Công tác tín ngưỡng tôn giáo

Cộng đồng tôn giáo Lạng Sơn đồng lòng xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc

Hoàng Nghĩa 14:20 23/05/2023

(TN&MT) - Với 3 tôn giáo đang hoạt động là Phật giáo, Công giáo, Tin lành, trên 11.200 tín đồ, những năm qua, cộng đồng tôn giáo tỉnh Lạng Sơn đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Hứa Văn Đại, Trưởng ban Phong trào, Dân tộc, Tôn giáo - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn.

PV: Xin ông cho biết đặc điểm cộng đồng tôn giáo trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện tại?

Ông Hứa Văn Đại:

Toàn tỉnh Lạng Sơn hiện có 3 tôn giáo: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, với 11.280 tín đồ, chiếm gần 1,4% dân số toàn tỉnh; có 11 cơ sở tôn giáo, 52 vị chức sắc và 52 vị chức việc.

Các chức sắc, chức việc, đồng bào tôn giáo yên tâm, phấn khởi, đoàn kết, sống “tốt đời, đẹp đạo”; sinh hoạt tôn giáo theo đúng quy định; tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo; thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân; nêu cao tinh thần yêu nước, ý thức cảnh giác, không để các thế lực thù địch lợi dụng chia rẽ các tôn giáo và dân tộc.

Tích cực hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động từ thiện nhân đạo, nổi bật là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc.

Những năm gần đây, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm giúp đỡ tạo điều kiện cho các tôn giáo sửa chữa, xây dựng mới một số cơ sở nhà thờ, nhà nguyện, chùa… bảo đảm phục vụ sinh hoạt tôn giáo của người dân theo đạo.

Các lễ hội, lễ trọng lớn như: Phật đản, Giáng sinh, Vu lan, Phục sinh, Xuân Tân Thanh, Chúc thọ đầu Xuân… đều được Chính quyền, Mặt trận quan tâm hướng dẫn, tạo điều kiện tổ chức, thu hút tín đồ, phật tử từ nhiều nơi trong và ngoài tỉnh tham dự. Qua đó, đồng bào các tôn giáo càng tin tưởng vào chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước.

20230509_090110.jpg
Ông Hứa Văn Đại - Trưởng ban Phong trào, Dân tộc, Tôn giáo - Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lạng Sơn

PV: Những năm qua, cộng đồng tôn giáo Lạng Sơn đã có những đóng góp như thế nào vào công cuộc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc?

Ông Hứa Văn Đại:

Phát huy phương châm sống “Tốt đời đẹp đạo”, thực hiện đường hướng hoạt động “Đạo pháp dân tộc và chủ nghĩa xã hội”, “Hộ quốc an dân” của đạo Phật; “Sống phúc âm trong lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” của đạo Công giáo; “Kính Chúa và yêu nước” của đạo Tin Lành, các tôn giáo đã thường xuyên động viên, hướng dẫn các tín đồ gắn bó, đồng hành cùng dân tộc.

Hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước và các Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; xây dựng quỹ “Vì người nghèo”, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “từ thiện nhân đạo”, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác Hồ…

Cùng với đó, các tổ chức tôn giáo và các tín đồ, phật tử đã tham gia tích cực các hoạt động an sinh xã hội, nhân đạo, từ thiện, giúp đỡ những người không may gặp hoạn nạn khó khăn, người già cả neo đơn. Tiêu biểu như Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã tuyên truyền, vận động các phật tử, nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, tôn giáo lành mạnh;

Vận động bà con phật tử và các nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ xây dựng hàng chục cầu an lạc trị giá trên 1 tỷ đồng; hơn 40 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo trị giá hơn 1,8 tỷ đồng; xây dựng một số đường nhánh kiểm tra cột mốc, bảo vệ biên giới, trị giá 300 triệu đồng. Thăm, tặng hàng nghìn xuất quà nhân dịp Tết đến Xuân về cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, các trung tâm bảo trợ, mái ấm tình thương, học sinh nghèo vượt khó…

Đồng bào Công giáo đã hiến hàng ngàn m2 đất, hàng nghìn ngày công lao động tham gia xây dựng nông thôn mới; trao tặng hàng chục xe lăn cho người khuyết tật; hàng nghìn quyển vở, đồ dùng học tập cho các cháu học sinh nhân dịp năm học mới; hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho các gia đình chính sách, người già không nơi nương tựa; tích cực tham gia công tác giáo dục, chăm sóc sức cộng đồng tại các trung tâm mái ấm tình thương, lớp học mầm non thuộc cơ sở tôn giáo…

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, các tổ chức tôn giáo thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; ủng hộ hơn 250 triệu đồng cùng nhiều trang bị, vật tư, nhu yếu phẩm cho các điểm cách ly phòng chống Covid-19. Qua đó, phát huy truyền thống yêu nước, ý thức đoàn kết dân tộc, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo, bồi đắp lòng nhân ái cùng những giá trị văn hóa dân tộc.

phat-giao-3.jpg
Các tổ chức tôn giáo ủng hộ hàng trăm triệu đồng cùng nhiều trang bị, vật tư, nhu yếu phẩm cho các điểm cách ly phòng, chống Covid-19.

PV: Để phát huy hơn nữa vai trò của đồng bào tôn giáo trong công cuộc xây dựng tỉnh, Lạng Sơn đã và đang triển khai những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nào?

Ông Hứa Văn Đại:

Để phát huy hơn nữa vai trò của đồng bào các tôn giáo, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tỉnh đã và đang tiếp tục tăng cường xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết lương – giáo trên nền tảng truyền thống đạo đức, văn hóa, gắn bó đồng hành cùng dân tộc.

Tuyên truyền, vận động đồng bào các tôn giáo chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những quy định của địa phương, nhất là các chính sách về tôn giáo. Quan tâm lựa chọn, bồi dưỡng những người tiêu biểu trong đồng bào các tôn giáo tham gia MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở các cấp.

Phát huy vai trò của đồng bào tôn giáo tham gia giám sát, phản biện các vấn đề, các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cơ sở. Động viên tín đồ, phật tử các tôn giáo hưởng ứng, tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả các cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới và “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động và các phong trào thi đua yêu nước khác.

img_20230521_091951.jpg
Cộng đồng tôn giáo tỉnh Lạng Sơn đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần vào sự phát triển của tỉnh Lạng Sơn.

Đẩy mạnh các hoạt động an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa. Xây dựng, nhân rộng những mô hình điểm cộng đồng tôn giáo và nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu. Phát huy tinh thần bác ái, yêu thương bằng những hành động cụ thể, thiết thực trong lao động sản xuất, kinh doanh, học tập, công tác; đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế để giảm nghèo bền vững.

Thực hiện dân chủ, giữ vững kỷ cương, đấu tranh ngăn chặn mọi âm mưu lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để lôi kéo, kích động đồng bào, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Góp phần xây dựng quê hương Xứ Lạng giàu đẹp, phát triển, đóng góp tích cực trong việc củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc.

Trân trọng cảm ơn ông!

Bài liên quan
  • Phát huy tinh thần đoàn kết trong cộng đồng tôn giáo
    (TN&MT) - Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân, bảo đảm sinh hoạt tôn giáo đúng pháp luật, giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực trong truyền thống dân tộc, tạo điều kiện cho đồng bào có đạo và chức sắc các tôn giáo thực hiện tốt việc tu hành chân chính và làm tròn trách nhiệm của công dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 2
Sáng 25/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tổ chức khai mạc Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ 2.
Đừng bỏ lỡ
  • Sơn La: Quan tâm bảo vệ môi trường các lễ hội
    (TN&MT) - Nằm ở phía Tây Bắc của Tổ quốc, Sơn La hội tụ 12 dân tộc anh em với kho tàng di sản văn hóa mang sắc thái riêng độc đáo của từng dân tộc, đã tạo nên bức tranh văn hoá đa dạng, phong phú, cùng hệ thống lễ hội đa sắc thái. Quan tâm phát triển lễ hội gắn với bảo vệ môi trường là những mục tiêu trọng tâm đang được địa phương chú trọng triển khai.
  • Luật hóa quy định quản lý môi trường lễ hội
    (TN&MT) - Bảo vệ môi trường được xem là một trong các tiêu chí đánh giá năng lực công tác quản lý nhà nước, hiệu quả tổ chức lễ hội ở địa phương. Nhiều văn bản pháp luật đã quy định rõ về trách nhiệm, hướng dẫn việc quản lý môi trường, để hướng đến những “lễ hội xanh”.
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO