Được biết, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong những ngày tới do ảnh hưởng của bão, kết hợp với không khí lạnh tăng cường nên từ ngày 10 - 12/10, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp của bão số 7 và xảy ra 1 đợt mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa ở các huyện đồng bằng ven biển và trung du có khả năng đạt 200-400mm; Các huyện miền núi có khả năng đạt 100- 200mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng tại các vùng trũng, thấp, ven sông.
Nghệ An chủ động ứng phó với lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi. |
Trước tình hình đó, Nghệ An đã gấp rút triển khai công tác chỉ đạo ứng phó với bão số 7. Đối với tình hình tàu, thuyền, đến chiều ngày 8/10/2021, tổng số tàu thuyền toàn tỉnh là 3.438 với 17.190 lao động, trong đó, số phương tiện đang neo đậu tại bến: 3.241, số phương tiện đang hoạt động trên biển là 197, không có phương tiện trong khu vực nguy hiểm.
Các phương tiện đang hoạt động trên biển đã được cơ quan thông tin duyên hải thông báo về vị trí, hướng đi của bão và giữ thông tin liên lạc thường xuyên để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Toàn tỉnh Nghệ An hiện có 18.009 ha nuôi trồng thủy sản, hiện tất cả các chủ hộ nuôi trồng thủy sản đã biết thông tin về bão số 7 và đã chủ động các biện pháp phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại. Tổng diện tích lúa toàn tỉnh 88.270 ha, trong đó, đã thu hoạch khoảng 75.600 ha, còn 12.669 ha lúa mùa chưa thu hoạch, đang khẩn trương thu hoạch theo tiêu chí “xanh nhà hơn già đồng”.
Khu vực miền núi của Nghệ An như Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong…tiềm ẩn nhiều rủi ro về lũ quét, sạt lở đất. |
Toàn tỉnh Nghệ An có 1.061 hồ, đập lớn nhỏ; hiện nay đã có 1.031 hồ đầy nước, 26 hồ đạt trên 70% dung tích thiết kế, 3 hồ đạt khoảng 50-70% dung tích thiết kế; 1 hồ đập còn lại nhỏ hơn 50% dung tích thiết kế. Các công trình hồ, đập đều đang được các địa phương, đơn vị triển khai vận hành theo phương án phòng, chống thiên tai được phê duyệt...
Trong ngày 08/10, Chủ tịch UBND tỉnh - Trưởng ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An cũng đã có công điện số 32/CĐ-UBND, gửi Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Công an tỉnh; Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã; Các Công ty thuỷ lợi, thuỷ điện trên địa bàn tỉnh, về việc chủ động triển khai ứng phó với bão, mưa lũ.
Trong đó, nhấn mạnh việc rà soát, chủ động triển khai phương án ứng phó với bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương, nhất là phương án di dời, sơ tán dân để đảm bảo an toàn, đồng thời phòng chống dịch Covid-19; chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ” để ứng phó với bão mạnh, lũ lớn, ngập lụt trên diện rộng, khu vực thấp trũng, lũ quét, sạt lở đất khu vực miền núi, nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ngập lụt, sạt lở đất năm 2020 như Kỳ Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Châu, Quế Phong…; Sẵn sàng cho tình huống gây chia cắt, cô lập các khu vực.