Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn các lực lượng Tôn giáo tham gia phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.HCM

Trí Việt | 29/08/2021, 20:12

(TN&MT) - Trong chuyến công tác chỉ đạo phòng, chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã dành một quãng thời gian quý báu gặp gỡ cảm ơn, động viên đội ngũ tình nguyện viên thuộc các tôn giáo đang tình nguyện phục vụ tại các bệnh viện dã chiến và bếp ăn từ thiện trên địa bàn.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam gặp gỡ lãnh đạo, nhân viên Bệnh viện dã chiến số 10.

Tại Bệnh viện dã chiến số 10 đóng tại TP. Thủ Đức, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gặp gỡ Lãnh đạo Bệnh viện và các lực lượng chức năng làm công tác chuyên môn, phục vụ; thăm hỏi, động viên, chia sẻ khó khăn, đồng thời lưu ý Bệnh viện cố gắng quan tâm bổ sung chế độ chăm sóc đối với người bệnh để người bệnh mau chóng bình phục.

Bệnh viện hiện đang có gần 50 người là nữ tu Công giáo và Tăng, Ni, Phật tử tình nguyện phục vụ, chăm sóc bệnh nhân, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gặp gỡ, cảm ơn và gửi lời hỏi thăm tất cả tình nguyện viên tôn giáo đã không ngại khó khăn, gian khổ để chung tay cùng chính quyền chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: "Giữa lúc bệnh tình gây hoang mang, lo lắng, có các nữ tu Công giáo, các Tăng, Ni, Phật tử kề cạnh động viên, an ủi sẽ là liều thuốc tinh thần rất lớn, tiếp thêm sức cho người bệnh vượt qua bệnh tật".

Trò chuyện với Phó Thủ tướng, nữ tu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Dòng nữ Đaminh Bà Rịa thuộc Giáo phận Bà Rịa chia sẻ, mới đầu vì chưa quen công việc tại Bệnh viện nên cũng như các tình nguyện viên khác, nữ tu rất bỡ ngỡ và lo lắng. Tuy nhiên, sau thời gian được các bác sĩ bệnh viện hướng dẫn, nhất là khi đã quen việc, mọi người thấy không quá khó khăn và lo sợ như ban đầu nữa.

PTT Vũ Đức Đam trò chuyện với nữ tu Nguyễn Thị Hồng Hạnh ngoài cùng bên trái và thầy Thích Thanh Đạo đang hỗ trợ chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến số 10  

Trong nhóm nữ tu tình nguyện tại Bệnh viện dã chiến số 10, ban đầu có người chỉ đăng ký đi 1 hoặc 2 tháng. Khi tiếp xúc với thực tế tại Bệnh viện, chứng kiến sự vất vả của đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên phục vụ và chứng kiến nỗi đau về thể xác của bệnh nhân, họ cảm thấy nhu cầu chăm sóc bệnh nhân là rất cao nên hầu hết các tình nguyện viên đăng ký ở lại thêm.

Cảm nhận chung của các tình nguyện viên về người nhiễm Covid-19 đang được điều trị tại Bệnh viện đó là, theo nguyên tắc, tất cả các bệnh nhân Covid-19 đều không có người thân bên cạnh, khi được y bác sĩ và tình nguyện viên hỗ trợ, thăm hỏi, người bệnh rất xúc động trước tình yêu thương nên mau bình phục hơn. Sự chăm sóc hỗ trợ động viên của các tình nguyện viên là liều thuốc tinh thần quý giá đối với người bệnh. Còn đối với các y bác sĩ và tình nguyện viên, chứng kiến nhiều người được xuất viện trong sự mừng vui, họ đều thấy rất ấm lòng và quên đi mệt nhọc.

Từ tấm lòng đi đến tấm lòng quả không có gì xa xôi khi con người biết sẻ chia và gánh vác trách nhiệm với cộng đồng. Đối với các tình nguyện viên, công việc này là sự kế tục, phát huy phẩm chất tốt đẹp của đức Phật và đức Chúa về sự hy sinh, sự cho đi những điều tốt đẹp. Họ đã dấn thân vào nơi hiểm nguy và phục vụ hết mình bằng tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm. Nguyện vọng lớn nhất của các tình nguyện viên là cầu mong một ngày hết bệnh nhân, bệnh viện dã chiến này và các bệnh viện khác được giải thể. Đáp lại tấm lòng của các tình nguyện viên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: "Tất cả chúng ta đều mong như vậy, nhưng bây giờ không chỉ mong nữa mà phải làm cho nó giải thể nhanh nhất, và chắc chắn mình làm được".

Bệnh viện dã chiến số 10 hiện có 3.000 giường, đang điều trị cho hơn 1.200 bệnh nhân Covid-19. Biên chế hiện tại của Bệnh viện khoảng 100 y bác sĩ, điều đưỡng và hơn 50 nhân sự ngoài y tế.

Tiếp đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn đến thăm bếp ăn tại Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (phường Bình Thọ, TP. Thủ Đức) do Đại đức Thích Minh Đạo - Trụ trì chùa Nam Thiên Nhất Trụ tổ chức.

PTT Vũ Đức Đam thăm bếp ăn từ thiện tại Trường tiểu học Lương Thế Vinh 

Bếp được mở từ ngày 7/7, có ngày cao điểm, bếp nấu tới 6.000 suất cơm. Bếp luôn đảm bảo các suất ăn luôn hợp vệ sinh, gạo thơm, rau củ tươi, thức ăn chất lượng; từ khâu sơ chế, chế biến, phân phối và sắp các suất cơm vào hộp mang tới các lực lượng tuyến đầu chống dịch đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn trong phòng, chống dịch.Đại đức Thích Minh Đạo cho biết, bếp ăn do chùa kết hợp nhóm thiện nguyện Từ Tâm mỗi ngày nấu 5.000 suất cơm mặn chuyển tới lực lượng tuyến đầu chống dịch, bà con trong các khu cách ly ở TP. Thủ Đức và Bình Dương.

Bếp luôn đảm bảo các suất ăn đều hợp vệ sinh, gạo thơm, rau củ tươi, thức ăn chất lượng

Đại đức Thích Minh Đạo chia sẻ thêm, nơi nào khó khăn, cần bao nhiêu suất cơm, chùa đều sẵn lòng nấu tặng. Còn với những nơi có thể nấu cơm được, chùa sẽ tặng gạo, rau củ để bà con tự nấu. Được biết tới 28/8, chùa đã tặng 70 tấn gạo đến bà con Bình Dương và các quận huyện của TP.HCM.

Lực lượng nấu ăn của bếp đều là các tình nguyện viên gồm các Tăng, Ni, tín đồ Phật tử, đoàn viên thanh niên, dân quân tự vệ… Đầu bếp là các giáo viên lâu nay nấu cơm cho Trường Tiểu học Lương Thế Vinh ở lại phục vụ bếp trong mùa dịch. Hiện chùa đang mở thêm một bếp ăn ở Bình Dương để tiện cho việc phục vụ trong điều kiện dịch bệnh tại Bình Dương ngày càng diễn biến phức tạp.

Phó Thủ tướng một lần nữa cảm ơn sự chung tay của bếp ăn nói riêng và các tôn giáo nói chung đã cùng với chính quyền gánh vác, hỗ trợ cho lực lượng chống dịch, bệnh nhân và người dân trong những ngày tháng khó khăn. Những cử chỉ hỗ trợ đầy ấm áp đã vun đắp thêm truyền thống nhân ái, nghĩa đồng bào, sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn để đất nước sớm vượt qua đại dịch.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 2
Sáng 25/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức khai mạc Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 2.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO