Chuyên đề “Bảo vệ tài nguyên – môi trường trên rẻo cao Tây Bắc” - Bài 3: Giữ rừng tạo sinh kế cho người dân

Thanh Ngà | 27/03/2023, 11:12

Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu cách trung tâm huyện Văn Yên (Yên Bái) khoảng 30km. Khu bảo tồn vẫn giữ được hệ sinh thái rừng nguyên sinh với nhiều động, thực vật quý hiếm đã tạo điều kiện cho người dân địa phương phát triển du lịch cộng đồng.

Cộng đồng dân cư cùng bảo vệ rừng

Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu có diện tích quy hoạch 16.950ha. Trong đó, khu bảo vệ nghiêm ngặt 7.250ha; phân khu phục hồi sinh thái 9.700ha trải rộng trên địa bàn 4 xã: Nà Hẩu, Đại Sơn, Mỏ Vàng, Phong Dụ Thượng của huyện Văn Yên. Không chỉ có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động thực vật quý hiếm nằm trong sách đỏ Việt Nam, Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu còn là một trong những khu rừng phòng hộ xung yếu cho thượng nguồn của sông Hồng.

anh-1-giu-rung-tao-sinh-ke-cho-nguoi-dan.jpg

Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu vẫn giữ được hệ sinh thái rừng nguyên sinh với nhiều động, thực vật quý hiếm

Nằm trong vùng lõi của khu bảo tồn, xã Nà Hẩu có tổng diện tự nhiên là 5.640ha, trong đó rừng tự nhiên đặc dụng trên 4.500ha. Rừng Nà Hẩu như mái nhà chung của trên 484 hộ với trên 2.490 nhân khẩu, dân tộc Mông chiếm 99%. Mái nhà chung ấy được đồng bào nơi đây đồng lòng gìn giữ, cho dù cuộc sống của họ vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Lý Tòn Cầu – Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu cho biết: Với phương châm bảo vệ rừng tận gốc, toàn dân tham gia bảo vệ rừng, UBND xã Nà Hẩu đã phối hợp với Ban Quản lý Khu Khu Bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, giao khoán quản lý bảo vệ trên 3.700ha rừng tự nhiên, đặc dụng cho 3 thôn trên địa bàn xã. Thông qua đó nâng cao vai trò, quyền lợi gắn với trách nhiệm của cộng đồng dân cư trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Đây là chỗ dựa vững chắc trong công tác bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng tự nhiên như: Khai thác trái phép gỗ, săn bắt động vật, phát phá rừng trái phép, phòng cháy chữa cháy rừng.

Cùng với đó, UBND xã phối hợp với cán bộ Hạt Kiểm lâm Văn Yên tăng cường xuống cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân; tổ chức cho bà con ký kết các quy định bảo vệ rừng gắn với phòng cháy, chữa cháy rừng; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Anh Giàng A Quang - thôn Trung Tâm xã Nà Hẩu tâm sự: “Cả cuộc đời gắn bó với rừng, sống cùng rừng, người Mông Nà Hẩu coi rừng như nguồn sống, là mái nhà che chở, là chỗ dựa tinh thần của cả cộng đồng. Trải qua hàng trăm năm chung sống hoà thuận với rừng, hiểu được luật rừng, dân tộc Mông đặt ra những quy định về việc bảo vệ rừng được cộng đồng tôn trọng như những luật tục”.

Với người dân ở Nà Hẩu, việc giữ rừng giống như giữ cái nhà của mình, nên người dân ở đây ai cũng tự bảo nhau không được phá rừng làm nương rẫy, không để người lạ vào rừng. Nếu ai xâm phạm vào khu vực rừng nhận khoán, người dân sẽ nhanh chóng thông báo chính quyền xã và cán bộ Kiểm lâm can thiệp, xử lý kịp thời.

Được hỗ trợ tiền khoán bảo vệ rừng, người dân ở đây tự nhắc nhở nhau bảo vệ diện tích rừng đã nhận khoán. Đồng thời, tự giác tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm soát và triển khai nhiều biện pháp phòng cháy chữa cháy rừng; ngăn chặn kịp thời các hành vi chặt phá, đốt rừng làm nương rẫy, khai thác vận chuyển lâm sản trái phép.

Phát triển du lịch cộng đồng

Nà Hẩu được thiên nhiên ưu đãi Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu với hệ sinh thái rừng đa dạng và văn hóa bản địa đặc sắc của người Mông. Với cấu tạo địa chất núi đá vôi có độ dốc cao đã tạo ra nhiều thác nước và hang động tự nhiên đẹp như: Thác bản Tát, thác Tiên, Hang Dơi, hang Vàng…chính quyền huyện và xã đã vận động bà con phát triển du lịch homestay.

Khai thác các tiềm năng đó, đến nay, trên địa bàn xã đã thành lập được 2 hợp tác xã: Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Nà Hẩu, Hợp tác xã Dược liệu và Du lịch Nà Hẩu Xanh vừa để phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của xã vừa phục vụ dịch vụ du lịch. Từ thành công trong phát triển nhiều sản phẩm nông nghiệp đặc sản của các hợp tác xã, xã cũng tuyên truyền, vận động các hộ dân tận dụng các điều kiện tự nhiên phát triển các sản phẩm đặc sản phục vụ phát triển dịch vụ du lịch như: Cá tầm, ốc, gà đen…

anh-2-giu-rung-tao-sinh-ke-cho-nguoi-dan.jpg
Du khách đến với Nà Hẩu ngày một đông

Hiện nay, trong xã đã có 4 hộ gia đình nuôi cá tầm và 20 hộ phát triển nuôi ốc thương phẩm. Trên địa bàn xã cũng đã có 8 hộ gia đình đầu tư sửa sang nhà cửa làm du lịch cộng đồng.

Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền xã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như nghề cơ khí rèn truyền thống, nghề thêu dệt thổ cẩm, các điệu dân ca, dân vũ… để phục vụ dịch vụ du lịch.

Bà Cư Thị Ninh – thôn trung tâm, xã Nà Hẩu chia sẻ: “Những năm gần đây, xã có đường bê tông về tận thôn, bản du khách mọi nơi đến với xã nhiều hơn. Thêu, dệt thổ cẩm là công việc xưa nay của người phụ nữ Mông vẫn thường làm, nay có nhiều người đến tìm hiểu, thăm quan tôi cảm thấy vui lắm”.

Ông Bàn Tòn Cầu - Chủ tịch UBND xã Nà Hẩu cho biết: Theo thống kê, trong năm 2022, có khoảng hơn 6.000 du khách đã đến với Nà Hẩu, tập trung nhiều vào mùa hè. Du khách đến Nà Hẩu chủ yếu tham quan trải nghiệm thác nước, hang động và được thưởng thức các món ăn của địa phương như: Rau rừng, gà đen, ốc…

“Trong thời gian tới xã sẽ tiếp tuyên truyền, vận động người dân tiếp tục tận dụng các điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm phục vụ dịch vụ du lịch. Mong rằng Nà Hẩu tiếp tục được quan tâm đầu tư mở rộng tuyến đường liên xã Đại Sơn - Nà Hẩu, Nà Hẩu - Mỏ Vàng để thuận lợi cho việc phát triển du lịch trong thời gian tới”, ông Bàn Tòn Cầu mong muốn.

Bài liên quan
  • “Vàng xanh” giúp người Dao ở Văn Yên thoát nghèo
    Chỉ 4 năm trồng đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, cây quế được người Dao của huyện Văn Yên (Yên Bái) mệnh danh là "vàng xanh", cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc Dao và cũng là cây phát triển kinh tế chủ lực của huyện. Để các sản phẩm từ quế vươn xa, hiện nay, huyện Văn Yên đang mở rộng diện tích trồng quế hữu cơ, hạn chế dùng thuốc bảo vệ thực vật giúp bảo vệ môi trường và đưa ra thị trường sản phẩm sạch đảm bảo chất lượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Tưng bừng ngày hội các dân tộc vùng Đông Bắc
(TN&MT) - Tối 2/11, tại TP. Lạng Sơn, Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức khai mạc Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc lần thứ XI năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
  • Lang Chánh (Thanh Hóa): Hiệu quả triển từ mô hình trồng lúa chất lượng cao
    Nhận thức được việc phát triển nông lâm nghiệp là thế mạnh của địa phương, trong những năm qua, Đảng ủy, Ủy ban nhân dân thị trấn Lang Chánh (Thanh Hóa) luôn trăn trở để tìm cây trồng phù hợp với địa phương. Năm 2022, thị trấn đã triển khai thí điểm mô hình lúa chất lượng cao tại cánh đồng lúa khu phố Trùng. Cũng nhờ mô hình thí điểm này đã gợi mở ra hướng phát triển kinh tế mới, không những tạo thêm công ăn việc làm, mà còn là cây xóa đói, giảm nghèo cho người nông dân nơi đây.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO