Hiệu quả từ các chủ trương, chính sách
Huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La có 27 xã thị trấn, trong đó 16 xã thuộc khu vực III, 3 xã khu vực II; đồng bào DTTS chiếm trên 89%. Xác định phải thực hiện tốt các chính sách dân tộc để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, từ năm 2019 tới nay, UBND huyện đã hỗ trợ đất sản xuất cho 24 hộ, hỗ trợ ổn định định canh định cư cho 36 hộ; chuyển đổi nghề cho 169 hộ; triển khai 6 dự án sắp xếp, ổn định dân cư cho 264 hộ dân. Đặc biệt, đã tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai tại khu vực giáp ranh giữa bản Suối Vạch, xã Kim Bon với 4 bản xã Bắc Phong, khu vực 100% đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Đến nay, người dân đã đồng lòng với kết quả hòa giải, huyện đã cấp GCNQSDĐ cho các hộ đủ điều kiện.
Ông Mùa A Dê, Trưởng phòng Dân tộc huyện Phù Yên cho biết: Bằng nguồn vốn của các chương trình, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, đã từng bước giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân. Giai đoạn 2021-2025, huyện Phù Yên đã xây dựng kế hoạch triển khai hỗ trợ về đất ở cho 115 hộ, nhà ở cho 200 hộ; đất sản xuất cho 600 hộ; đầu tư 2 dự án định canh định cư vùng đặc biệt khó khăn…
Theo Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, giai đoạn 2008-2016, thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt; Chương trình 135 giai đoạn III; Chương trình định canh định cư theo Quyết định 33/2007/QĐ-TTg và một số chương trình, dự án khác, tỉnh Sơn La đã xây dựng được 15 điểm định canh định cư tập trung ổn định cho 714 hộ dân; vận động di chuyển và ổn định đời sống cho 245 hộ theo hình thức định canh định cư xen ghép. Hỗ trợ đất sản xuất được 696 ha cho 1.248 hộ; hỗ trợ máy móc, nông cụ cho hơn 7.700hộ; hỗ trợ nước phân tán cho hơn 9.200 hộ...
Năm 2017, thực hiện Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Sơn La tiếp tục rà soát, hỗ trợ cho các hộ thiếu đất sản xuất; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS và hộ nghèo sống phân tán ở vùng đặc biệt khó khăn; hoàn thành các điểm định canh định cư tập trung nhằm ổn định đời sống và sản xuất cho đồng bào DTTS còn du canh du cư. Qua đó, có 1.640 hộ có nhu cầu hỗ trợ đất ở và hơn 19.000 hộ có nhu cầu hỗ trợ về đất sản xuất… Hoàn thành 10 điểm định canh định cư tập trung cho 516 hộ.
Tiếp tục rà soát, tháo gỡ khó khăn
Ông Nguyễn Tiến Dương, Phó Giám đốc Sở TN&MT Sơn La cho biết: Triển khai chính sách đất đai cho đồng bào, UBND tỉnh đã giao Sở TN&MT phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh hướng dẫn các huyện, thành phố rà soát, tổng hợp, báo cáo số hộ đồng bào DTTS thuộc vùng khó khăn còn thiếu đất sản xuất so với định mức; từ đó, trình UBND tỉnh Phê duyệt Đề án thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, bố trí sắp xếp ổn định dân cư và hỗ trợ tín dụng cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo ở xã, bản đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017-2020.
Cùng với đó, phối hợp với Sở NN&PTNT tham mưu với UBND tỉnh rà soát, chuyển đổi đất lâm nghiệp gắn với điều chỉnh cục bộ quy hoạch 3 loại rừng để cấp Giấy chứng nhận đất ở, đất sản xuất nông nghiệp lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân, trong đó có nhiều hộ đồng bào DTTS. Với các trường hợp đồng bào được thực hiện miễn tiền sử dụng đất được triển khai đúng quy định.
Đặc biệt, để giao đất, cấp GCN cho các hộ thiếu đất, Sở đã rà soát diện tích đất được Nhà nước giao, cho thuê của các Công ty, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp để thu hồi diện tích đất do các Công ty sử dụng kém hiệu quả, tự nguyện trả lại, diện tích đất của các Công ty, đơn vị bị giải thể để giao cho UBND cấp huyện quản lý. Qua đó, các công ty nông, lâm nghiệp đã chuyển giao cho địa phương hơn 13.500ha, trong đó, đất sản xuất nông nghiệp hơn 4.600ha, đất lâm nghiệp và đất trồng rừng trên 6.000ha, đất rừng phòng hộ gần 2.700ha, đất phi nông nghiệp 5,2 ha. Với phần diện tích đất này, các huyện đang lập phương án sử dụng để giao đất cho người dân, trong đó có các hộ gia đình DTTS.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay là việc thống kê tổng hợp số liệu các hộ đồng bào DTTS thiếu đất ở một số xã, bản chưa được chính xác, đầy đủ. Nguyên nhân do Sơn La chưa được đo đạc, lập bản đồ địa chính phủ trùm. Có nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa diện tích đất sản xuất nông nghiệp chỉ được vẽ sơ đồ; có những nơi diện tích đất sản xuất do hộ tự kê khai. Những xã, thôn đặc biệt khó khăn hầu hết ở xa trung tâm, nhận thức về pháp luật đất đai của người dân còn hạn chế.
Phấn đấu giải quyết 80% tình trạng thiếu đất giai đoạn 2021-2025
Thực hiện Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, năm 2021, Tỉnh ủy Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU, với mục tiêu: Đến năm 2025, phấn đấu hoàn thành 50% số điểm định canh định cư; giải quyết 80% số hộ di cư không theo quy hoạch và tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo. Đến năm 2030, hoàn thành 100% các điểm định canh định cư, không còn tình trạng di cư tự do không theo quy hoạch; xóa bỏ nhà tạm và giải quyết căn bản tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào DTTS.
Sơn La hiện có 202/204 xã, phường, thị trấn thuộc vùng DTTS và miền núi, 126 xã khu vực III; 10 xã khu vực II và 66 xã khu vực I theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ; có 1.449 bản đặc biệt khó khăn. Tỉnh đặt mục tiêu đến hết năm 2025, 44% số xã vùng đồng bào dân tộc đạt chuẩn NTM; giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn. Đến năm 2030, tiếp tục thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển KT-XH giữa đô thị và các xã vùng đặc biệt khó khăn, biên giới; giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 3-4%/năm; 70% số xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM…
Theo lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, tỉnh đã giao các địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá kết quả hỗ trợ đất ở, đất sản xuất đã triển khai trước đó, từ đó, xây dựng kế hoạch cụ thể tiếp tục hỗ trợ các hộ dân còn thiếu đất mới phát sinh đảm bảo phù hợp tình hình thực tế địa phương; xác định rõ đối tượng, nội dung hỗ trợ, mức hỗ trợ cụ thể… Dự kiến, quỹ đất để giao cho đồng bào gồm đất thu hồi từ các nông, lâm trường; đất khai hoang, phục hóa; đất hiến tặng, mua, chuyển nhượng tự nguyện, chuyển nhượng giữa các hộ thiếu đất; đất thu hồi từ các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai… Những nơi không còn quỹ đất, ưu tiên hỗ trợ vay vốn để tạo việc làm cho đồng bào, phát triển sản xuất, chuyển đổi nghề.