Phật giáo Lạng Sơn tuyên truyền loại bỏ những hủ tục ảnh hưởng đến môi trường

Hoàng Nghĩa | 30/08/2021, 07:38

(TN&MT) - Nhiều năm qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn luôn tuyên truyền, giáo dục đồng bào phật tử nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động, thái độ đúng đắn với môi trường để có hành động tự giác bảo vệ môi trường (BVMT).

Tuyên truyền kiểu "mưa dầm thấm lâu"

Trước đây, cứ vào Ngày ông Công ông Táo hàng năm, cùng với việc đem cá thả phóng sinh thì người dân trên địa bàn TP. Lạng Sơn thường thả luôn cả túi ni lông, rác thải nhựa xuống sông Kỳ Cùng. Và cũng từ ngày 23 tháng Chạp đến 30 Tết, từng dòng người mang một số đồ thờ cũ như: bàn thờ, chân hương, cây vàng, cây tiền… thả trôi sông, biến dòng sông Kỳ Cùng thành “thùng rác”, làm ô nhiễm và gây phản cảm cho du khách khi đến Xứ Lạng du xuân vào những ngày sau đó.

Trước tình trạng đáng báo động này, bắt đầu từ năm 2011, đích thân Thượng tọa Thích Quảng Truyền - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn đã thu âm và phát loa tuyên truyền, kêu gọi người dân chung tay BVMT tại Chùa Thành.

Hoạt động “Chung tay bảo vệ dòng sông quê hương” hàng năm góp phần BVMT

Thượng tọa Thích Quảng Truyền chia sẻ, ban đầu vận động người dân rất khó khăn, bởi vấn đề này dường như đã thành thói quen lâu nay của học nên rất khó thay đổi. Thêm vào đó, việc này cũng "nhạy cảm”, chính quyền cũng khó xử lý mặc dù pháp luật có quy định. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, “nói phải củ cải cũng nghe”, đến năm 2014, người dân đã thay đổi thói quen rõ rệt. Nhận thấy việc tuyên truyền hiệu quả, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn đã đưa vấn đề này trở thành nét văn hóa, tạo cho người dân hình thành nếp nghĩ mới, từ đó thay đổi nhận thức, tiến tới thay đổi hành động.

Những năm sau đó, vào Ngày ông Công ông Táo, tại Chùa Thành, phường Chi Lăng, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh phối hợp với chính quyền TP. Lạng Sơn tổ chức Lễ thả cá chép tiễn ông Công, ông Táo về trời và hóa giải các đồ thờ, cúng với chủ đề “Chung tay bảo vệ dòng sông quê hương”.

Tại đây, Ban Tổ chức có lắp đặt ban thờ cùng các dụng cụ đựng cá bằng nhựa. Người dân mang cá chép đến và chuyển vào các khay, tô nhựa làm lễ, sau đó tự tay mình mang đến sông Kỳ Cùng thả cá. Đồ thờ cúng thì được nhà chùa làm lễ hóa giải, còn túi ni lông được các phật tử, tình nguyện viên thu gom và chuyển đến nơi tập kết để tiêu hủy.

Nhiều năm nay, người dân ở TP. Lạng Sơn thả cá đã không thả túi ni lông.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng của TP. Lạng Sơn cũng tuyên truyền, nhắc nhở, hướng dẫn người dân thả cá, bỏ túi ni lông, vỏ bao bì và các đồ hóa giải mang tính tâm linh vào đúng nơi quy định. Đơn vị làm công tác vệ sinh môi trường cũng bố trí hàng chục thùng rác tại các nơi thả cá và túc trực để kịp thời dọn vệ sinh, thu gom rác.

Ước tính mỗi năm (từ 23 - 30 Tết) đã có hàng chục tấn rác thải được thu gom, xử lý, giảm đáng kể lượng rác thải đổ xuống sông Kỳ Cùng, hạn chế ảnh hưởng mỹ quan và giảm ô nhiễm môi trường. Sáng kiến này của Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã được chính quyền, nhân dân và bà con phật tử trên địa bàn tích cực vào cuộc, hưởng ứng. Đến nay đã tạo hình ảnh đẹp trong mắt du khách khi đến Xứ Lạng.

Loại bỏ hủ tục ảnh hưởng đến môi trường

Cùng với hoạt động này, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn thường xuyên tổ chức thả cá xuống sông Kỳ Cùng nhằm duy trì, phục hồi, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không để ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Đồng thời, mong muốn thông qua hoạt động này kêu gọi các tổ chức, cá nhân, phật tử nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hiểu biết về việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, BVMT trên dòng sông Kỳ Cùng.

Theo Thượng tọa Thích Quảng Truyền, một vấn đề nhức nhối gây ảnh hưởng môi trường nữa là phần lớn đồng bào ở Lạng Sơn khi tổ chức đám tang thường làm nhà táng với rất nhiều đồ vàng mã, khi đưa tang thì đốt đuốc, rải tiền vàng… gây ô nhiễm môi trường, phản cảm về văn hóa. Từ năm 2007, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động và đến nay 100% bà con phật tử ở Lạng Sơn đã bỏ các hủ tục này.

Ngoài ra, Ban cũng đã phát động tuyên truyền với đồng bào phật tử, khi có người trong gia đình mất thì thực hiện hỏa táng. Đồng thời vận động phật tử chấp hành tốt việc không đốt nhang, vàng mã trong Chùa nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

Cảnh quan, môi trường xung quanh Chùa Thành luôn xanh - sạch - đẹp.

Ghi nhận những đóng góp đối với hoạt động BVMT, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn đã được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn tặng Bằng khen; UBND TP. Lạng Sơn tặng nhiều Giấy khen.

Sở TN&MT Lạng Sơn đánh giá, những năm qua, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Lạng Sơn đã vận động người dân và các phật tử chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về BVMT. Qua đó đã góp phần làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen của à đồng bào phật tử và cộng đồng đối với công tác BVMT.

BVMT luôn cần sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Phật giáo Lạng Sơn đã và đang làm hết sức mình để cùng cộng đồng dân cư xây dựng môi trường ngày càng xanh - sạch - đẹp, bền vững.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO