Huyện Củ Chi hiện có 4 tôn giáo chính là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài với 211 cơ sở tôn giáo và hơn 30.528 tín đồ các tôn giáo. Trong những năm quan, phát huy tinh thần đoàn kết cùng với công tác dân tộc, các cấp, ngành huyện Củ Chi đã nắm bắt tâm tư, giải quyết nguyện vọng chính đáng, tạo niềm tin đồng bào tôn giáo vào chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước về công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Nhờ vậy, các tôn giáo trên địa bàn huyện đã tích cực tham gia các phong trào do chính quyền các cấp phát động, trong đó có công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Một tuyến đường xanh – sạch – đẹp trên địa bàn huyện Củ Chi có sự đóng góp của các cơ sở tôn giáo. |
Thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 19/10/2018 của Thành ủy TPHCM về thực hiện Cuộc vận động về Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì Thành phố sạch và giảm ngập nước”, huyện Củ Chi đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, các tín đồ tôn giáo cùng đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi ở, làm việc, nơi công cộng.
Đến nay, sau 3 năm triển khai, toàn huyện có 21 mô hình, công trình cơ sở tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường: “Tuyến đường không rác”, công trình “Trồng cây xanh, trao thùng rác”, "Khu dân cư Công giáo không rác"…Các cơ sở tôn giáo đã trồng và chăm sóc trên 3.000 cây, hoa kiểng các loại, như hoa Bằng Lăng, hoa Quỳnh Liên, hoa giấy, hoa mười giờ. Trong đó, Miếu Quan Đế Củ Chi (người Hoa) trồng hoa chuông vàng trên chậu có dòng thơ nhắc nhở mọi người ý thức bảo vệ môi trường “Trồng thêm một cây xanh là thêm hành động về môi trường”.
Đặc biệt, chùa Thiên Phước ( xã Trung Lập Thượng) đã ủng hộ số tiền 1,6 tỷ đồng để bê tông nhựa nóng và trồng nhiều hoa, kiểng tuyến đường Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Đây với chiều dài 710m. Công trình này đã hoàn thành đưa vào sử dụng tạo sự phấn khởi rất lớn trong người dân khu vực này, giúp việc đi lại, vận chuyển hàng hóa dễ dàng thuận tiện hơn trước đây.
Đại đức Thích Thiện Tâm, trụ trì chùa Thiên Phước chia sẻ: “Được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Củ Chi tuyên truyền, vận động về ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường, phát huy mối đoàn kết lương giáo, tôi đã vận động Phật tử tham gia ra quân “Ngày chủ nhật xanh” thu gom rác, dọn dẹp vệ sinh cùng với người dân địa phương, bà con Phật tử rất vui, mọi người ý thức chăm sóc cây xanh, trồng hoa kiểng trước nhà xây dựng tuyến đường xanh, sạch, đẹp”.
Đoàn viên, thanh niên các tôn giáo cùng người dân huyện Củ Chi tham gia “Ngày chủ nhật xanh” bảo vệ môi trường |
Linh mục Phạm Văn Hòa, Trưởng Ban Đoàn kết Công giáo huyện Củ Chi, Chánh xứ Giáo xứ Bắc Hà cho biết: Trong nhiều năm qua, thực hiện lời kêu gọi của chính quyền, các ngành các cấp, Giáo xứ Bắc Hà luôn quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Ngày chủ nhật hàng tuần, các giáo dân đều dành khoảng 30 phút để tham gia công tác dọn vệ sinh môi trường trong khuôn viên Giáo xứ và các tuyến đường, tuyến hẻm trên địa bàn.
Từ năm 2016, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Củ Chi, Phòng TN&MT huyện Củ Chi và các cơ sở tôn giáo trên địa bàn huyện đã ký kết công tác phối hợp trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn. Công tác phối hợp được thực hiện nghiêm túc, phù hợp với từng cơ sở tôn giáo và được đánh giá, sơ kết từng năm và tổng kết 3 năm 1 lần.
Bà Võ Thị Kiều Tiên, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Củ Chi cho biết: Thực hiện công tác phối hợp trong tham gia bảo vệ môi trường, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã cụ thể hóa nội dung thực hiện gắn với tình hình thực tế địa phương. Hệ thống mặt trận đã phối hợp với cơ quan môi trường đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chức sắc, chức việc, các tín đồ tôn giáo cùng đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh nơi ở, làm việc, nơi công cộng.
Cũng theo bà Võ Thị Kiều Tiên, trên địa bàn huyện Củ Chi có 35 dân tộc thiểu số với 12.443 nhân khẩu là đồng bào dân tộc (chiếm tỷ lệ 2,70% trên tổng số nhân khẩu toàn huyện), nhiều nhất là người Chăm, Khmer, người Hoa. Trong thời gian qua, huyện Củ Chi quan tâm thực hiện công tác dân tộc tôn giáo theo nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp đỡ nhau cùng phát triển; phát huy những phong tục tập quán truyền thống văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đồng bào dân tộc an tâm làm việc, phát triển kinh tế gia đình cũng như quan tâm, giúp đỡ cho các trường hợp người dân tộc có hoàn cảnh khó khăn.
Đại đức Thích Thiện Tâm, trụ trì chùa Thiên Phước và lãnh đạo Ban Dân vận huyện Củ Chi tham gia trồng cây xanh (Ảnh Website Thành ủy TP.HCM) |
Đặc biệt, huyện Củ Chi đã phát huy vai trò đoàn kết lương - giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và thực hiện Chỉ thị số 19 của Ban Thường vụ Thành ủy về Cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, góp phần xây dựng huyện Củ Chi nông thôn mới, đô thị văn minh, xanh sạch đẹp, an toàn.