Xã hội

Yên Khánh - Ninh Bình: Kinh nghiệm giảm nghèo bền vững

Bảo Hà 30/10/2023 - 13:00

Sau 2 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, công tác giảm nghèo ở Ninh Bình đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân. Từ đó, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất đến các dịch vụ xã hội cơ bản, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo.

yk.png
Huyện Yên Khánh triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống, mở ra cơ hội cho hộ nghèo có vốn sản xuất, có việc làm tăng thu nhập, đời sống vật chất tinh thần của người nghèo được cải thiện.

Xác định công tác giảm nghèo có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, an sinh xã hội, trong những năm qua các chính sách giảm nghèo luôn được sự quan tâm từ lãnh đạo Huyện. Chính sách giảm nghèo gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện đã thực sự trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức đoàn thể các cấp.

Những chính sách giảm nghèo đã được huyện Yên Khánh triển khai thực hiện và đi vào cuộc sống, mở ra cơ hội cho hộ nghèo có vốn sản xuất, có việc làm tăng thu nhập, đời sống vật chất tinh thần của người nghèo được cải thiện, những nhu cầu tối thiểu về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh môi trường… các cơ chế chính sách, dự án được phối hợp lồng ghép, tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đạt kết quả.

Cụ thể, giai đoạn 2021 - 2025 huyện Yên Khánh đã thực hiện phân bổ nguồn kinh phí hàng năm thực hiện các Dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Trong đó, năm 2021, huyện Yên Khánh đã xây dựng kế hoạch triển khai Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo thông qua hỗ trợ nuôi gà thịt” cho 16 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn 2 xã Khánh Hải và Khánh Lợi, nhìn chung các hộ tham gia Dự án rất phấn khởi với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, con giống phát triển tốt.

g.png
Yên Khánh đã xây dựng kế hoạch triển khai Dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo thông qua hỗ trợ nuôi gà thịt”

Năm 2022, huyện đã phân bổ vốn sự nghiệp cho các đơn vị, UBND các xã, thị trấn là 3.974 triệu đồng để triển khai thực hiện 5 Dự án, tiểu dự án thành phần. Các đơn vị đã thực hiện giải ngân được 666 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 16,76%...

Năm 2023, huyện đã phân bổ vốn sự nghiệp cho các đơn vị, UBND các xã, thị trấn là 3.999,1 triệu đồng, cùng với nguồn kinh phí năm 2022 chưa thực hiện, chuyển nguồn sang năm 2023 để triển khai thực hiện 5 Dự án, tiểu dự án thành phần. Các đơn vị đang trong quá trình triển khai và đã thực hiện, đến thời điểm hiện tại đã giải ngân được 1.685,56 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 42,15%…

Trong giai đoạn 2021- 2025 tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm đều theo các năm. Trong đó, năm 2021 có 1.603 hộ nghèo (chiếm 3,37%); cuối năm 2022 còn 1.133 hộ nghèo (chiếm 2,36%); thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là 68,78 triệu đồng/người. Công tác giải quyết việc làm được chú trọng, đơn cử, 8 tháng đầu năm 2023, huyện Yên Khánh đã tạo việc làm mới cho 2.300 lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

yk3.png
Huyện Yên Khánh đã tạo việc làm mới cho 2.300 lao động, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Phạm Ngọc Điệp, Trưởng phòng Lao động - Thương binh xã hội huyện Yên Khánh chia sẻ, trong quá trình triển khai thực hiện Chương mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn huyện đã rút ra một số bài học kinh nghiệm.

Đó là, cần nhận thức đầy đủ xóa đói giảm nghèo là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, của người nghèo, hộ nghèo, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; giải quyết phải đồng bộ, toàn diện, giảm nghèo không chỉ giải quyết về vấn đề ăn, ở, nước sinh hoạt, mà còn phải giải quyết các vấn đề khác như điện, đường giao thông, trường lớp học, trạm y tế, sinh hoạt văn hóa, thể thao ... của người dân. Tăng cường sự chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp với công tác xoá đói giảm nghèo; thường xuyên kiện toàn, bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đặc biệt là việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư; kết hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa nguồn lực đầu tư của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và của cộng đồng, gắn đầu tư cho phát triển sản xuất với đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực.

Theo ông Phạm Ngọc Điệp, cần thường xuyên tuyên truyền cho người nghèo, hộ nghèo có nhận thức đúng đắn, có ý thức tự phấn đấu vươn lên giảm nghèo; biết thực hành tiết kiệm, học hỏi tự tạo việc làm, tận dụng các cơ hội và sử dụng có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của các doanh nghiệp và cộng đồng.

yk2.png
Huyện còn tập trung các nguồn lực, đặc biệt là việc lồng ghép các nguồn vốn đầu tư; kết hợp chặt chẽ, có hiệu quả giữa nguồn lực đầu tư của Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp và của cộng đồng

Ngoài ra, hàng năm rà soát chính xác thực trạng hộ nghèo, xác định được nguyên nhân nghèo, đề ra giải pháp tổ chức thực hiện cụ thể đối với từng cấp, từng ngành, phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng cho tập thể và cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và phối hợp thực thi nhiệm vụ.

“Cuối cùng, thường xuyên củng cố, tăng cường vai trò của Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp, có cơ chế xác định trách nhiệm, đánh giá trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo các cấp; thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo, đồng thời tổ chức sơ, tổng kết nhân rộng điển hình” – ông Phạm Ngọc Điệp nói.

Ông Phạm Ngọc Điệp cũng cho biết thêm, để hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý và tổ chức thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021 – 2025, UBND huyện tập trung thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản... Chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là ở các vùng khó khăn; đa dạng hóa sinh kế, phát triển sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm, thu nhập tốt cho người nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yên Khánh - Ninh Bình: Kinh nghiệm giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO