Chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào các DTTS - Bài 1: Đưa chính sách đến với đồng bào

Nguyễn Nga | 16/05/2022, 09:23

(TN&MT) - Nhiều năm qua, các tỉnh Tây Bắc có chung một thực trạng, các dự án phát triển hạ tầng xây dựng, dự án trồng cây công nghiệp, mục tiêu quy hoạch 3 loại rừng… là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến đồng bào các DTTS bị thu hẹp diện tích đất nông nghiệp, đất sản xuất.

Tuy nhiên, những năm trở lại đây một số tỉnh Tây Bắc đã và đang thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, chính sách dân tộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong đó, các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã góp phần giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho người dân, từng bước cải thiện và nâng cao điều kiện sống cho hộ đồng bào DTTS.

Tập trung rà soát nhu cầu quỹ đất

Những năm qua, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu của Chính phủ hỗ trợ cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm và đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ, có nhiều chuyển biến đáng kể. Các chính sách hỗ trợ theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007, Quyết định 1592/QĐ-TTg ngày 12/10/2009, Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 và Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg ngày 4/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ đã góp phần giải quyết một phần nhu cầu bức thiết về đất sản xuất, đất ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS số nghèo, cùng với đó là giảm đáng kể tình trạng dân di cư tự do, từng bước ổn định đời sống cho người dân vùng đồng bào DTTS.

1(1).jpg
Những năm qua, các địa phương đã quan tâm thực hiện rà soát, xác định nhu cầu hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 - 2020; Thông tư số 02/2017/TT-UBDT ngày 22/5/2017 của Ủy ban Dân tộc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg; UBND các tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện để tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng Đề án và triển khai thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg phù hợp tình hình thực tế của từng địa phương.

Nhìn chung, việc tổ chức triển khai thực hiện được cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Ban Dân tộc các tỉnh đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt Đề án thực hiện chính sách; tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện Đề án và phân bổ kịp thời nguồn vốn cho các huyện triển khai thực hiện. UBND các huyện chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án đảm bảo phù hợp với điều kiện, đặc điểm tình hình của địa phương. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách được quan tâm chỉ đạo thực hiện, qua đó giúp cho các hộ gia đình thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách hiểu biết được chính sách chủ động tổ chức thực hiện.

Cải thiện chất lượng đời sống, bảo vệ môi trường

Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, với trên 30 dân tộc cùng chung sống, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 56%; giai đoạn 2008-2016, Yên Bái đã nỗ lực thực hiện một số chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn, đã thực hiện 17 dự án hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư ổn định cho cho 368 hộ dân. Giai đoạn 2017 đến nay, Yên Bái tiếp tục rà soát, đề ra mục tiêu hỗ trợ đất ở cho 590 hộ dân; chuyển đổi ngành nghề cho trên 4.000 hộ thuộc đối tượng không có đất hoặc thiếu đất sản xuất; hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất cho 579 hộ tại 6 điểm định canh định cư tập trung; hỗ trợ định canh định cư xem ghép cho 274 hộ…

Còn tại Lai Châu, với gần 86% số hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số, giai đoạn 2017 đến nay, Lai Châu cũng đã xác định nhu cầu hỗ trợ đối với 250 hộ dân về đất ở tại 4 huyện; đã hỗ trợ 580 hộ thực hiện khai hoang lấy đất sản xuất; hỗ trợ hơn 1.800 hộ chuyển đổi nghề….

2(1).jpg
Cùng với đó, hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất người dân tại các điểm định canh định cư.

Theo đánh giá từ các địa phương, việc triển khai thực hiện chính sách theo các Đề án được phê duyệt đã xác định rõ được mục tiêu, đối tượng, phạm vi, nội dung, nhiệm vụ, giải pháp, trong đó xác định rõ nhu cầu hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, gắn với ổn định định canh định cư cho hộ dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn; góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, giảm dần chênh lệch trong phát triển giữa vùng dân tộc thiểu số và miền núi với các vùng khác.

Thông qua việc thực hiện chính sách, tạo nguồn lực để bà con yên tâm phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống; hạn chế tình trạng di cư tự do, phá rừng làm nương rẫy, không tiếp tay và tham gia khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép. Cùng với đó, góp phần mở rộng diện tích rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc, khai thác nguồn nước hợp lý, nâng cao độ che phủ của rừng, chống xói mòn; tài nguyên rừng, đất rừng và nguồn nước được sử dụng có hiệu quả hơn, ổn định môi trường sinh thái bền vững và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách dân tộc
Đến năm 2030, phấn đấu 100% đội ngũ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra tại các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc được bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực về nghiệp vụ, kỹ năng thanh tra, kiểm tra trong thực hiện chính sách dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO