Kinh tế

Thanh Hóa: Khát vọng làm giàu từ mô hình trồng rừng

Thu Thủy - Lê Tuấn 26/09/2023 - 13:26

Chính sách giao khoán trồng rừng kết hợp chăn nuôi là điểm sáng trong công tác xoá đói giảm nghèo tại xã Hà Tân, huyện Hà Trung (Thanh Hóa). Mô hình đang được Cựu chiến binh Lê Văn Bình vận dụng hiệu quả, phủ xanh đồi trọc, góp phần phát triển kinh tế bền vững, ổn định thu nhập cho nhiều lao động địa phương.

Định hướng phát triển kinh tế rừng

Nhiều năm trước đây, đời sống bà con xã Hà Tân, huyện Hà Trung, Thanh Hóa trải qua muôn vàn khó khăn, với địa hình đồi núi đá chia cắt hiểm trở, cơ sở hạ tầng giao thông thiếu và yếu, môi trường sống không đảm bảo, dẫn đến đời sống kinh tế xã hội tương đối nghèo nàn, chậm phát triển.

1(1).jpg
Cựu chiến binh Lê Văn Bình ở xã Hà Tân, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa với mô hình phát triển kinh tế rừng

Người dân chủ yếu sống dựa nhiều vào cây lúa và hoạt động khai thác đá thô sơ tại các chân núi đầy vất vả nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Trong khi đó, xã Hà Tân lại được thiên nhiên ban tặng cho hàng trăm hecta rừng bạt ngàn, trùng điệp, song ở thời điểm bấy giờ, do chưa có nhiều chính sách của Nhà nước, cộng với nhận thức của đa số người dân về việc phát triển kinh tế rừng còn khá hạn hẹp, dẫn đến hàng trăm hecta rừng bị bỏ hoang, đất đai cằn cỗi một cách lãng phí.

Ông Trương Văn Huấn, Chủ tịch UBND xã Hà Tân cho biết kể từ khi Dự 611 của Chính phủ về tổ chức thực hiện trồng mới 5 triệu ha rừng, các hộ được chính quyền địa phương giao khoán nhiều diện tích rừng để phát triên kinh tế và bảo vệ, từ đó thay đổi được tư duy, góc nhìn của người dân về rừng, là bàn đạp để địa phương xoá đói giảm nghèo.

Theo đó, Dự án 611 hay chính xác là Quyết định số 611/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ có mục tiêu trồng mới 5 triệu ha rừng cùng với bảo vệ diện tích rừng hiện có, để tăng độ che phủ của rừng lên 43%, góp phần đảm bảo an ninh môi trường, giảm nhẹ thiên tai, tăng khả năng sinh thuỷ, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học.

2(1).jpg
Vườn cây ăn quả của ông Lê Văn Bình

Sử dụng có hiệu quả diện tích đất trống, đồi núi trọc, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, góp phần xoá đói, giảm nghèo, định canh, định cư, tăng thu nhập cho dân cư sống ở nông thôn miền núi, ổn định chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh, nhất là ở vùng biên giới. Cung cấp gỗ làm nguyên liệu để sản xuất giấy, ván nhân tạo, đáp ứng nhu cầu gỗ, củi và các lâm đặc sản khác cho tiêu dùng trong nước và sản xuất hàng xuất khẩu, cùng với phát triển công nghiệp chế biến lâm sản, đưa lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội miền núi.

Người lính và khát vọng làm giàu trên đất rừng

Nắm bắt và hiểu rõ những chính sách của Đảng, Nhà nước, cùng với tư tưởng khát vọng làm giàu từ cánh rừng quê hương, năm 2007 cựu chiến binh Lê Văn Bình sinh năm 1964, ở xã Hà Tân là người đầu tiên làm đơn xin nhận thầu 12ha rừng tại mảnh đất hoang sơ, cằn cỗi.

3(1).jpg
Trồng rừng kết hợp chăn nuôi đem lại hệu quả kinh tế cao

Ông Bình cho biết, tại thời điểm bắt tay vào canh tác rừng đã gặp rất nhiều khó khăn, vì tình trạng đất đá tại đây không được tốt, rất nhiều bất lợi trong canh tác. Ông cùng gia đình đã phải vất vả cùng nhau cải tạo lại đất rừng, phát cỏ dại, đào hố trồng cây keo lá tràm, làm đường lên núi. Sau những ngày tháng nỗ lực, những cây keo lá tràm mà gia đình ông chăm sóc đã dần phát triển và vươn cao. Thấy việc trồng cây lá tràm thuận lợi, ông tiếp tục làm đơn xin thầu thêm, cho tới nay ông Bình và gia đình đã phủ xanh 55ha đất rừng bằng nhiều cây có giá trị kinh tế như cây keo lá tràm, cây mít, bưởi, dừa. Đồng thời, kết hợp chăn nuôi gia súc gia cầm, góp phần tăng thêm thu nhập đáng kể

Với sự quan tâm, tạo điều kiện của của chính quyền địa phương và khả năng sử dụng đất hợp lý, đời sống kinh tế của gia đình ông đã được cải thiện, thu nhập bình quân khoảng 300-400 triệu/năm. Cũng nhờ vào khoản thu nhập này, cuộc sống của ông đã dần ổn định, gia đình đã có ngôi nhà khang trang, con cái có điều kiện học tập tốt nhất. Nhưng đối với cựu chiến binh Lê Văn Bình, thành quả của mô hình kinh tế rừng mà ông tự hào nhất là giúp địa phương che phủ đất trọc đồi hoang bằng một cánh rừng xanh mướt mát, giữ gìn hệ sinh thái thiên nhiên, cùng với đó là tạo công ăn việc làm cho 40 - 45 lao động địa phương với thu nhập từ 7-8 triệu đồng/tháng, góp phần xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.

4(1).jpg
Mô hình này đã giúp ông Bình phát triển kinh tế bền vững, xóa đói giảm nghèo

Ông Nguyễn Đức Hội - Chủ tịch Hội cựu chiến binh xã Hà Tân đánh giá: Mô hình trồng rừng kết hợp với chăn nuôi của ông Lê Văn Bình là mô hình tiêu biểu giúp người dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Hội cựu chiến binh xã Hà Tân đã tổ chức cho hội viên tới đây tham quan mô hình phát triển kinh tế. Bản thân ông là người nhiệt huyết, có tinh thần trách nhiệm trong công việc, không ngần ngại chia sẻ những kinh nghiệm, những bí quyết mà ông tích lũy trong nhiều năm. Mong muốn hỗ trợ những hội viên, người dân đang gặp khó khăn cải thiện cuộc sống, xóa đói giảm nghèo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thanh Hóa: Khát vọng làm giàu từ mô hình trồng rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO