Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến tặng quà Học viện Học viện Phật giáo Nam tông Khmer nhân dịp Tết Tân Sửu 2021. Ảnh: quochoi.vn |
Cùng tham gia đoàn công tác có Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân. Về phía Học viện Phật giáo Nam tông Khmer có Hoà thượng Đào Như, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer cùng các thành viên Học viên.
Tại buổi tiếp, Hòa thượng Đào Như, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer đã thông báo với đoàn về tình hình hoạt động của Học viện. Theo đó, năm 2017, Uỷ ban nhân dân Thành phố Cần Thơ đã giao đất sạch để xây dựng Học viện. Đến nay, Học viện đã xây dựng sở khang trang, góp phần quan trọng vào việc mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo.
Đây là cơ sở đào tạo cử nhân Phật học cho hệ phái Nam tông Khmer đầu tiên được thành lập tại Việt Nam, tạo tiền đề quan trọng thực hiện mục tiêu nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng nguyện vọng của sư sãi, đồng bào Khmer vùng Nam Bộ. Tuy nhiên, hiện nay còn bất cập do chưa có sự liên thông giữa Học viện với các cơ sở đào tạo ngoài tôn giáo nên những năm gần đây số lượng tăng sinh giảm dần.
Hòa thượng Đào Như mong muốn Nhà nước cần tạo điều kiện về cơ chế chính sách đặc thù để học viện mở rộng quy mô và đối tượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu về cán bộ dân tộc thiểu số Khmer đồng thời phải tiếp tục bảo tồn tiếng nói, chữ viết, và văn hoá truyền thống của dân tộc.
Làm rõ hơn về nội dung trên, Nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Sơn Phước Hoan cho biết, hiện nay tại các tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh đã có trường dân tộc nội trú dành riêng cho con em người dân tộc Khmer và hàng trăm trường học ở vùng có đông đồng bào Khmer dạy song ngữ Việt - Khmer, trong khi đó theo Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer là cơ sở tôn giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, không phải là hệ thống trường dân tộc nội trú do đó không có sự liên thông giữa các cơ sở này với nhau.
Nguyên Thứ trưởng Sơn Phước Hoan kiến nghị cần phải có cơ chế đặc thù để Học viện Phật giáo Nam tông Khmer được hưởng các chính sách như trường dân tộc nội trú thì mới có thể đạt được các mục tiêu như đề ra khi xây dựng đề án và giải quyết được các bất cập hiện nay.
Ghi nhận những ý kiến phản ánh từ Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho rằng, đây là những vấn đề lớn và có tác động quan trọng đối với sự phát triển chung của đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Hà Học Chiến cho biết, trong thời gian tới khi triển khai thực hiện Đề án và chương trình mục tiêu Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 cũng có những quy định về chính sách đặc thù, Hội đồng Dân tộc sẽ nghiên cứu đầy đủ hơn và có ý kiến đóng góp với các cấp ngành liên quan nhằm tháo gỡ bất cập về chính sách, tạo điều kiện cho các tôn giáo, dân tộc phát triển, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.