Kinh tế

Phát triển năng lượng bền vững: Cần cơ chế, chính sách đặc thù

Phương Hà 28/07/2023 - 15:59

Ngày 28/7, Hiệp hội năng lượng Việt Nam (VEA) tổ chức Hội thảo “Cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn năm 2050”. Nhiều ý kiến cho rằng cần cơ chế, chính sách, lộ trình để triển khai  hiệu quả các dự án năng lượng nói chung từ Quy hoạch Điện VII điều chỉnh đến Quy hoạch Điện VIII vừa được ban hành.

01.jpg
Toàn cảnh Hội thảo “Cơ chế, chính sách, giải pháp đảm bảo phát triển năng lượng bền vững tầm nhìn năm 2050”

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch VEA Trần Viết Ngãi nhấn mạnh: Rút kinh nghiệm từ Quy hoạch Điện VII, Chính phủ và các cơ quan Trung ương cần quyết liệt, đột phá tạo cơ chế, chính sách, điều chỉnh để bố trí các dự án Quy hoạch Điện VIII được triển khai thực hiện có lộ trình cụ thể từ bước lựa chọn nhà thầu, công tác xây dựng, thẩm định, phê duyệt chi phí… nhằm triển khai có hiệu quả, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển năng lượng bền vững trong tương lai.

Nhiều vướng mắc liên quan đến cơ chế, chính sách

Tham luận tại Hội thảo, đại diện EVN cho biết, năm 2023, qua cập nhật tính toán cân đối cung cầu điện của các tháng cho thấy việc đảm bảo cung ứng điện toàn quốc sẽ còn nhiều khó khăn. Kế hoạch đầu tư xây dựng của EVN là 94.860 tỷ đồng. Tuy vậy, với kết quả sản xuất kinh doanh lỗ, EVN không thể trả nợ đúng hạn đồng thời các ngân hàng, tổ chức tín dụng sẽ khó khăn hơn trong việc phê duyệt các khoản vay, hạn mức vay cho EVN.

Về nguồn điện, EVN chưa khởi công dự án Nhiệt điện Ô Môn IV, chưa thể trình duyệt FS các dự án Nhiệt điện Dung Quất I&III do việc triển chuỗi dự án khí Lô B, Cá Voi xanh gặp vướng mắc và chưa xác định tiến độ cấp khí. Công tác phê duyệt các thủ tục đầu tư các dự án Thủy điện Trị An mở rộng, Thủy điện tích năng Bắc Ái bị chậm; Công tác đầu tư các dự án lưới điện gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong thỏa - thuận hướng tuyến, công tác đền bù GPMB, chuyển đổi đất rừng,... Năm 2022 phát sinh các vướng mắc mới liên quan thủ tục trình duy ệt chủ trương đầu tư các dự án mới theo quy định Luật Đầu tư, công tác đầu thầu mua sắm thiết bị phải thực hiện đấu thầu nội khối theo quy định Nghị định 90/2022/NĐ-CP.

evn.jpg
Một số dự án đầu tư xây dựng trạm biến áp và đường dây của EVN còn vướng mắc về thủ tục giao đất, cho thuê đất

Bên cạnh đó, sau khi Quy hoạch điện VIII được duyệt, EVN hiện đang gặp vướng mắc về việc xác định chủ đầu tư các dự án nguồn và lưới điện truyền tải do chưa được xác định cụ thể trong Quy hoạch điện VIII và chưa có quy định, hướng dẫn để EVN và các đơn vị có đủ thời gian chuẩn bị dự án đáp ứng tiến độ theo quy hoạch.

EVN cho hay, hiện nay, các dự án đầu tư xây dựng trạm biến áp và đường dây 110 - 500kV, 220kV trên địa bàn các tỉnh/thành phố đều gặp vướng mắc về việc liên quan đến thủ tục giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất. Do đó, EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung cơ chế đặc thù.

Đồng quan điểm với đại diện EVN, bà Tạ Vũ Duy Hòa - Phó trưởng Ban Kinh tế Đầu tư Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) kiến nghị Chính phủ, các Bộ/ngành cần quán triệt, phổ biến và hướng dẫn thực hiện quy định pháp luật về năng lượng để đảm bảo kịp thời xử lý bất cập và nâng cao tính thực thi của hệ thống pháp luật trong lĩnh vực năng lượng, nhất là hiện tại vẫn đang chờ Luật chung cho tất cả các loại năng lượng tái tạo.

Đại diện PVN cho biết, hiện nay, PVN về cơ bản cân đối đủ vốn cho các dự án nằm trong Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 của PVN đang trình Chính phủ. Tuy nhiên, với tầm nhìn dài hạn dự báo nhu cầu vốn của PVN trong thời gian tới phục vụ đầu tư Tổ hợp Lọc hóa dầu và Kho dự trữ quốc gia dầu thô Long Sơn, cơ hội đầu tư LNG, đầu tư chuyển dịch năng lượng, phát triển năng lượng sạch, hydro xanh,... phần lợi nhuận để lại 30% lợi nhuận sau thuế không đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho đầu tư và phát triển.

03.jpg
PVN kiến nghị Quốc hội xem xét trích tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế để lại doanh nghiệp sử dụng vào mục đích đầu tư phát triển ngành, nghề kinh doanh chính của doanh nghiệp 

Đẩy nhanh triển khai Quy hoạch Điện VIII

Theo Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch VEA Nguyễn Văn Vy, thị trường năng lượng tái tạo cần có các chính sách và thủ tục pháp lý rõ ràng để tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư, đồng thời, các cơ quan quản lý cần đưa ra các chính sách với các điều kiện tạo ra môi trường đầu tư ổn định và có thể dự đoán được, giúp vượt qua các rào cản và đảm bảo dự đoán được dòng doanh thu của các dự án.

Tại Hội thảo các chuyên gia đều có ý  kiến, Đồng thời, cần tiến hành cân bằng công suất - điện năng, xác định khối lượng các dự án điện mặt trời, điện gió và các nguồn năng lượng tái tạo cần xây dựng trong giai đoạn 2023 - 2025 - 2030. Việc cân đối được tiến hành theo từng vùng, miền để xác định công suất mỗi loại cần đưa vào trong từng năm của mỗi vùng, miền. Đề xuất cơ chế sử dụng đất cho phát triển các dự án NLTT. Mặt khác, để quản lý hiệu quả nguồn NLTT biến đổi quy mô lớn, tính linh hoạt phải được thực hiện trong tất cả các lĩnh vực của hệ thống năng lượng, từ phát điện đến hệ thống truyền tải và phân phối, lưu trữ (ca điện và nhiệt) và phía cầu.

02.jpg
Đề xuất việc cân đối công suất - điện năng, xác định khối lượng các dự án điện mặt trời, điện gió được tiến hành theo từng vùng, miền

Cùng với đó, Bộ Công Thương cần thiết lập kế hoạch chi tiết 5 năm tới để triển khai các công tác về phân quy mô các nguồn năng lượng tái tạo từ vùng tới các tỉnh; đảm bảo sớm lựa chọn được chủ đầu tư các dự án quan trọng cũng như các dự án năng lượng tái tạo; có biểu giám sát việc thực hiện đầu tư xây dựng nguồn và lưới điện đồng bộ. Với các dự án nguồn điện quan trọng quốc gia, cần thiết có chế độ giám sát nghiêm ngặt từ Chính phủ, Bộ Công Thương, không để xảy ra tình trạng dự án chậm nhiều năm.

Với các dự án điện khí hóa lỏng LNG, vì đây là loại hình nguồn điện thay thế điện than, giảm phát thải CO2, cần thiết sớm lập kế hoạch chi tiết về địa điểm, chọn chủ đầu tư; Bộ công Thương chỉ đạo, hỗ trợ cũng như giám sát tối đa chủ đầu tư trong quá trình đầu tư; sớm sàng lọc, loại bỏ các chủ đầu tư kém năng lực hoặc triển khai kiểu cầm chừng.

Ngoài ra, cơ chế về hoàn thiện công cụ tài chính đối với các loại phát thải trong ngành điện (ví dụ tín chỉ các-bon, thuế các-bon) là cần thiết để khuyến khích nghiên cứu, áp dụng vào thực tế các loại công nghệ, nhiên liệu sạch, đồng thời tăng tính cạnh tranh công bằng giữa nguồn điện than với nguồn điện khí, vốn có giá nhiên liệu cao hơn, nhưng “sạch hơn”.

Sau khi kết thúc hội thảo, Hiệp Hội năng lượng Việt Nam sẽ đúc rút, tổng kết những vấn đề, ý kiến, tham luận được nêu để kiến nghị lên các cơ quan Trung ương, Bộ ngành, các địa phương xem xét, từ đó, đẩy nhanh triển khai Quy hoạch Điện VIII, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát triển năng lượng bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển năng lượng bền vững: Cần cơ chế, chính sách đặc thù
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO