Bếp lửa một nét văn hóa xưa
Người đồng bào Bana sinh sống trên địa bàn tỉnh Bình Định tập trung phần lớn ở huyện miền núi Vĩnh Thạnh, Vân Canh và một ít ở huyện vùng cao An Lão. Mặc dù cuộc sống hiện nay có nhiều đổi thay, các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa đều có điện thắp sáng, bà con đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng nhiều thiết bị, đồ dùng điện tử để phục vụ cuộc sống sinh hoạt trong gia đình.
Nhưng cho dù cuộc sống hiện đại, đời sống kinh tế phát triển như thế nào thì có một nét văn hóa truyền thống từ xa xưa được mỗi gia đình người Bana luôn gìn giữ đến ngày nay là gian bếp có ngọn lửa trong ngôi nhà sàn.
Trước đây, ở vùng nông thôn miền núi không có điện thì bếp lửa là nơi thắp sáng, sưởi ấm cho cả gia đình, mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình được mọi người ngồi quanh bếp lửa bàn bạc, thống nhất. Cũng chính vì vậy mà ít khi họ để ngọn lửa bị tắt, nhất là trong những ngày mùa đông giá lạnh.
Bếp lửa trong mỗi gia đình đồng bào Bana chiếm một vị trí rất quan trọng trong tập tục sinh hoạt, đời sống tâm linh. Đồng bào các dân tộc vùng cao thường cho rằng mọi vật đều có linh hồn, có thần lửa, thần bếp. Mỗi bếp lửa có thể đặt ở những vị trí khác nhau, nhưng đều có những quy định, những điều kiêng kỵ hết sức nghiêm ngặt. Người ta không được ngồi, dẫm chân vào chỗ đun bếp, không lấy que gõ vào bếp vì cho rằng làm như vậy sẽ ảnh hưởng đến chăn nuôi, gia súc, gia cầm dễ bị ốm đau, chậm lớn.
Bếp lửa trong đời sống gia đình
Chúng tôi có dịp lên vùng cao Vĩnh Sơn, huyện miền núi Vĩnh Thạnh trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Cơ duyên gặp gỡ bà Đinh Thị Mươi (73 tuổi) đang sinh sống ở làng Suối Đá mới biết thêm về ý nghĩa gian bếp và bếp lửa trong gia đình người Bana.
Mặc dù tuổi cao nhưng bà Mươi rất minh mẫn, bà kể cho chúng tôi nghe chuyện làng, chuyện nước, chuyện bếp lửa: Bếp lửa gắn bó với gia đình chúng tôi từ rất lâu rồi khi thời chưa có điện. Bây giờ nhà có điện, có đồ dùng điện nhưng chúng tôi vẫn luôn có bếp lửa trong nhà. Mọi người đi ra ngoài về, việc đầu tiên vào nhà là nhóm lửa hơ tay chân cho đỡ lạnh hay nấu ấm nước pha trà để tối đến mọi thành viên trong gia đình sum họp quây quần bên bếp lửa trò chuyện thâu đêm.
Bà Đinh Thị Mươi say sưa kể chuyện: Không có bếp lửa sưởi ấm, ở vùng cao tiết trời lạnh lắm. Bếp lửa còn là niềm vui, niềm hạnh phúc, sự đầm ấm, ấm no của mỗi gia đình muốn gửi gắm vào gian bếp nhất là vào những ngày Tết đầu năm mới. Chưa kể bếp lửa còn giữ được độ thơm ngon của thức ăn như cá, thịt các loại động vật được treo gác bếp cả năm mà không bị hư hay thối mốc. Bởi vậy không chỉ gia đình tôi mà trong nhà các hộ dân khác đều có bếp lửa.
Không chỉ góp mặt trong ngôi nhà sàn, không gian bếp lửa còn là nơi đồng bào Bana trao truyền cho các thế hệ trẻ những giá trị văn hoá riêng của dân tộc mình. Trong căn nhà sàn đơn sơ, chúng tôi gặp gỡ trò chuyện với một cô giáo dạy mầm non xinh đẹp người Bana tên Đinh Thị Pam.
Cô giáo Đinh Thị Pam chia sẻ: Mỗi gia đình người Bana đều có bếp lửa, bếp lửa tượng trưng truyền thống văn hóa từ đời trước truyền đời sau, thế hệ này tiếp nối thế hệ trước. Đối với mỗi gia đình, bếp lửa sưởi ấm trong mùa đông giá lạnh trên vùng cao Vĩnh Sơn, kết nối tình yêu thương của mỗi thành viên gia đình khi ngồi bên nhau sưởi ấm, kể nhau nghe những chuyện vui buồn thế sự, bàn bạc những công việc trọng đại của gia đình như chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Cô giáo Đinh Thị Pam tiếp lời: Trong các lễ hội lớn của người đồng bào Bana đều có ngọn lửa hồng đặt giữa trung tâm khu sinh hoạt cộng đồng để mọi người cùng nhau hát, múa, uống rượu cần mùi hương lúa nồng nàn. Là thế hệ trẻ của người đồng bào Bana, tôi cũng như các bạn trẻ vẫn luôn giữ gìn nét văn hóa đặc trưng này như sự tri ân đối với các bậc tiền nhân nơi bản làng quê hương.