND ngày 17/5/2021 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề án “bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến 2030”. Trong đó, hỗ trợ phục dựng 02 lễ hội, hỗ trợ duy trì 35 lễ hội thường niên các dân tộc.

Tỉnh Lai Châu gắn công tác bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc với phát triển du lịch, góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh thiên nhiên, con người Lai Châu đến với du khách trong và ngoài nước; góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ đổi mới.

PV: Không chỉ lễ hội, mà không gian sống, trang phục truyền thống, tập quán canh tác… là những điều tạo nên bản sắc của mỗi dân tộc. Nhưng điều đó đang bị ảnh hưởng không nhỏ bởi cuộc sống hiện đại. Người ta đang lo ngại, những nét đẹp văn hóa này đang bị mai một, dần mất đi. Ông nghĩ sao về điều này?

Ông Trần Mạnh Hùng: - Điều mà cộng đồng các dân tộc và cơ quan quản lý văn hóa hiện nay đang lo lắng đó chính là sự tác động của cuộc sống hiện đại đến các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc. Như chúng ta đã thấy, sự tác động, ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, vấn đề môi trường tự nhiên, môi trường xã hội... đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân nói chung, cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu nói riêng. Trong đó các giá trị văn hóa, bản sắc văn hóa các dân tộc đã ít nhiều bị tác động, biến đổi. Biểu hiện mà chúng ta dễ nhận biết nhất đó chính là kiến trúc nhà ở, ngôn ngữ và chữ viết, trang phục, nghệ thuật, nghề thủ công truyền thống, ngữ văn dân gian, tập quán canh tác sản xuất... của các dân tộc đã ít nhiều thay đổi, trong đó có một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể đang có nguy cơ mai một, thất truyền.

Tuy nhiên, để các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh được bảo tồn, phát huy cần sự chung tay góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó đầu tiên là ý thức giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của người dân, cộng đồng - chủ thể di sản văn hóa, tiếp đến là sự cộng đồng trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội mà ngành văn hóa đóng vai trò tham mưu, định hướng thực hiện.

thieu-nu-dt-mang-hoc-lam-lam-trang-phuc-truyen-thong.jpg
Thiếu nữ dân tộc Mảng học làm trang phục truyền thống

PV: Vậy tỉnh Lai Châu có chiến lược như thế nào trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch, thưa ông?

Ông Trần Mạnh Hùng: - Trước thực trạng về di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh hiện nay, tỉnh đã kịp thời ban hành, triển khai thực hiện các nghị quyết, đề án, kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch. Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Lai Châu đặt ra mục tiêu hằng năm, phấn đấu mỗi dân tộc được bảo tồn ít nhất 01 di sản văn hóa truyền thống tốt đẹp, trong đó ưu tiên: Lễ hội, chữ viết, ẩm thực, trang phục, nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn dân gian.

Tỉnh Lai Châu xác định bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 02 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; xây dựng 03 hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; xây dựng bộ sưu tập hiện vật và phim tư liệu vùng văn hóa các dân tộc cư trú thành cộng đồng phục vụ công tác trưng bày chuyên đề gắn với phát triển du lịch.

Tỉnh cũng sẽ xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó có ít nhất 01 sản phẩm du lịch đạt sản phẩm OCOP 4 - 5 sao; Phấn đấu xây dựng 01 bản du lịch cộng đồng tiêu biểu quốc gia, tiến tới đề nghị công nhận điểm du lịch cộng đồng ASEAN.

Từ nay đến 2025, Lai Châu sẽ xây dựng 03 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm văn hóa, sản phẩm OCOP, nông sản gắn với các điểm thăm quan, du lịch trên cung đường Quốc lộ 4D Sa Pa - Lai Châu.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông !

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Tưng bừng ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc
(TN&MT) - Tối 2/11, tại TP. Lạng Sơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
    Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO