Thiếu quỹ đất công… khó bố trí đất ở, đất sản xuất
Huyện biên giới Hà Quảng (Cao Bằng) là một trong những huyện nghèo của tỉnh Cao Bằng; có 99% dân số là người DTTS, đời sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nên đất đai có vai trò quan trọng đối với đồng bào DTTS nơi đây. Huyện Hà Quảng có tổng diện tích tự nhiên hơn 81.000 ha, nhưng địa hình chủ yếu đồi núi, có độ dốc lớn, diện tích đất sản xuất chỉ gần 13.000 ha, chiếm tỷ lệ trên 16% tổng diện tích đất tự nhiên.
Thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg, ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2017 – 2020, huyện Hà Quảng tiến hành rà soát nhu cầu đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn, trong đó có 35 hộ thiếu đất ở, 219 hộ thiếu đất sản xuất, tổng nhu cầu kinh phí cần hỗ trợ 3,2 tỷ đồng.
Ông Riêu Văn Toàn, Trưởng phòng Dân tộc huyện Hà Quảng, cho biết: Đa số các hộ thiếu đất ở, đất sản xuất chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, sinh sống ở các xóm, xã đặc biệt khó khăn. Việc xây dựng và tổ chức, thực hiện hiệu quả Đề án giải quyết chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, bố trí sắp xếp ổn định dân cư theo Quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ có vai trò quan trọng, tạo đà phát triển sản xuất, cải thiện đời sống đồng bào các DTTS, góp phần quan trọng vào việc ổn định trật tự xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
“Tuy nhiên, trong giai đoạn 2017 - 2020, huyện Hà Quảng chưa thực hiện được việc hỗ trợ trực tiếp đất ở, đất sản xuất cho người dân trên địa bàn. Nguyên nhân do địa bàn huyện Hà Quảng không có quỹ đất công để hỗ trợ cho nhân dân; việc chuyển quyền sử dụng đất giữa các hộ dân cũng rất hạn chế, hầu như không có”. Ông Toàn cho biết thêm.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song để giải quyết chính sách đất ở, đất sản xuất cho đồng bào các DTTS, thời gian tới, huyện Hà Quảng sẽ tiếp tục bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để vận dụng thực hiện linh hoạt phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Khuyến khích các hộ thiếu đất sản xuất chủ động vay vốn ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội để chuyển đổi nghề, góp phần nâng cao thu nhập; ưu tiên các hộ thiếu đất ở, đất sản xuất được đăng ký vào vùng dự án ổn định dân cư, dự án định canh, định cư trên địa bàn…, vì ở vùng dự án, sau khi các hộ dân vào sinh sống ổn định sẽ được cấp đất ở, đất sản xuất theo định mức quy định của dự án.
Giải pháp về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS
Do đặc thù của địa hình phức tạp, địa bàn cư trú của đồng bào DTTS của tỉnh Cao Bằng chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, núi cao nên nhu cầu về đất ở, đất sản xuất là khá lớn. Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Cao Bằng còn hơn 960 hộ đồng bào các DTTS có nhu cầu hỗ trợ về đất ở, với tổng diện tích hơn 14 ha, kinh phí hỗ trợ trên 950 triệu đồng; trên 3.660 hộ cần hỗ trợ về đất sản xuất, với diện tích gần 700 ha; nhu cầu kinh phí trên 238 tỷ đồng.
Quá trình thực thi các chính sách liên quan đến hỗ trợ đất ở, đất sản xuất của tỉnh có hơn 95% đồng bào DTTS này còn rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân dẫn tới thiếu quỹ đất để thực hiện là do địa hình bị chia cắt, phức tạp bởi nhiều núi cao độ dốc lớn, với trên 90% tổng diện tích tự nhiên là núi đá, sông suối.
Ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết: Ngoài khó khăn do yếu tố khách quan bởi điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý thì việc triển khai chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS còn bất cập bởi nhiều nguyên nhân khác như: Cao Bằng không có quỹ đất công, chưa đủ điều kiện để đồng bào sử dụng đất để phát triển sản xuất, chăn nuôi. Nhận thức của người dân về mục tiêu các chương trình chính sách hỗ trợ còn hạn chế dẫn đến tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, người dân chưa chủ động phối hợp với chính quyền để vươn lên thoát nghèo. Nguồn kinh phí hằng năm Trung ương cấp còn thấp, tỉnh Cao Bằng còn khó khăn, chưa cân đối được ngân sách để triển khai thực hiện giải quyết chính sách về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào các DTTS của địa phương.
Về giải pháp tạo quỹ đất cho đồng bào các DTTS trong thời gian tới, tỉnh Cao Bằng sẽ tập trung thực hiện khai hoang, phục hoá, chuyển đổi mục đích sử dụng đất tập trung, đất công ích của địa phương để giao cho đồng bào. Vận động người dân tự chuyển nhượng từ người có diện tích nhiều sang người ít hơn theo thỏa thuận. Đất thu hồi của các doanh nghiệp và của tổ chức, cá nhân khác đang quản lý sử dụng không có hiệu quả, không đúng mục đích.
Đối với những nơi không có quỹ đất để giao cho các hộ thì được hỗ trợ chuyển đổi theo các hình thức như: chuyển đổi theo nhu cầu đào tạo nghề; mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ nông nghiệp hoặc cần vốn để làm nghề khác tăng thu nhập; hỗ trợ xuất khẩu lao động; giao khoán bảo vệ rừng và trồng rừng. Với những giải pháp đó, phần nào sẽ giải quyết được “bài toán khó” về thiếu đất sản xuất vùng đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Cao Bằng hiện nay.