Biến đổi khí hậu

Quảng Nam: Thấp thỏm nỗi lo sạt lở núi

Lan Anh 21/09/2023 - 14:15

Vị trí địa lý, điều kiện địa hình phức tạp cùng những thay đổi khó lường của thời tiết dưới tác động của BĐKH khiến miền núi Quảng Nam luôn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi trong mùa mưa bão.

Mối nguy từ “họa núi đè”

Vài năm trở lại đây, miền núi Quảng Nam hứng chịu rất nhiều trận sạt lở đất, vùi lấp nhà cửa và cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Thiên tai liên tiếp xảy ra, có lúc tưởng chừng ở núi không còn nơi nào là an toàn. Từ Trà Vân, Trà Leng (huyện Nam Trà My) cho đến Phước Thành, Phước Lộc (huyện Phước Sơn) và nhiều vùng núi khác, những trận lở đất kèm theo lũ quét xuất hiện liên tục khiến đời sống người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

img_6264.jpg
Nhiều điểm ở miền núi thường xuyên bị sạt lở đe dọa vào mỗi mùa mưa

Nam Trà My là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, nhiều tuyến đường huyết mạch như quốc lộ 40B, tuyến đường liên xã, liên thôn bị sạt lở với khối lượng đất đá rất lớn, hàng tram ngôi nhà bị hư hỏng, mất an toàn sử dụng. Đặc biệt là trong năm 2020, địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề của 2 cơn bão số 9,10 gây mưa to, sạt lở đất, lở núi, lũ quét tại các xã Trà Leng, Trà Vân, Trà Mai và Trà Dơn, làm chết 19 người, 13 người mất tích và 32 người bị thương. Tài sản của người dân và nhiều công trình công cộng bị cuốn trôi và hư hại rất lớn.

Theo ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, nguy cơ, hiểm họa và thiệt hại từ sạt lở núi là rất lớn, thế nhưng, với địa địa hình đồi núi cao, nhiều khe suối nhỏ công tác xác định chính xác nơi có nguy cơ sạt lở cao rất khó khăn. Việc xác định vùng nguy cơ sạt lở chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, qua quan sát thấy có những dấu hiệu bất thường như vết đất nứt, hoặc hộ ở sát chân núi; chưa có phương tiện máy móc hỗ trợ xác định nơi có nguy cơ sạt lở. Do đó, cứ bước vào mùa mưa bão, người dân và chính quyền lại canh cánh với nỗi lo sạt lở núi.

tdc-3.jpg
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thăm hỏi, động viên người dân ở khu tái định cư sau thiên tai

Theo TS.Hoàng Ngọc Tuấn (Viện Khoa học Thủy lợi miền Trung và Tây Nguyên) cho rằng, tỉnh Quảng Nam có địa hình nghiêng dần từ Tây sang Đông. Mùa mưa từ tháng 8-12 nhưng không đều theo thời gian và không gian, có chiều hướng tăng dần từ phía biển vào sâu trong đất liền; lớn nhất phân bố ở huyện Nam Trà My (từ 3600- 4000mm/năm), tiếp theo đến các huyện từ huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang đến Phước Sơn (3200- 3600mm/năm). Những chỉ số địa hình, khí hậu này mang lại nhiều nguy cơ sạt lở đất.

Trong 5 năm gần đây, sạt lở đất diễn ra ngày càng thường xuyên và có xu hương tăng lên và tăng đột biến. Năm 2017 toàn tỉnh xảy ra 12 vụ sạt lở đất, làm 29 người chết và nhiều tài sản bị vùi lấp, hư hại; năm 2020 xảy ra 5 vụ sạt lở đất làm chết 30 người, mất tích 17 người, chủ yếu ở các huyện Phước Sơn, Nam Trà My và Bắc Trà My. Thế nhưng vấn đề để chủ động nhận biết, phòng tránh và ứng phó với loại hình này còn rất hạn chế.

Chủ động ứng phó

Trước mùa mưa bão năm 2023, các địa phương miền núi đã chủ động tìm giải pháp ứng phó, hạn chế rủi ro cũng như hậu quả nghiêm trọng do mưa lũ và sạt lở đất. Trong đó, tập trung sắp xếp, bố trí dân cư gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện, địa hình của từng địa phương; rà soát các vùng có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, góp phần xây dựng bản đồ cảnh báo.

tdc-2.jpg
Quảng Nam đã triển khai xây dựng nhiều khu tái định cư cho người dân vùng sạt lở

Theo Sở NN&PT NN tỉnh Quảng Nam thực hiện Nghị quyết số 23 của HĐND tỉnh về quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, trong năm 2023 UBND tỉnh tiếp tục giao cho 9 huyện miền núi hơn 140 tỷ đồng để triển khai công tác này.

Tính đến ngày 30/6, địa phương đã thực hiện sắp xếp, di dời chỗ ở đối với 398 hộ dân, đạt tỷ lệ gần 30%. Trong đó, số hộ di dời khẩn cấp do thiên tai là 347 hộ, di dời ra khỏi rừng đặc dụng và rừng phòng hộ 2 hộ, di dời ở vùng đặc biệt khó khăn 49 hộ.

Ông Hồ Công Điểm, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, từ năm 2021 đến nay, ngoài việc hỗ trợ các hộ dân vùng nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn, chính quyền huyện cùng các ngành chức năng đã triển khai hoàn thiện 6 khu dân cư (KDC) tập trung với tổng kinh phí hơn 70 tỷ đồng để phục vụ việc di dời hơn 200 hộ dân ảnh hưởng đợt thiên tai vừa qua và bà con ở vùng có nguy cơ sạt lở đất đá.

Tương tự, đến nay huyện Nam Trà My đã thực hiện sắp xếp, di dời 2.904 hộ dân về nơi an toàn để phòng tránh thiên tai; từng bước thay đổi diện mạo làng, bản theo hướng khang trang, người dân có cuộc sống tại nơi ở mới tốt hơn, có điều kiện để ổn định sinh kế.

“Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, bước vào mùa mưa bão năm 2023, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai từ cấp huyện đến cấp xã đã xây dựng Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro; có phương án sơ tán dân khi thiên tai xảy ra.

tdc-4.jpg
Việc sắp xếp, di dời người dân vùng sạt lở đến khu tái định cư giúp miền núi tránh được thảm họa thiên tai.

Về lâu dài, bên cạnh công tác sắp xếp, di dời người dân vùng thiên tai, địa phương đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng hiện có, tăng cường công tác trồng rừng, phát triển sinh kế dưới tán rừng. Đồng thời, rà soát, xác định cụ thể những điểm có nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến khu dân cư, các công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện.”- ông Dũng chia sẻ.

Theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, tại các địa bàn nằm trong nguy cơ sạt lở, người dân đã từng bước có sự tham gia vào việc xây dựng phòng, chống thiên tai; chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men và các vật dụng cần thiết khác đảm bảo đáp ứng nhu cầu trong thời gian xảy ra thiên tai.

Tuy nhiên, để chủ động ứng phó khi có tình huống thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương cần hợp đồng với các tổ chức, cá nhân về dự trữ vật tư, phương tiện; làm tốt công tác truyền thông, tuyên truyền phố biến pháp luật, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai cho người dân được biết. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, tất cả các xã nông thôn mới đều thành lập Ban Chỉ huy PCTT & TKCN.

Theo số liệu báo cáo của các huyện về nhu cầu sắp xếp, ổn định dân cư các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, có hơn 8.000 hộ, trong đó hơn 1.700 hộ vùng nguy cơ cao bị thiên tai, cần phải di dời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Nam: Thấp thỏm nỗi lo sạt lở núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO