Xã hội

Tuyên Hóa (Quảng Bình): Phát huy nguồn lực khoáng sản trong phát triển kinh tế - xã hội

Thanh Tùng 23/06/2023 - 16:41

(TN&MT) - Huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) là địa phương có tiềm năng về khoáng sản. Trong những năm qua, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại địa phương đã có những bước phát triển mạnh, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững cho địa phương.

Đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương

Tuyên Hóa là huyện miền núi nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Bình, có tổng diện tích tự nhiên hơn 112 nghìn ha; toàn huyện có 18 xã, 1 thị trấn, dân số trên 91 nghìn người. Dân số trên địa bàn huyện đa số thuộc dân tộc Kinh, ngoài ra có người Mã Liềng sống tập trung tại 4 bản của 2 xã Thanh Hóa, Lâm Hóa và một số dân tộc khác sống rải rác ở các xã trên địa bàn huyện. Cuộc sống của người dân Tuyên Hóa trong những năm qua, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi tích cực nhờ chính sách phát triển kinh tế đúng đắn của huyện, của tỉnh.

Trong các ngành kinh tế của Tuyên Hóa, khai thác, chế biến khoáng sản là một thế mạnh. Theo ông Hồ Duy Phi - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Tuyên Hóa, huyện có tiềm năng về khoáng sản với nhiều loại khoáng sản khác nhau bao gồm nhiều loại khoáng sản kim loại như vàng, sắt, vonfram, mangan và một số khoáng sản phi kim loại như cát, sỏi, đá vôi, photphorit, đá phiến sét. Đặc điểm chung của các loại khoáng sản trên địa bàn có quy mô nhỏ, phân bố rải rác. Trong đó, chỉ có đá vôi, cát và sét có trữ lượng lớn, đủ điều kiện để phát triển công nghiệp xi măng và vật liệu xây dựng với quy mô lớn.

anh-1(2).jpg
Hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại Tuyên Hóa đã có đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội

Cụ thể, đá vôi phân bố hầu khắp trên địa bàn huyện, có trữ lượng lớn và chất lượng được đánh giá cao với diện tích 526,6 ha, tài nguyên dự báo 327,09 triệu m3; cát, sỏi lòng sông phân bố dọc theo trục sông Gianh, sông Rào Trổ có diện tích 39,8 ha, trữ lượng dự báo khoảng 1,0 triệu m3. Ngoài ra, sét làm nguyên liệu phụ gia cho sản xuất xi măng phân bố tại xã Mai Hóa và xã Phong Hóa với trữ lượng khoảng 24,6 triệu m3; sét gạch ngói phân bố tại xã Thanh Hóa và xã Lê Hóa với với diện tích 13 ha, trữ lượng tài nguyên dự báo khoảng 0,32 triệu m3; đất làm vật liệu san lấp đưa vào quy hoạch với diện tích 20,4 ha, trữ lượng dự báo khoảng 1,0 triệu m3.

Ông Hồ Duy Phi nhấn mạnh, trong những năm qua, hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản tại địa phương đã có những bước phát triển mạnh, đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước và góp phần tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, các mỏ khoáng sản đã được đưa vào quy hoạch để quản lý theo quy định. Hiện tại, có 2 tổ chức đang khai thác đá vôi và đất sét làm nguyên liệu xi măng; 18 tổ chức được cấp phép khai thác tại 10 điểm mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường; 13 tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác tại 8 điểm mỏ cát xây dựng làm vật liệu xây dựng thông thường; có 1 tổ chức được cấp phép khai thác sét tại mỏ sét Ba Tâm, xã Lê Hóa.

Theo đánh giá, công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện đã được các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp cùng với các ngành chức năng quan tâm chỉ đạo, nhất là tăng cường tuyên truyền, phổ biến Luật Khoáng sản và các văn bản hướng dẫn. Các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản ngày càng đi vào nề nếp, cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan. Các tổ chức, cá nhân tham gia vào hoạt động khoáng sản đã chú trọng đầu tư công nghệ khai thác, chế biến làm tăng giá trị khoáng sản. Việc khai thác khoáng sản đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Thúc đẩy khai thác khoáng sản bền vững

Là địa phương còn nhiều khó khăn, nhưng những năm qua, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, kinh tế-xã hội của huyện có bước phát triển khả quan. Trong 3 năm (2020-2022), có 13/20 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ 15, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đạt và vượt chỉ tiêu đề ra. Trên lĩnh vực kinh tế, duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, bình quân đạt 10,41%, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Tổng sản lượng lương thực bình quân trên 23 ngàn tấn, đạt 132,12% so với chỉ tiêu Nghị quyết. Thu ngân sách trên địa bàn bình quân đạt 155 tỷ đồng, đạt 155% so với chỉ tiêu Nghị quyết. Thu nhập bình quân đầu người đạt 46,1 triệu đồng/người/năm, tăng 8,1 triệu đồng so với đầu nhiệm kỳ. Trong kết quả chung này, có phần quan trọng của lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản.

Dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn huyện cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Đó là, tình trạng khai thác trái phép cát sỏi lòng sông ngoài khu vực cấp mỏ vẫn còn xảy ra, chưa giải quyết dứt điểm. Ý thức chấp hành quy định pháp luật đối với hoạt động khoáng sản một số đơn vị chưa nghiêm, chưa thể hiện trách nhiệm trong bảo vệ môi trường, trách nhiệm với cộng đồng, địa phương nơi khai thác khoáng sản. Một số đơn vị nợ đọng thuế kéo dài trong hoạt động khai thác khoáng sản; công tác phối hợp với cơ quan thuế để xử lý tình trạng nợ đọng thuế chưa hiệu quả.

Nêu cụ thể một số bất cập trong quy định pháp luật về khoáng sản, ông Hồ Duy Phi - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Tuyên Hóa cho biết, về việc cải tạo mặt bằng đất đã giao cho hộ gia đình, cá nhân, theo quy định tại điểm b, Khoản 2, Điều 64, Luật Khoáng sản 2010 thì tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường không phải đề nghị cấp Giấy phép khai thác khoáng sản khai thác trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó.

anh-2(1).jpg
Cuộc sống của người dân vùng cao Tuyên Hóa trong một khu tái định cư mới được xây dựng. Ảnh: Thanh Tùng

Tuy nhiên, với đặc điểm địa hình của huyện Tuyên Hóa không bằng phẳng, bị chia cắt nhiều, khi thực hiện xây dựng công trình nhà ở, đất nông nghiệp phát sinh lượng đất dư thừa từ hoạt động cải tạo mặt bằng. Đối với diện tích đất nông nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá nhân đã được UBND tỉnh cho phép thực hiện cải tạo mặt bằng, tận thu đất san lấp để thu ngân sách và quản lý nhưng chỉ thực hiện được trên thửa đất có diện tích lớn, đỉnh đồi và chi phí thực hiện phương án khá lớn. Còn đối với việc cải tạo vườn ở, đất nông nghiệp nhỏ lẻ hiện tại, các hộ gia đình đăng ký với UBND xã giám sát và bố trí vị trí đổ thải, lượng đất san lấp từ hoạt động cải tạo mặt bằng này khá lớn và chưa được quy định cụ thể. Đề nghị có quy định, hướng dẫn cụ thể hơn để quản lý.

Đối với quy định về lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu giữ thông tin, số liệu liên quan, ông Hồ Duy Phi cho rằng, theo quy định tại khoản 2, Điều 42, Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản và khoản 2, Điều 3, Thông tư số 61/2017/TT-BTNMT ngày 22/12/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định quy trình, phương pháp xác định và các biểu mẫu thống kê sản lượng khoáng sản khai thác thực tế: “Tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản (trừ hộ kinh doanh) phải lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi khu vực khai thác; lắp đặt camera giám sát tại các kho chứa để lưu giữ thông tin, số liệu liên quan”.

“Tuy nhiên, đối với các bãi tập kết cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn huyện hầu hết quy mô nhỏ, bãi tập kết ven sông, ngập lụt hàng năm và chi phí lắp đặt lớn. Do đó, đề nghị có quy định, hướng dẫn cụ thể hơn về nội dung trên”, ông Hồ Duy Phi kiến nghị.

Để từng bước khắc phục hạn chế, đưa việc khai thác khoáng sản đi vào nền nếp, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội của huyện, trong thời gian tới, huyện Tuyên Hóa xác định tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường; xây dựng nội dung, kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường năm 2023; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất - kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về khoáng sản đảm bảo phát triển bền vững, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, phát huy hiệu quả và giá trị tài nguyên.

Triển khai hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 của huyện Tuyên Hóa (áp dụng cho năm 2021) đã giảm từ 31,77% năm 2016 xuống còn 5,07% năm 2021; tính theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 (áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025) hộ nghèo năm 2021 chiếm tỷ lệ 8,78%; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 23,78 triệu đồng/người năm 2015 lên 38 triệu đồng/người năm 2020.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyên Hóa (Quảng Bình): Phát huy nguồn lực khoáng sản trong phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO