Đảm bảo hiệu quả công tác tái định cư cho đồng bào vùng cao ứng phó lũ quét

Thanh Tùng | 19/05/2022, 19:40

(TN&MT) - Theo các chuyên gia về phòng chống thiên tai, một trong những giải pháp lâu dài, hiệu quả giúp giảm thiểu thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số hiện nay là tổ chức di dời, tái định cư; giúp người dân sống xa các khu vực ven sông, suối, nơi có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất. Nhiều địa phương trên cả nước đã trú trọng và bước đầu thực hiện có hiệu quả giải pháp này.

Thiệt hại tăng theo từng năm

Những năm qua, nước ta hứng chịu thiên tai bão, lũ liên tiếp xảy ra trên diện rộng với thời gian kéo dài, cường độ mạnh. Trong đó, con số thiệt hại do lũ quét, sạt lở đất tăng dần theo từng năm. Báo cáo của UBND tỉnh Quảng Nam cho thấy, năm 2017, mưa lớn làm xảy ra 12 vụ sạt lở đất (trong đó huyện Bắc Trà My 6 vụ, huyện Nam Trà My 2 vụ tại xã Trà Vân; huyện Phước Sơn 2 vụ) làm 29 người chết và nhiều tài sản bị vùi lấp, hư hỏng.

Tiếp đó, năm 2020, sạt lở và lũ quét thực sự trở thành nỗi ám ảnh chưa từng có. Với 5 vụ sạt lở đất được ghi nhận tại các địa bàn Nam Trà My, Phước Sơn, Bắc Trà My, đã có đến 30 người chết, 17 người mất tích. Thiệt hại do mưa lũ ước tính hơn 11.000 tỷ đồng.

anh-1(2).jpg

Lũ quét gây thiệt hại nặng ở xã Phước Thành (Phước Sơn) sau bão số 9 năm 2020. 

Tại Quảng Ngãi, chỉ tính riêng bão số 9 (bão Molave) cuối năm 2020 đã gây thiệt hại ước tính hơn 4.850 tỷ đồng. Dù không xảy ra thiệt hại về người, song nhà ở người dân, hạ tầng, nông lâm nghiệp bị tác động nặng nề. Bão lũ cũng đặt ra cảnh báo về hàng chục điểm có nguy cơ cao sạt lở tại địa bàn các huyện. Chính quyền địa phương thông tin, do mức độ thiệt hại quá lớn và trên diện rộng, số hộ gia đình bị tổn thương sau bão nhiều, thời gian phục hồi của tỉnh Quảng Ngãi sau thiên tai sẽ lâu, tốn nhiều kinh phí.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai cho biết, trong năm 2020, khu vực miền Trung hứng chịu các đợt thiên tai liên tiếp “bão chồng bão, lũ chồng lũ” trên diện rộng, cường độ rất mạnh, vượt mức lịch sử, cướp đi sinh mạng của hàng trăm người dân và hàng chục cán bộ, chiến sĩ. Sạt lở đất và lũ quét gây thiệt hại ước tính trên 30 nghìn tỷ đồng.

Tiếp đó, từ giữa tháng 9/2021-12/2021, khu vực miền Trung và Tây Nguyên tiếp tục chịu ảnh hưởng liên tiếp 4 cơn bão và 6 đợt mưa lũ. Trong đó, cơn bão số 9 (siêu bão Rai) mặc dù đã giảm cấp khi qua đất liền Philippine song vào biển Đông cường độ rất mạnh ở cấp siêu bão, được đánh giá là mạnh nhất trong 40 năm qua. Mưa lũ đã làm 37 người bị chết và mất tích, tổng thiệt hại về vật chất khoảng 4.000 tỷ đồng. Hiện tượng sạt lở đất, lũ quét là loại hình thiên tai gây thiệt hại nghiêm trọng về người tại khu vực miền núi phía Tây các tỉnh miền Trung.

Tổ chức di dời, tái định cư

Theo các chuyên gia về phòng, chống thiên tai, phần lớn các trận lũ quét đều xảy ra ở khu vực miền núi hẻo lánh, dân cư thưa thớt, có những trận lũ quét xảy ra với sức tàn phá lớn gây tổn thất về tính mạng và tài sản của nhân dân, đặc biệt là những hộ dân sống ở các thung lũng sông. Mức độ cảnh báo rủi ro thiên tai được kích hoạt ở cấp cao nhất trong đợt bão lũ năm 2020, hiện trạng của nhiều bản làng sau bão lũ thực sự trở thành nỗi ám ảnh về sức tàn phá của tự nhiên.

anh-2(1).jpg
Khu tái định cư được xây dựng mới tại huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.

Trước thực trạng đó, nhiều địa phương trên cả nước đã tổ chức di dời, tái định cư cho người dân vùng nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất. Quảng Nam là một trong những địa phương thực hiện tích cực giải pháp này. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh, đến nay Tây Giang đã cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, bố trí dân cư tập trung với 115 điểm dân cư/63 thôn, với tổng diện tích 370,5ha, bố trí nơi ở ổn định cho 4.690 hộ/19.000 khẩu; tổng kinh phí đầu tư hơn 500 tỷ đồng. Song song với hình thành mặt bằng là tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng và các mô hình phát triển sản xuất, cải tạo đồng ruộng, khu chăn nuôi… nhằm ổn định nơi ở và từng bước phát triển.

Theo ông Lê Hoàng Linh, mô hình này bước đầu phát huy tác dụng tích cực, trong đó về phía người dân đã có cuộc sống ổn định, chấm dứt cuộc sống du canh du cư và nỗi lo bị uy hiếp bởi thiên tai, sạt lở ít đi, điều kiện hưởng thụ các dịch vụ thiết yếu ngày càng nhiều hơn.

Tỉnh Quảng Nam đang tiếp tục thực hiện quy hoạch, sắp xếp lại các điểm dân cư, vùng phân bố dân cư thưa thớt, thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt và nguy cơ sạt lở núi về các khu tái định cư ổn định lâu dài. Theo đó, từ năm 2022 đến 2023, tỉnh sẽ tiếp tục sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn 9 huyện miền núi. Các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Tiên Phước, Hiệp Đức và Nông Sơn sẽ có thêm gần 2.400 hộ ở những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai được sắp xếp tại những khu tái định cư tập trung, tái định cư xen ghép phù hợp với phong tục, tập quán của người dân địa phương.

Giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh tiếp tục hỗ trợ gần 5.500 hộ dân vùng đặc biệt khó khăn, vùng lũ quét, triều cường, sạt lở ven sông, ven biển được tái định cư, ổn định cuộc sống lâu dài. Tổng kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho việc sắp xếp, ổn định dân cư tại vùng xung yếu, khu vực miền núi Quảng Nam từ nay đến năm 2025 trên 968 tỷ đồng. Mỗi hộ trong diện tái định cư được hỗ trợ 40 triệu đồng.

Năm 2021, cả nước đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai, trong đó có 12 cơn bão và ATNĐ; 326 trận dông, lốc, mưa lớn; 170 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 139 trận động đất; 403 điểm/572km sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nhất là ở khu vực ven biển miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long. Thiên tai năm 2021 đã làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương, thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng.

Với tỉnh Bình Định, cuối năm 2021, UBND tỉnh đã có quyết định về việc Công bố tình huống khẩn cấp sự cố sạt lở núi Cấm thuộc thôn Chánh Thắng, xã Cát Thành, huyện Phù Cát. Tỉnh Bình Định sẽ xây dựng khu tái định cư, diện tích khoảng 4,5ha để di dời 117 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu sinh sống dưới chân núi Cấm đến nơi ở ổn định; đồng thời, khẩn cấp đào dọn toàn bộ khối lượng đất đá sạt lở và vận chuyển đến bãi thải. Trong văn bản gửi Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai mới đây, UBND tỉnh Bình Định đề nghị hỗ trợ gần 220 tỷ đồng khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra, trong đó kinh phí hỗ trợ di dân ra khỏi khu vực sạt lở núi Cấm là 50 tỷ đồng.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Định cũng đã đầu tư xây dựng khu tái định cư cho 36 hộ dân với 128 nhân khẩu sinh sống dưới chân núi Gành, thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát. Đây là khu vực nguy cơ sạt lở rất cao, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân. Việc di dời, tái định cư các hộ dân tại khu vực núi Gành đến nơi ở mới là yêu cầu cấp bách của địa phương. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định, hiện tỉnh đã có chủ trương di dời người dân tại 12 khu vực nguy cơ sạt lở cao.

Đối với tỉnh Thanh Hóa, tính riêng giai đoạn 2016-2020, được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, các ngành, trên địa bàn toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 14 khu tái định cư tập trung cho 597 hộ trên địa bàn các huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước. Các khu tái định cư tập trung này thực sự là nơi giúp cuộc sống của người dân được “hồi sinh” sau khi phải hứng chịu tác động, thiệt hại nặng nề về người và tài sản do thiên tai gây ra.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO