Hiện nay, ở vùng miền núi tỉnh Quảng Trị có 27 xã, thị trấn nằm trong khu vực có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của sạt lở đất, tập trung ở các huyện Hướng Hóa và Đakrông.
UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã lên phương án chuẩn bị về lực lượng, phương tiện để di dời 1.447 hộ với trên 6.800 khẩu ở miền núi 27 xã, thị trấn kể trên đến nơi an toàn. Ngoài ra, tỉnh cũng đã có kế hoạch di dời trên 2.200 hộ với hơn 8.900 khẩu ở 30 xã, thị trấn thuộc khu vực có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng của lũ ống, lũ quét.
Tại xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa), tỉnh Quảng Trị đang đầu tư xây dựng khẩn cấp bờ kè, đồng thời xây dựng hệ thống nước sinh hoạt cho người dân với kinh phí 13,5 tỷ đồng.
Người dân miền núi Quảng Trị được di dời đến các khu tái định cư trước mùa mưa bão. |
Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn (huyện Hướng Hóa) Lê Trọng Tường cho biết, 45 hộ/171 nhân khẩu sinh sống gần suối Tà Bang và khe Ra Lu có nguy cơ sạt lở đất cao đã được di dời đến khu tái định cư thôn Ra Ly – Rào trước mùa mưa bão.
Riêng hàng chục dự án điện gió ở vùng núi Quảng Trị, những bãi thải từ các dự án có nguy cơ sạt trượt cao gây tắc nghẽn, thay đổi dòng chảy có khả năng gây ra các tình huống lũ ống, lũ quét và sạt lở đất ngoài dự kiến. Cơ quan chức năng đã khoanh vùng trong phạm vi các dự án điện gió đang thi công có nguy cơ cao bị ảnh hưởng sạt lở đất.
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị thừa nhận nguy cơ sạt lở từ các dự án điện gió. Nhiều giải pháp đã được cơ quan chức năng và doanh nghiệp đang triển khai.
“Trong đó, lắp hệ thống camera theo dõi tại các vị trí bãi thãi có nguy cơ sạt trượt cao. Về lâu dài, rà soát, xây dựng các khu tái định cư để di dời dân ở những vùng có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ ống, lũ quét do tác động của các dự án điện gió. Tỉnh cũng yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành các thủ tục về đất đai, đánh giá tác động môi trường...”, ông Hưng chia sẻ.
Được biết năm 2020, thiên tai ở Quảng Trị đã làm 56 người chết chủ yếu là do sạt lở, 1 người mất tích, ước tính thiệt hại là hơn 4.200 tỷ đồng.