Phát triển bền vững

Bắc Quang - Hà Giang: Nỗ lực giúp dân xóa nghèo bền vững

Lê Xuân 16:26 03/08/2023

Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU, ngày 1/11/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Giang về Chương trình cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ để tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện Bắc Quang đã chủ động tuyên truyền, xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả giúp hàng chục hộ dân xóa nghèo và vươn lên khá giả.

Đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Thực hiện Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh Hà Giang về cải tạo vườn tạp, huyện Bắc Quang đã sớm thành lập Ban Chỉ đạo và tổ giúp việc từ huyện đến xã, ban hành quy chế hoạt động và xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai. Qua tuyên truyền, quán triệt nội dung, mục đích của Chương trình cải tạo vườn tạp, bước đầu nhân dân trên địa bàn huyện Bắc Quang đã thay đổi về nhận thức, cách nghĩ, cách làm, do đó dần đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Để chủ động trong hành động và nhận thức, huyện Bắc Quang đã đẩy mạnh tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và nhân dân về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình cải tạo vườn tạp. Đặc biệt chú trọng nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, vai trò người đứng đầu trong việc chỉ đạo thực hiện phong trào cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế hộ gia đình. Từ đó huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cấp cơ sở vào cuộc, hướng dẫn, chỉ đạo và cùng người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo tích cực cải tạo vườn tạp, biến vườn tạp, bỏ hoang hóa trước đây thành “tiền” để nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đến hết tháng 6/2023, Bắc Quang đã tuyên truyền được 732 buổi, tới 34.415 lượt người , giúp người dân hiểu rõ được chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Chương trình cải tạo vườn tạp, đồng thời giúp người dân hiểu rõ về quyền và lợi ích khi tham gia thực hiện cải tạo vườn tạp.

anh-1-bq.jpg
Mô hình Tam nông đang được phát huy hiệu quả trong việc bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho người dân

Theo ông Hà Việt Hưng, Bí thư Huyện ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình cải tạo vườn tạp huyện Bắc Quang, sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 05 về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững, bước đầu đã tạo được chuyển biến tích cực trong cả hệ thống chính trị và người dân. Người nông dân từng bước xác định được vai trò chủ thể của mình trong cải tạo vườn tạp, tham gia hưởng ứng mạnh mẽ, nhờ vậy năng suất, chất lượng nhiều loại cây trồng, vật nuôi được nâng lên. Các mô hình hay, cách làm khoa học, sáng tạo được nhân rộng, việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân với các doanh nghiệp có chuyển biến tích cực, tạo điều kiện bao tiêu nông sản và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, cảnh quan môi trường nông thôn có nhiều chuyển biến rõ nét, đời sống tinh thần và vật chất của người dân được cải thiện.

“Quả ngọt” nên nhân rộng

Đến nay, tổng số hộ thực hiện Chương trình cải tạo vườn tạp đạt 412 hộ, trong đó 160 hộ nghèo và cận nghèo được hưởng thụ chính sách (95 hộ cận nghèo, 65 hộ nghèo), đạt 100% so với số hộ đăng ký thực hiện. Số tiền giải ngân đến nay đạt 4,8 tỷ đồng, trong đó năm 2021 giải ngân 62 hộ, số tiền 1,86 tỷ đồng; năm 2022 giải ngân 72 hộ, số tiền 2,16 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm 2023 giải ngân 26 hộ, số tiền 780 triệu đồng; riêng nguồn vốn xã hội hóa huy động từ các cá nhân, tổ chức đạt 348 triệu đồng, cộng với 4.344 công lao động của các đoàn thể, tổ chức tham gia hỗ trợ cải tạo vườn tạp.

Đối với diện tích cải tạo vườn tạp, đến nay huyện Bắc Quang đã thực hiện được 30,4 ha, trong đó tập trung lớn nhất là cải tạo diện tích trồng cây ăn quả, các loại cây hoa màu, nuôi trồng thủy sản, xây dựng chuồng trại...; 134 vườn được đánh giá, 133 vườn hộ đạt tiêu chí và 01 vườn chưa đạt, riêng các tiêu chí khác như: Ứng dụng khoa học kỹ thuật, môi trường, cảnh quan bước đầu được cải thiện rõ rệt và các vườn hộ đang được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn hoàn thiện.

Đặc biệt, tới nay hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường được ghi nhận rõ nét, tổng thu nhập hộ gia đình sau khi thực hiện cải tạo đạt 6,8 tỷ đồng, lợi nhuận sau khi trừ các chi phí đạt 2,9 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 346 lao động, góp phần tích cực thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo và chương trình nông thôn mới tại địa phương.

anh-2-bq.jpg
Huy động cả hệ thống chính trị tham gia hỗ trợ cải tạo vườn tạp giúp người dân thoát nghèo và có thêm thu nhập ổn định

Theo ông Trần Minh Hữu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc tải tạo vườn tạp đã thực sự đi vào đời sống và làm thay đổi đáng kể nhận thức của người dân, từ đó các hộ gia đình đều đồng tình hưởng ứng, ngoài việc đem lại hiệu quả kinh tế to lớn cho hơn trăm hộ dân, còn góp phần cải thiện môi trường nông thôn thông qua các việc làm thực tế như: Dọn dẹp khuôn viên vườn nhà, cảnh quan ao hồ, đường xá xanh – sạch – đẹp.

Từ trong thực tiễn, nhiều cá nhận, mô hình điển hình trong cải tạo vườn tạp, vươn lên thoát nghèo và có kinh tế khá giả đã xuất hiện, điển hình hộ ông Nguyễn Thành Luân, hộ cận nghèo ở thôn Kè Nhạn, xã Đồng Yên được vay 30 triệu đồng năm 2022 để đầu tư nuôi gà thả vườn, cải tạo ao cá và trồng cam kết hợp, đến nay thu nhập hàng năm của gia đình đạt trên 200 triệu đồng. Ngoài ra, còn có hàng chục hộ nghèo và cận nghèo nhờ được tiếp cận với Chương trình cải tạo vườn tạp, Chương trình mục tiêu Quốc gia về xóa đói giảm nghèo... đã từng bước cải thiện thu nhập và vươn lên thoát nghèo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
  • Yên Bái: Hơn 50% diện tích có nguy cơ trượt lở đất đá nguy hiểm
    Hơn 70% số xã với hơn 50% tổng diện tích tỉnh Yên Báo có nguy cơ trượt lở đất đá ở mức cao và rất cao. Việc đánh giá hiện trạng và xây dựng được bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá có vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai.
  • Triển khai phân loại rác thải tại nguồn tới từng thôn, bản
    (TN&MT) - Triển khai phân loại rác thải tại nguồn nhằm tiến tới xử lý rác theo hướng tuần hoàn, giảm chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế là định hướng quản lý chất thải rắn vùng nông thôn ở huyện miền núi Yên Bình (Yên Bái).
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO