(TN&MT) - Cộng đồng người Chăm Islam, hay còn gọi là người Chăm theo đạo Hồi ở Việt Nam sinh sống tập trung chủ yếu ở các tỉnh phía Nam. Cùng với sự giúp đỡ, hỗ trợ việc làm từ các tổ chức chính trị - xã hội cũng như cộng đồng Islam giáo, đời sống kinh tế - xã hội của người Chăm Islam đã có những thay đổi rõ nét cả vật chất lẫn tinh thần, bắt nhịp với xu thế phát triển của đất nước.
Theo báo cáo của Ban Tôn giáo Chính phủ, cộng đồng người Chăm Islam hiện có khoảng 72.000 tín đồ (bao gồm cả Chăm Bàni và Chăm Islam). Khảo sát thực tế của Viện Nghiên cứu Tôn giáo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho thấy, hiện nay, các tỉnh, thành vùng Nam bộ có cộng đồng Chăm Islam đang sinh sống là: Ninh Thuận, Bình Thuận, An Giang, Kiên Giang, Tây Ninh, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Trà Vinh. Riêng Hà Nội có một cộng đồng nhỏ theo Islam, sinh hoạt tại thánh đường số 12 phố Hàng Lược.
Theo TS Nguyễn Thị Quế Hương (chuyên gia Viện Nghiên cứu Tôn giáo), là một trong những cộng đồng tộc người ở Việt Nam, người Chăm đã sinh sống trên dải đất miền Trung, Việt Nam từ lâu. Trải qua thời gian cũng với thăng trầm lịch sử, người Chăm Islam đã di cư sang các nước xung quanh. Mãi đến cuối thế kỷ XIX, quá trình giao thương ở vùng Nam bộ với bên ngoài ngày càng phát triển đã tạo điều kiện cho người Chăm Islam gốc Việt từ Malaysia và Indonesia nhập cư trở lại vùng đất này, dần hình thành cộng đồng cư dân ngoại lai theo Islam giáo ở TP. Hồ Chí Minh, An Giang, Tây Ninh…. Trong quá trình phát triển, người Chăm Islam có sự giao thoa, hội nhập với các tộc người khác ở trong nước và quốc tế. Từ đó, tạo ra những nét văn hóa đặc sắc riêng của cộng đồng này và có nhiều điểm tương đồng với văn hóa dân tộc Việt Nam.
Phần lớn cộng đồng Chăm Islam sống ở nông thôn nhiều hơn thành thị, nên công việc chính của họ là nghề nông và nghề tự do, buôn bán nhỏ lẻ... Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước và của cộng đồng Islam giáo trong nước, quốc tế, cộng đồng Chăm Islam trong những năm gần đây đã có những bước chuyển mình, chủ động hội nhập kinh tế và có những đóng góp cho xã hội.
Tính đến nay, đã gần 20 năm các địa phương có cộng đồng người Chăm Islam sinh sống thực hiện các Chỉ thị, Thông báo trong vùng đồng bào người Chăm, như: Thông báo số 119-TB/TW ngày 30/9/2003 của Ban Bí thư về “Chủ trương công tác đối với Hồi giáo trong tình hình mới”; Chỉ thị 06/2004/CT-TTg ngày 18/02/2004 về tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự đối với vùng đồng bào Chăm trong tình hình mới (giai đoạn 2004-2015)... Việc hỗ trợ và giải quyết công ăn việc làm của đồng bào Chăm Islam giáo được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và đã đạt được nhiều kết quả khả quan.
Theo số liệu tổng hợp từ Ủy ban Dân tộc, chỉ sau 10 năm triển khai Chỉ thị 06, các tỉnh, thành có đồng bào Chăm nói chung và Chăm Islam nói riêng đều đã tạo được chuyển biến tích cực. 100% xã có đường ô tô được kiên cố hóa đến trung tâm xã, có điện sinh hoạt, trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, điểm bưu điện văn hóa xã... Hệ thống nước sinh hoạt tập trung được đầu tư đảm bảo phục vụ đời sống, sinh hoạt của người dân. Hệ thống thủy lợi đã được đầu tư cơ bản đảm bảo yêu cầu phục vụ tưới tiêu sản xuất.
Các xã thuần Chăm đều có chợ (một số xã có 2 chợ) phục vụ nhu cầu mua, bán, trao đổi hàng hóa… Vấn đề thiếu và không có đất sản xuất cơ bản được giải quyết. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân mỗi năm từ 1 - 2,4%/năm, tiệm cận với tỷ lệ giảm nghèo bình quân chung của cả nước.
Cùng với hỗ trợ của các tổ chức, về chăm sóc sức khỏe, cho vay vốn, xây dựng cơ sở vật chất và dạy làm kinh tế, cộng đồng Chăm còn được chính những người Chăm Islam giáo hỗ trợ, nhất là trong thực hành tôn giáo như lễ Korban. Theo TS Nguyễn Thị Quế Hương, việc hỗ trợ tiền, hiện vật khá phổ biến trong cộng đồng Chăm Islam, bởi bất kỳ người Islam nào cũng phải thực hiện Zakat - nghĩa vụ quyên góp của một cá nhân mỗi năm cho các hoạt động từ, đặc biệt đối với những người khá giả, giàu có lại càng phải quyên góp nhiều hơn. Người Islam giáo không được phép cho vay vốn, hoặc có chăng là số ít, vì đó là điều cấm kỵ theo lời dạy củaThánh Allah trong Kinh Qur’an, nên họ chỉ đi vay vốn của nhà nước. Sự trợ giúp của các tổ chức Islam ở nước ngoài cũng gián tiếp tạo ra nguồn lực kinh tế cho địa phương.
Cùng với những hỗ trợ của các tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng Islam giáo, bản thân người Chăm Islam cũng cố gắng, tạo dựng cho mình những mối quan hệ có ích, có thể hỗ trợ họ trong cuộc sống, đây cũng là một nét đẹp trong văn hóa ứng xử, ngoại giao của người Islam luôn hài hòa, niềm nở, giao du trong quá tình mưu sinh. Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Tôn giáo cho thấy, người Chăm Islam tại Việt Nam luôn giữ mối quan hệ tốt với những người thuộc các dân tộc khác không theo Islam giáo; cũng như người Chăm và tộc người khác theo Islam giáo ở nước ngoài. Điều đó cho thấy, tính di cư cả trong nước và quốc tế cũng là yếu tố tạo lên các mối quan hệ có ích cho cuộc sống của họ, đồng thời, khẳng định tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng Islam giáo.
Người Chăm Islam giáo luôn hướng ngoại, mong muốn mở rộng các mối quan hệ của họ với các cộng đồng khác để tăng cường giao lưu đoàn kết, gắn bó, đúng với tinh thần dân tộc Việt Nam là hai chữ "đồng bào" mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao.
Có thể thấy, các chính sách của Đảng và Nhà nước dành cho cộng đồng Chăm nói chung và Chăm Islam nói riêng đang phát huy hiệu quả tích cực. Khi kinh tế phát triển, đời sống của các tín đồ được nâng lên cũng sẽ góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh trật tự, củng cố khối đoàn kết toàn dân và lòng tin trong cộng đồng về một tương lai thịnh vượng hơn.