Đơn cử tại Nghệ An, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở đã tham mưu và trình UBND tỉnh ban hành các Quyết định thu hồi 11.514,78 ha ở 11 nông lâm trường. Toàn bộ diện tích đất này sẽ do Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, xã và các công ty nông, lâm nghiệp tổ chức bàn giao đất trên thực địa cho địa phương để quản lý. Từ đó, các địa phương rà soát, có phương án cụ thể để giao cho đồng bào quản lý, sản xuất.
Theo Sở NN&PTNN tỉnh Nghệ An, cùng với các huyện, thị, ngành Nông nghiệp cũng đã có nhiều giải pháp như, chính sách khuyến nông, hỗ trợ cây giống để bà con ở miền núi, đồng bào DTTS phát huy lợi thế và sử dụng quỹ đất được giao hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, Sở sẽ tiếp tục rà soát để đánh giá tính hiệu quả của đất lâm nghiệp. Từ đó, tham mưu cho UBND tỉnh để có những chính sách phù hợp với thực tế, nhằm sử dụng đất hiệu quả, giúp bà con thoát nghèo bền vững”.
Đến thời điểm này, đã có nhiều địa phương bàn giao và tiến hành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đồng bào sống ở miền núi. TUBND huyện Tương Dương (Nghệ An) vừa trao hơn 1.000 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân ở xã Yên Tĩnh.
Từ những đề án, chính sách mà các huyện, thị và cả UBND tỉnh Nghệ An đã thực hiện, đang làm thay đổi nhận thức của người dân sống ở miền núi. Hiệu quả sử dụng đất lâm nghiệp, đất rừng đã được nâng cao. Theo đó, đời sống đồng bào các DTTS đã có nhiều khởi sắc nhờ vào đất lâm nghiệp, đất rừng sản xuất được giao.
Còn tại Đắk Nông, theo Ban đổi mới và phát triển doanh nghiệp Đắk Nông, sau khi tái lập tỉnh (năm 2004), Đắk Nông có 16 nông, lâm trường quốc doanh với tổng diện tích đất được giao hơn 340.000ha, chiếm hơn 50% tổng diện tích của tỉnh. Thực hiện đề án sắp xếp, đổi mới theo Nghị định số 200/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển lâm trường quốc doanh, tổng diện tích đất các nông, lâm trường quản lý giảm còn hơn 282.000 ha, phần còn lại với hơn 58.000 ha được giao về địa phương quản lý.
Vừa qua, Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông đã quyết định thành lập Đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đối với diện tích đất thu hồi từ các nông, lâm trường giai đoạn 2016-2021. Đoàn giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý, sử dụng đối với diện tích đất thu hồi từ các nông, lâm trường giai đoạn 2016-2021 sẽ đánh giá tổng thể các kết quả, các tồn tại, hạn chế; xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân, tổ chức và đề xuất, kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng diện tích đất thu hồi từ các công ty nông, lâm nghiệp; nông, lâm trường giao về địa phương quản lý trong thời gian tới.
Thực tế, để giải quyết vấn đề quản lý và sử dụng đất rừng, Trung ương đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Nghị định yêu cầu các địa phương phải kiên quyết thu hồi diện tích đất rừng không sử dụng, hoặc sử dụng kém hiệu quả để giao cho người dân thiếu đất sản xuất. Đồng thời yêu cầu các Bộ, ngành thực hiện rà soát, cắm mốc giới, đo đạc lập bản đồ địa chính, lập phương án sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đối với các ban quản lý rừng, các công ty nông, lâm nghiệp không thuộc diện thực hiện sắp xếp.
Ngoài việc thực hiện các yêu cầu từ Trung ương, các địa phương cần chủ động quy hoạch, xây dựng các điểm dân cư tập trung, ban hành định mức diện tích đất ở vùng nông thôn; khắc phục tình trạng di cư tự phát, dân cư trú phân tán trên diện rộng trong diện tích đất do các công ty nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng quản lý, sử dụng. Thực hiện ngay việc bàn giao mốc giới, ranh giới và cho thuê đất đối với phần diện tích mà nông, lâm trường giữ lại để quản lý, sử dụng để không xảy ra tình trạng tái lấn chiếm, tranh chấp.
Theo nhiều chuyên gia, đã đến lúc phải có giải pháp kiên quyết nhất, đồng bộ, nhất định phải có biện pháp mạnh mẽ trong chuyện giải thể, phá sản các công ty lâm nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài, thu hồi diện tích để bàn giao cho địa phương quản lý sử dụng. Trong đó bàn giao cho địa phương cũng phải quan tâm đến đối tượng được giao đất, nhận đất là đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần đánh giá kết quả giao đất, giao rừng cho đồng bào DTTS thời gian qua, chỉ rõ nguyên nhân và đề xuất giải pháp để thực hiện tốt công tác giao đất, giao rừng; Tiến hành thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện của các địa phương, trên cơ sở đó có chế tài xử lý đối với những địa phương chậm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước.