Quế Phong (Nghệ An): Đảm bảo quyền bình đẳng của phụ nữ trong vấn đề cấp “sổ đỏ”

Thúy Nhi | 18/07/2022, 09:37

(TN&MT) - Qua thống kê sơ bộ trên địa bàn huyện Quế Phong hiện có trên 80% phụ nữ đứng tên trong “sổ đỏ” của gia đình. Để đạt được kết quả này là một nỗ lực rất lớn của cả cán bộ và người dân trên địa bàn huyện và sự hỗ trợ của Dự án “Tăng cường kiến thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý để đảm bảo quyền bình đẳng về đất đai của phụ nữ dân tộc thiểu số” do Viện tư vấn Phát triển Kinh tế- Xã hội nông thôn và miền núi (CISDOMA) hỗ trợ thực hiện.

Huyện Quế Phong là huyện miền núi, vùng cao, biên giới nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Nghệ An, cách thành phố Vinh khoảng 180 km; có diện tích tự nhiên rộng lớn chiếm 11,3% diện tích toàn tỉnh. Toàn huyện dân số trên 75.599 người, với 4 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 90,4%. Huyện có 13 xã, thị trấn, trong đó có 04 xã biên giới giáp với nước bạn Lào.

Theo UBND huyện Quế Phong, thời gian qua, người sử dụng đất trên địa bàn huyện đã sử dụng đất chấp hành tốt pháp luật về đất đai như: Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất và quy định của pháp luật; thực hiện kê khai đăng ký đất đai; làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật đất đai.

1(1).jpg
Lớp tập huấn “Nâng cao kiến thức pháp luật đất đai và kỹ năng cho Tổ hòa giải cơ sở/CLB phụ nữ” tại các xã huyện Quế Phong do huyện và CISDOMA tổ chức

Để đạt được kết quả này, huyện Quế Phong đã chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến Luật đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật như: tổ chức Hội nghị triển khai các văn bản về pháp luật đất đai, mở các lớp tuyên truyền phố biến giáo dục pháp luật tại các xã, cụm thôn bản.

Hiện nay, trong quá trình đo đạc bản đồ địa chính tổng số thửa được giao cho người dân sử dụng là 104.886 thửa với diện tích là 69.386,68 ha. Trong đó, đất nông nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận là 1822.96 ha (5590 GCNQSD đất), đất nông thôn là 1.226,831 ha (9364 GCNQSD đất), đất đô thị là 178,58 ha (1.857 GCNQSD đất), đất lâm nghiệp là 34.487,35ha (5.991 GCNQSD đất).

Có thể nói, việc quản lý và sử dụng đất ở huyện Quế Phong được thực hiện rất hiệu quả, với nhiều hình thức phù hợp cho từng đối tượng, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật đất đai của các tổ chức và người dân. Qua thống kê sơ bộ thì có trên 80% phụ nữ đứng tên trong bìa đỏ của gia đình tại huyện Quế Phong. Để đạt được kết quả này là một nỗ lực rất lớn của cả cán bộ và người dân trên địa bàn huyện, nhất là thông qua Dự án “Tăng cường kiến thức pháp luật và hỗ trợ pháp lý để đảm bảo quyền bình đẳng về đất đai của phụ nữ dân tộc thiểu số” do Viện tư vấn Phát triển Kinh tế- Xã hội nông thôn và miền núi ( CISDOMA) hỗ trợ thực hiện trên địa bàn từ tháng 7/2020.

2.jpg

Cụ thể, tính đến tháng 5/2022, UBND huyện Quế Phong đã phối hợp CISDOMAthực hiện một số hoạt động cụ thể như: Tổ chức 02 đợt tập huấn cho 120 lượt cán bộ cấp huyện và cấp xã có chức năng tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tham mưu trong công tác quản lý đất đai của huyện và 13 xã dự án, nội dung là các quy định pháp luật liên quan đến bình đẳng nam nữ về quyền sử dụng đất và kỹ năng truyền thông trực tiếp về các quy định pháp luật đất đai. Các lớp tập huấn do dự án tổ chức đã sử dụng đa dạng các phương pháp, cách tiếp cận theo hướng có sự tham gia như: thảo luận nhóm; động não; trò chơi sư phạm; trực quan hóa và thực hành đã giúp các cán bộ chức năng áp dụng được các kiến thức, kỹ năng đã được học vào thực tế công việc của mình tại địa phương.

Tại các xã, thị trấn phối hợp tổ chức 52 sự kiện truyền thông về quy định pháp luật đất đai đã được tổ chức tại 52 thôn bản thuộc 13 xã thị của huyện với sự tham gia của 2.586 người dân (trong đó 72,8% là phụ nữ DTTS).

Các hoạt động tư vấn bao gồm: tư vấn cho 201 lượt người dân (trong đó 54,6% là phụ nữ DTTS) có vướng mắc liên quan đến đất đai của gia đình, của cộng đồng đã được tư vấn các thức giải quyết bởi luật sư của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và cán bộ chức năng địa phương. Các vướng mắc của người dân xoay quanh các nội dung như cấp mới, cấp đổi sổ đỏ; sang tên sổ đỏ khi được thừa kế, tặng cho, chuyển nhượng; chuyển đổi mục đích sử dụng đất và tranh chấp đất đai. Trong đó có 51 trường hợp người dân đang có vướng mắc về tranh chấp đất đai đã được tư vấn bởi các luật sư của Trung tâm TGPL nhà nước tỉnh và cán bộ chức năng địa phương. Các dạng tranh chấp được tư vấn như: tranh chấp mốc giới, sử dụng thửa đất mà sổ đỏ tên người khác, lấn chiếm ranh giới giữa các thửa đất, tranh chấp quyền thừa kế là quyền sử dụng đất, tranh chấp khi phân chia chia quyền sử dụng đất sau ly hôn. 26 cán bộ chức năng của cấp xã (công chức địa chính, công chức Tư pháp- Hộ tịch) đã tham gia thực hiện tư vấn ban đầu cho người dân đang có vướng mắc liên quan đến đất đai. Hình thức tư vấn được thực hiện tại 2 địa điểm là tại nhà văn hóa của thôn,xóm, bản và tại nhà người dân.

3.jpg

Phối hợp với các bên liên quan xây dựng, phát hành tài liệu truyền thông bằng tiếng phổ thông, biên dịch sang tiếng Thái và tiếng Mông, sau đó chuyển sang file âm thanh về quy định pháp luật liên quan đến bình đẳng nam nữ về quyền sử dụng đất. Phát hành cho bà con sau mỗi đợt truyền thông tại thôn, bản.

Có thể nói, trong 2 năm qua, Dự án cơ bản đã đạt được mục tiêu là quyền về đất đai của phụ nữ dân tộc thiểu số tại huyện Quế Phong được đảm bảo công bằng khi có nhận thức đầy đủ và dịch vụ trợ giúp pháp lý được cải thiện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Vietjet được đạtTop 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024
Giải thưởng Top 50 doanh nghiệp phát triển bền vững tiêu biểu 2024 vừa được công bố với các tên tuổi hàng đầu như FPT, Masan Group, Vinamilk, Vietjet...
Đừng bỏ lỡ
  • Yên Bái: Hơn 50% diện tích có nguy cơ trượt lở đất đá nguy hiểm
    Hơn 70% số xã với hơn 50% tổng diện tích tỉnh Yên Báo có nguy cơ trượt lở đất đá ở mức cao và rất cao. Việc đánh giá hiện trạng và xây dựng được bộ bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá có vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai.
  • Triển khai phân loại rác thải tại nguồn tới từng thôn, bản
    (TN&MT) - Triển khai phân loại rác thải tại nguồn nhằm tiến tới xử lý rác theo hướng tuần hoàn, giảm chôn lấp, tăng tỷ lệ tái chế là định hướng quản lý chất thải rắn vùng nông thôn ở huyện miền núi Yên Bình (Yên Bái).
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO