Quảng Bình: Chú trọng thực hiện tiêu chí môi trường tại Khu tái định cư vùng đồng bào DTTS và miền núi

Hồng Thiệu | 18/08/2021, 14:29

(TN&MT) - Từ đầu năm 2021, tỉnh Quảng Bình đã triển khai thực hiện xây dựng nhà ở tái định cư vùng sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt tại Bản Cha Lo, Bản Sắt và Bản La Trọng 1. Ngoài công tác di dân ra khu vực an toàn, chủ trương hoàn thiện tiêu chí môi trường, đảm bảo vệ sinh cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn được quan tâm.

Khẩn trương hoàn thành khu tái định cư vùng đồng bào DTTS

Quảng Bình là địa phương hàng năm luôn phải hứng chịu nhiều đợt mưa bão lớn do thiên tai gây ra. Trong đó, gần đây nhất là những đợt mưa lũ lịch sử diễn ra vào cuối tháng 10 năm 2020, khiến tình trạng sạt lở đất nghiêm trọng diễn ra tại một số xã miền núi Minh Hóa, Quảng Ninh, Lệ Thủy khiến hàng trăm hộ dân phải di dời khẩn cấp.

Trước tình trạng trên, ngành chức năng tỉnh Quảng Bình triển khai xây nhà tái định cư đưa dân ra khỏi khu vực sạt lở đảm bảo an toàn, ổn định đời sống trước mùa mưa năm 2021.

Cụ thể, ngày 17/11/2020, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Công văn số 2108/UBND-KT về việc rà soát di dời khẩn trương, đảm bảo ổn định đời sống người dân sạt lở do thiên tai. UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo sở, ngành liên quan ra soát, lập phương án xây dựng nhà ở, di dời những hộ dân ra khu tái định cư đảm bảo an toàn, ổn định đời sống

Các khu tái định cư tại vùng đồng bào DTTS và miền núi đang gấp rút được hoàn thành.

Hàng trăm ngôi nhà thuộc diện phải di dời khẩn cấp trong đó nghiêm trọng nhất là tại Bản Cha Lo, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa và Bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh.

Các điểm sạt lở nghiêm trọng đã lập phương án xây dựng khẩn cấp các điểm tái định cư cho các hộ dân là: Bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh có 34 hộ dân bị ảnh hưởng, hiện đã xây dựng nhà ở và bàn giao cho 25 hộ, riêng một trường học và những hộ dân còn lại sẽ hoàn thành trước 31/8/2021; Tại Bản Cha Lo, xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa có 34 hộ dân phải di dời hiện nay đã hoàn thành xây dựng nhà ở.

Hiện tại về công tác di dân, xây dựng nhà ở tái định cư các vùng sạt lở cơ bản đã hoàn thành, phấn đấu sẽ bàn giao nhà ở cho người dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế đúng mục tiêu vào cuối tháng 8/2021, trước mùa mưa lũ đến.

Hoàn thiện tiêu chí môi trường

Ngoài việc xây dựng nhà ở tái định cư, giúp người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số an toàn, xây dựng kinh tế thì tại các khu nhà ở tái định cư và khu dân cư kiểu mẫu công tác đảm bảo môi trường luôn được quan tâm hàng đầu.

Trong đó, tại dự án Khu dân cư kiểu mẫu cho người đồng bào dân tộc thiểu số do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình làm chủ đầu tư (giai đoạn 2020-2025), triển khai thực tại Bản La Trọng 1, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, Bản Xà Khía, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy và Bản Sắt, xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh đang dần hoàn thiện tiêu chí môi trường.

Xây dựng nhà vệ sinh tự hoại đảm bảo môi trường tại dự án khu tại định cư cho vùng đồng bào DTTS.

Tại các khu tái định cư và khu dân cư kiểu mẫu này đều được xây dựng các nhà vệ sinh tự hủy (Bản La Trọng 1 đã thực hiện xây dựng được 35/122 hộ nhà vệ sinh tự hủy; Bản Xà Khía đã xây dựng được 15/65 nhà vệ sinh). Bên cạnh đó, tại các bản này luôn duy trì công tác thu gom rác thải vào ngày cuối tuần, vận chuyển đến địa điểm quy định trước khi được mang đi xử lý.

Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Quang Minh – Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Khi thực hiện các dự án này chúng tôi đã khảo sát cụ thể từng tiêu chí, trong đó tiêu chí quy hoạch đất, tiêu chí nhà ở đã hoàn thành. Còn đối với tiếu bảo vệ môi trường (tiêu chí môi trường) đang dần hoàn thiện, phải đảm bảo 100% các hộ dân vùng đồng bào DTTS và miền núi tại khu tái định cư và khu dân cư kiểu mẫu đều có nhà vệ sinh tự hủy phù hợp với từng khu vực. Thực hiện tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân thông qua các kênh như Hội nghị khu dân cư, loa phát thanh, tờ gấp…về công tác bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó nâng cao nhận thức cho người dân vùng đồng bào DTTS và đặc biệt yêu cầu các bản duy trì thực hiện ngày cuối tuần tập trung thu gom rác thải, tập kết đúng nơi quy định trước khi vận chuyển đến nơi xử lý. Mục tiêu giai đoạn 2020-2025, tại các bản này phải xây dựng được ít nhất 1 mô hình về bảo vệ môi trường, 1 mô hình về vệ sinh an toàn thực phẩm”.

Bà con tại các thôn bản tham gia thu gom rác thải vào ngày cuối tuần.

Cũng theo ông Trần Quang Minh cho biết, xây dựng khu dân cư kiểu mẫu tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số không chỉ nhằm quy hoạch đất đai, công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế mà bên cạnh đó hoàn thiện tiêu chí bảo vệ môi trường tại các bản làng được thực hiện tốt hơn.

Bản Xà Khía xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy và Bản La Trọng 1 xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa đều là xã vùng đồng bào DTTS thuộc diện đặc biệt khó khăn. Riêng Bản Xà Khía có 65 hộ với 250 nhân khẩu, trong đó 86,2% số hộ là người dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 30,77%, hộ cận nghèo 3,1%. Còn Bản La Trọng 1 có 118 hộ với 549 nhân khẩu, trong đó 86,2% số hộ là người dân tộc thiểu số nhưng có trên 94% hộ dân không lấn chiếm lòng đường gây cản trở giao thông, không cơi nới; tỷ lệ hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thôn tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm: 72%; tỷ lệ người dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh đạt 80%; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nướcsinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo “3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ) đạt 60%.

Bài liên quan
  • Quảng Bình: Cần lồng ghép phòng chống thiên tai vào phát triển kinh tế - xã hội bền vững
    (TN&MT) - Không nằm ngoài vòng xoáy thiên tai khốc liệt của miền Trung, năm qua, Quảng Bình chịu ảnh hưởng nặng nề bởi 11 cơn bão, áp thấp, mưa lũ, trong đó có những đợt lũ vượt qua lịch sử. Dự báo từ tháng 7 này, bão và áp thấp nhiệt đới bắt đầu hoạt động ở vùng Bắc Biển Đông và nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ từ tháng 8 - 10/2021.

(0) Bình luận
Nổi bật
Phật giáo Đà Nẵng bảo vệ môi trường
Triết lý Phật giáo có nhiều răn dạy phật tử về sống hài hòa với tự nhiên, sống tiết kiệm, trân quý sinh vật sống rất phù hợp với lối sống xanh, bảo vệ môi trường hiện nay. Một nghiên cứu khảo sát của PGS.TS Lưu Quý Khương (Đại học Đà Nẵng) đã cho thấy, Phật giáo đóng vai trò tích cực trong tuyên truyền cũng như thực hành các hoạt động môi trường tại cộng đồng.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO