Một trong những buổi lễ của các sư thầy tại chùa Pháp Hoa (Thành phố Gia Nghĩa, Đắk Nông) |
Qua các hoạt động này, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo và người dân có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi, thói quen sống để góp phần BVMT.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
Theo đại diện Ban tôn giáo tỉnh Đắk Nông, trong những năm qua đồng bào tôn giáo trong tỉnh đã cùng chung tay phát huy được vai trò hết sức quan trọng của mình trong mọi mặt của đời sống. Trong đó, công tác hỗ trợ cho chính quyền địa phương cùng bảo vệ môi trường, luôn nêu cao tinh thần tự giác đối với việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ tại nơi mình ở và nơi công cộng. Có thể nói, có được những điều đó ngoài sự cố gắng của các cấp ngành địa phương thì người đứng đầu các tôn giáo có công đóng góp rất lớn trong việc tuyên truyền vận động người dân.
Theo đó, hàng năm các nhà chùa cùng phật tử thả hàng ngàn tấn cá, con giống các loại, đưa nhiều động vật quý hiếm trở về với thiên nhiên; vận động phật tử tránh chặt, đốt phá rừng, trồng cây gây rừng, tạo lá phổi xanh cho khu vực. Giáo hội ban hành văn bản hướng dẫn tăng, ni trụ trì các tự viện thực hiện việc tổ chức lễ hội văn minh, tiết kiệm, không phô trương hình thức; hướng dẫn phật tử, bà con loại bỏ mê tín dị đoan, không đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục.
Đối với đạo Công giáo, các giáo xứ, giáo họ tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về ứng phó với BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai; tuyên truyền giáo dân và bà con bỏ rác đúng nơi quy định, bảo vệ cây cối, không chặt phá cây xanh, vệ sinh chuồng trại…Bên cạnh đó, lồng ghép phổ biến chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BVMT và ứng phó với BĐKH trong các trường hạ, khóa tu của phật tử, buổi học chính khóa, sinh hoạt ngoại khóa của tăng, ni sinh tại các trường đào tạo Phật học. Tại các tự viện Phật giáo cũng thường xuyên tổ chức các khóa tu cho phật tử với nhiều nội dung phong phú, đa dạng.
Theo lãnh đạo phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đắk R’Lấp, trong những năm qua công tác bảo vệ môi trường tại các giáo xứ cũng như khu vực có nhiều giáo dân sinh sống được triển khai rất tốt. Điển hình, các linh mục vận động giáo dân tham gia khơi thông cống rãnh, ao tù nước bẩn, phát quang bụi rậm, thu gom và tiêu hủy rác thải lâu dài; cổ vũ nhóm tình nguyện chuyên về thu gom, tiêu hủy rác thải, bảo vệ và chăm sóc môi trường, khuyến khích trồng thêm cây xanh nơi mình đang sống…
Thực hiện chương trình phối hợp, các tổ chức tôn giáo đã tích cực và chủ động có nhiều hình thức đa dạng, phong phú để tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, tín đồ, người dân ở cộng đồng tham gia BVMT, ứng phó với BĐKH. Qua đó, các chức sắc, chức việc, nhà tu hành, đồng bào các tôn giáo và người dân có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thay đổi thái độ, hành vi, thói quen sống để góp phần BMMT.
Giáo xứ Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp luôn chú trọng công tác bảo vệ môi trường |
Nhiều mô hình hay cách làm hiệu quả
Trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hiện có 3 tôn giáo chính thống được pháp luật công nhận đang hoạt động gồm: Công giáo, Tin lành và Phật giáo, với gần 270.000 tín đồ, chiếm 42,2% dân số toàn tỉnh. Ngoài các hoạt động tuyên truyền giáo lý, phật pháp…thì việc hỗ trợ, vận động đồng bào tôn giáo tại các địa phương nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ môi trường cũng được quan tâm và chú trọng thực hiện rất hiệu quả.
Tại nhiều giáo xứ, đồng bào Công giáo đã thực hiện thu gom rác thải tập trung, tạo cảnh quan môi trường trong khu dân cư xanh-sạch-đẹp. Một số giáo xứ phát động phong trào trồng cây phủ xanh đồi trọc vừa BVMT, vừa phát triển kinh tế. Các linh mục, hội đồng giáo xứ, ban hành giáo các giáo họ cùng giáo dân, cộng đồng dân cư ra quân dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường tại các hộ gia đình, khu dân cư. Điển hình, giáo xứ Quảng Đà, huyện Krông Nô đã vận động giáo dân thu gom rác thải tập trung đạt 91%. Các Giáo xứ Xuân Lộc và Thổ Hoàng (Đắk Mil) có 90% gia đình tham gia thu gom rác thải, dọn vệ sinh đường làng, trồng hoa ven đường tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp.
Tương tự, tại giáo xứ xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’Lấp ngoài việc giảng dạy đạo lý tốt đời đẹp đạo cho mỗi giáo dân thì linh mục luôn quan tâm hướng dẫn cho giáo dân hiểu về công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, các khẩu hiệu như nói không với rác thải nhựa, không vứt rác bừa bãi, bỏ đúng - bỏ trúng sau khi sử dụng…luôn được nhắc đi nhắc lại để chung tay giữ gìn đường làng, ngõ xóm luôn sạch đẹp.
Tại chùa Pháp Hoa, ở xã Đạo Nghĩa, huyện Đắk R’Lấp sư chủ trì cùng các chú tiểu và các phật tử luôn đi đầu trong việc giữ gìn nhà chùa, đường sá…sạch đẹp, thoáng mát. Theo Sư chủ trì Thích Chiếu Ý, ngoài việc dạy học nghi lễ, văn hoá, phật học…cho các tăng ni, chú tiểu cũng như các phật tử thì việc giáo dục, phổ biến tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường đối với cuộc sống hằng ngày luôn được nhà chùa chú trọng thực hiện.
Với những cách làm thiết thực, các tôn giáo trong tỉnh đã phát huy vai trò trong công tác BVMT, ứng phó với BĐKH, góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận, tăng cường sự hiểu biết, gắn bó, đoàn kết toàn dân tộc.
Theo Ban tôn giáo tỉnh Đắk Nông, điều rất đáng mừng là đến nay đời sống của bà con giáo dân trên địa bàn Đắk Nông có nhiều chuyển biến tích cực, số hộ giàu, khá tăng nhanh, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.
Nhiều nhà thờ, giáo xứ, giáo họ còn gắn cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong việc vận động các tín đồ thực hiện tốt những điều đã cam kết về BVMT và an ninh trật tự.
Bài & ảnh: Phạm Hoài